Yên Bái: Tìm giải pháp duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh
Ngày 21/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện “Giải pháp duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”.
Hội thảo có sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật một số tỉnh bạn: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ.
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình, mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 147 sản phẩm OCOP, đứng thứ 4/14 tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc về số lượng sản phẩm đã được xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn nhiều hạn chế: một số chính sách khi triển khai thực hiện còn bộc lộ bất cập; một số nội dung triển khai chu trình OCOP của nhiều chủ thể còn mang tính hình thức, thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường; việc xây dựng hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP mất nhiều thời gian và kinh phí; mẫu mã sản phẩm, xuất xứ hàng hóa còn hạn chế...
Quang cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP. Các tham luận cũng đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn về thực trạng các vấn đề liên quan đến sản phẩm OCOP: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất, định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP; các chính sách phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh; khó khăn, vướng mắc, giải pháp cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và công bố chất lượng hàng hóa; bài học kinh nghiệm của các chủ thể tham gia OCOP...
Liên hiệp Hội tỉnh tỉnh Yên Bái sẽ tổng hợp, đưa ra đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP trong thời gian tới gồm: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn phát triển sản phẩm OCOP với xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số; tiếp tục rà soát, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP, kiên quyết loại trừ các sản phẩm không đủ điều kiện dù đã được công nhận OCOP...