Vùng ĐBSCL: Tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu
Bảo vệ môi trường cảnh quan đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mêkông
Vùng ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Quy mô diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7km2. Dân số hiện trạng năm 2013 khoảng 17,3 triệu người.
Theo dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL, mục tiêu của đồ án là nâng cao vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL tầm quốc gia và khu vực; Phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, cân bằng giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mêkông, đảm bảo an ninh quốc phòng; Phát triển vùng theo các chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồ án cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao; Phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước tầm Quốc gia và quốc tế. Vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực lân cận về kinh tế văn hóa và xã hội.
Vùng ĐBSCL sẽ có tính chất là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới. Vùng đồng thời là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp tầm quốc gia; trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mêkông mang tầm quốc gia và quốc tế. Vùng có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.
Dự báo, đến năm 2020 dân số toàn vùng đạt khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 30 - 35%; Đến năm 2030, dân số toàn vùng đạt khoảng 19 - 20 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40 - 45%. Đất xây dựng đô thị, đến năm 2020 vùng cần khoảng 100.000 - 110.000ha; đến năm 2030 khoảng 120.000 - 150.000ha.
Cần Thơ là đô thị hạt nhân động lực phát triển vùng ĐBSCL
Tờ trình cho biết, nội dung nghiên cứu điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL sẽ tập trung phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, trong đó bao gồm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và tác động ngập lũ sông Mêkông đối với phát triển vùng. Đồ án đồng thời nghiên cứu hiện trạng phát triển vùng; đánh giá định hướng QHXD vùng ĐBSCL đã được phê duyệt năm 2009 và công tác thực hiện quy hoạch bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của vùng… Trên cơ sở đó, xác định các nội dung cần điều chỉnh trong đồ án điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL đến năm 2030 và dự báo phát triển vùng, mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng…
Dự thảo nhiệm vụ QHXD vùng ĐBSCL cũng đề xuất điều chỉnh phân vùng chức năng. Theo đó, điều chỉnh phân vùng phát triển trên cơ sở vùng trọng điểm của vùng ĐBSCL, vùng dọc sông Tiền, sông Hậu và vùng chuyển tiếp với vùng TP.HCM và Điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống đô thị vùng. Trong đó, Cần Thơ là đô thị hạt nhân động lực phát triển vùng, các đô thị trung tâm tiểu vùng, hệ thống đô thị dọc theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị. Các điểm dân cư nông thôn tập trung được định hướng phát triển phù hợp với đặc điểm tự nhiên, sản xuất và theo mô hình xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm vụ điều chỉnh QHXD cũng yêu cầu định hướng phân bố các KCN tập trung gắn với các vùng đô thị và các trục hành lang kinh tế đô thị Quốc gia và vùng, các trung tâm năng lượng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng, đảm bảo khai thác hiệu quả các lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực…
Về điều chỉnh định hướng tổ chức không gian vùng, đồ án đặt ra nhiệm vụ tổ chức không gian các đô thị và liên kết vùng đô thị theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; Tổ chức không gian các KKT cửa khẩu, KTT biển, KCN tập trung gắn với không gian đô thị và các trục hành lang kinh tế, các đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Nhiệm vụ QHXD cũng đề cập bảo tồn các không gian vùng cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, rừng ngập mặn, rừng ngập nước, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; Tổ chức không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia, quốc tế; Tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chuyên canh và không gian nuôi trồng thủy sản.
Nghiên cứu mô hình quản lý và điều phối phát triển vùng
Dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL cũng đề cập các nội dung Điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng; xác định tính chất, vị trí quy mô các công trình đầu mối giao thông gồm các cảng hàng không quốc tế, cảng biển, các bến thủy nội địa, ga đường sắt; Đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và hành lang bảo vệ các công trình giao thông; đề cập đến các nội dung cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang và đánh giá môi trường chiến lược…
Nhiệm vụ điều chỉnh QHXD cũng đề xuất các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển vùng. Đó là là các chương trình kết cấu hạ tầng vùng về giao thông, năng lượng, cấp nước; phát triển đô thị; ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng sống; bảo vệ môi trường; hiện đại hóa nông nghiệp, thủy lợi...
Đặc biệt, đồ án điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL lần này cũng sẽ nghiên cứu mô hình quản lý và điều phối phát triển vùng, các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch; đề xuất giải pháp về thể chế, chỉ đạo nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, liên kết, cơ chế đặc thù…
Đồ án điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL sẽ do Phân Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn miền Nam là tư vấn lập quy hoạch, Bộ Xây dựng là chủ đầu tư đồng thời là cơ quan thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, thời gian lập điều chỉnh quy hoạch không quá 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.