Vua Lửa Vua Nước
Từ điển Việt – Ê đê(xuất bản năm 1993, trang 605) định nghĩa Thủ lĩnh bộ lạc là “Khua djă djuê mnuih”. Tù trưởng được đồng bào coi như “cây đa đầu suối, cây sung đầu làng, là người trông nom anh em con cháu trong làng” người dân trong buôn trước khi quyết định một điều gì phải hỏi ý kiến thủ lĩnh, bởi vì “có cây đa thì phải hỏi cây đa, có cây sung thì phải hỏi cây sung, có mẹ cha thì phải hỏi mẹ cha”, nếu không “có chuyện sai lầm thì phải đưa ra xét xử”. ( Luật tục Êđê(tập quán pháp), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Điều 61, trang 187). Chính từ quan niệm này mà người đứng đầu buôn được chọn lựa theo những chuẩn mực cổ truyền.
Chúng ta có thể kể tới những vị thủ lĩnh nổi tiếng như: Bơ T’rang Lơng, N’trang Gưh, Oi H’mai, Oi H’phai, Ama Sô, Ama Jhao, Ama Thuột, Xăm Brăm Yă H’âm, Oi Tũ, Oi Bõ, Khun dju nob… Tuy vậy, Ptâo Pui và Ptâo Ea được nhiều người nhắc đến, thậm chí mang đậm chất huyền thoại, vậy đâu là sự thật lịch sử?
Từ trước tới nay có rất nhiều học giả nghiên cứu và viết về hai nhân vật này, nhưng đa số đều dựa vào truyền thuyết mà quên rằng họ là những nhân vật lịch sử, đã được sử cũ ghi lại không ít.
Những nhà khoa học Nga giả thiết rằng Vua Lửa có nguồn gốc bản địa, do tự thân xã hội của người Thượng đẻ ra. Các nhà khoa học Pháp thì cho rằng ông này là một đại phù thuỷ. Ông Nguyễn Chí Bề nhận xét: “Có lẽ các Pơ tao Pui, Pơ tao Ya của người Jarai, thoạt kỳ thuỷ, và sau khi đã khúc xạ vai trò và quyền thế với cộng đồng, đến hiện nay, cũng là một nghệ nhân dân gian. Cứ liệu khảo sát điền dã hiện tại với Siu Luynh, người dự kiến thay thế các Pơ tao Pui tiền nhiệm, hiện ở huyện Ajun Pa là một minh chứng tiêu biểu, gạt ra bên ngoài những vấn đề tín ngưỡng, ông là một nghệ nhân dân gian còn lưu giữ được nhiều sáng tác Folklore của cộng đồng từ các thế hệ trước” (2).
Ông Nguyễn Minh San thì cho rằng: “Vua Lửa hay nói đúng hơn, vị Pơ tao Pui của người Gia Rai hay M’tao Pui của người Êđê, hay thoạt kỳ thuỷ chỉ là người nắm được kỹ nghệ rèn đúc công cụ. Nhưng chính do sự ngưỡng mộ sùng kính của chính đồng bào mà họ dần dần đưa những con người làm nghề này tới chỗ tha hoá, trở thành thần tượng của một tín ngưỡng – tín ngưỡng thờ Vua Lửa. Rồi không biết từ bao giờ, các vị Vua Lửa bắt đầu lợi dụng ngay chính sự tín ngưỡng của đồng bào mình, biến họ thành kẻ bị sùng kính. Họ trở thành những vị phù thuỷ hành nghề theo kiểu Saman giáo. Họ là những thủ lĩnh pháp sư chứ không phải, và không thể là những thủ lĩnh bộ tộc” (3).
Ông Nguyễn Hữu Thấu thì khẳng định, Vua Lửa là một nhân vật lịch sử đã bị thoái hoá dần, ít ra là từ khi người Pháp bắt Vua Lửa cắt đứt quan hệ với người Campuchia. Ông Thấu gọi Vua Lửa, Vua Nước là “thế tư”, thậm chí là một “đại thế tư” giống như là một cố đạo, một tầng lớp người đứng ra thay mặt nhân dân để giao tiếp với trời đất, chứ không phải là một thầy cúng hay thầy phù thuỷ.
Dựa vào kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước và tư liệu điền dã, chúng tôi có hỏi ý kiến như sau:
Khu vực Bắc Tây Nguyên, thuộc địa phận Gia Lai bây giờ có ba Pơtao gọi theo người Gia Rai và người Chăm, còn người Êđê gọi là M’tao. Đó là:
- Pa tâo Pui hay còn gọi là Hoả vương, thời phong kiến gọi là Hoả Xá, người Khơmer gọi là Săm dêch phlơng. Phạm vi ảnh hưởng của Pa tâo Pui là Cheo Reo và vùng phụ cận (nghĩa là ảnh hưởng sang cả người Bana, Êđê).
- Pơ tâo Ia hay còn gọi là Thuỷ vương, thời phong kiến gọi là Thuỷ Xá, người Khơmer gọi là Săm dêch tơk. Phạm vi ảnh hưởng của Pa tâo Ia và Plây kali (hay còn gọi là Plei Tali) ở phía bắc của Cheo Reo (đây là một huyện thuộc cực năm Gia Lai, giáp huyện Ea H’leo của Dăk Lăk). Trong dân gian còn truyền nhau rằng: “Oi Tũ ti ngõ, Oi bõ ti yũ” (nghĩa là: Ông Tụ ở phía đông, Ông Bọ ở phía tây).
- Pa tâo Angĩn, người Việt không nói đến chuyện phong vương, nhưng sách của người Pháp có nói đến vua Gió.
- Pa tâo Pui (Vua Lửa) là một vương chức, Ông Tụ, chính là người tù trưởng đã giết tên thực dân Odăngdan. Người ta biết ông nhiều hơn chính vì ông đã giết được tên thực dân này. Người ta nói rằng, cho đến tận năm 1904 ông ấy vẫn còn sống. Hiện nay, người kế tục Vua Lửa là Oi Luĩn và người phó vương là Oi Tuĩn.
Nói về phả hệ của Vua Lửa có 13 đời, nhiều người đã tìm được 13 đời vua có tên cụ thể (ở đây chúng tôi không nhắc lại nữa). Có thể giả thiết rằng, nguồn gốc của Vua Lửa là một hoàng thân của nước Chămpa, do vua nước Việt là Lê Thánh Tông đặt làm vua ở nước Nam Bàn (vùng Cheo Reo, Củng Sơn, Krông Pa, Sông Hing trở lên, chúng ta có thể dự đoán như vậy).
Vùng Cheo Reo trong sử cụ còn ghi, sau chiến thắng Chămpa, Lê Thánh Tông mở rộng biên thuỳ của Đại Việt ở đèo Cù Mông (giữa Phú Yên và Bình Định) phần đất còn lại của Chămpa từ Phú Yên trở vào, Lê Thánh Tông chia làm ba nước: Nam Bàn, Hoà Anh, Chiêm Thành.
Nước Nam Bàn, sử cũ (4)ghi lại rằng, trước đây nó thuộc đất “Chiêm Thành, khi vua Lê Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành và mở đất đai đến núi Thặc Bi (5)phong dòng dõi chúa Chiêm Thành làm Nam Bàn Quốc vương và chia cho giữ đất đai từ núi Thạch Bi này trở về phía Tây, từ phủ Hoài Nhân (6)đi theo đường thượng đạo(?) thì phải mất 14 ngày mới đến được nước này, tức là đất đai của hai nước Thuỷ Xá và Hoả Xá (7).
Trong Phủ biên tạp lụccủa Lê Quý Đôn thì miêu tả chi tiết hơn: “Nước ấy chừng hơn 50 thôn, trong đó có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thuỷ vương ở phía đông núi, Hoả vương ở phía tây núi đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng bằng lửa, tháng giêng gieo, tháng 5 lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt, không biết ngày tháng. Tuốt lúa xong thì thu thuế. Vua cưỡi voi, đi theo độ hơn mươi người, đến một thôn man nào đó thì đánh ba hồi chiêng người trong thôn đều ra, làm nhà tranh cho vua ở” (8).
Như vậy giả thiết Ptâo Pui thuộc dòng dõi hoàng thân nước Chămpa cũ do vua Lê Thánh Tông đặt ra là có cơ sở. Nếu tính từ năm 1475 trở về sau này có tất cả là 525 năm, nếu tính mỗi đời vua khoảng 25 năm thì có khoảng hơn 20 đời vua, nghĩa là có khoảng 7 đời mà không nhớ được.
Theo tài liệu của triều Nguyễn, con cháu của họ Nguyễn vào Quảng Bình lập nghiệp, giữa thế kỷ 16 chúa Nguyễn vẫn có quan hệ với Ptâo Pui, cứ vài năm một lầm Ptâo Pui lại cho người về triều đình cống sản vật. Chúa Nguyễn cũng đã phong cho Ptâo Pui một chức tam phẩm võ quan. Khi nhà Nguyễn lên ngôi vẫn tiếp tục quan hệ. “Vua Minh Mạng thứ 12 (1851) cho sứ bộ Thuỷ Xá đến kinh đô dâng cống và đồng thời tặng Thuỷ Xá: gấm nhà Tống 2 cây, vũ đoạn 2 tấm, trừu sa 2 xấp… cho sứ thần: bạch kim mười lạng, trừu sa lam một đoạn, quế sa ta hai tấm…” (9). Vào năm Minh Mạng thứ 15, nhà vua còn tặng cho Thuỷ Xá: “Một bộ đồ uống trà bằng sứ, một bộ đồ uống rượu bằng pha lê, một cái hộp bằng pha lê vẽ chỉ vàng, có cả đĩa, một hộp bằng pha lê in bóng, hai tượng người bằng mã não đỏ…” (10). Còn quan lại tỉnh Phú Yên vâng lệnh triều Nguyễn đã tặng cho Hoả Xá “một chiếc độc bình bằng bạc để sau này đựng tro thiêu xác Hoả Xá” (11).
Về các hiện vật liên quan đến Vua Lửa chúng tôi chưa được tiếp cận trực tiếp. Nguyễn Hữu Thấu (chuyên gia nghiên cứu về văn hoá các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên) kể lại rằng (12), ông đã đến gặp hậu duệ của Vua Lửa hiện nay là Oi Luĩn để tìm hiểu vấn đề. Trước khi ông kể lại, Oi Luĩn đã phải dùng một chén rượu cúng rồi đổ xuống đất, rồi ông kể rằng, dòng họ của Oi Luĩn có nhiều kiếm. Người ta làm một cái lều ở trong rừng và để kiếm ở đó. Ba cái ở giữa là kiếm thần, ba cái ở sau và hai cái ở trước gọi là K’eng, được xem như là phụ tá cho những chiếc kiếm kia. Trên mặt bàn trong lều còn có một chiếc gùi, trong đó có những cái vòng được coi là linh thiêng. Ngoài ra, còn có một cái chuông đồng (hiện nay đã bị mất) và những dụng cụ để bắt voi. Trao đổi với tôi, ông Nguyễn Hữu Thấu nhận định: “Có thể những chiếc kiếm này là do triều đình phong kiến ban tặng chăng?”.
Chuyện kể về Pơ Tao Ta (vua Nước) và vương quốc Thuỷ Xá:
Làng vua Nước (plei Pơ tao) ở xã Nhơn Hoà, cách trung tâm huyện Chư Sê khoảng 20 km, thuộc tỉnh Gia Lai.
Truyền thuyết về Vua Nước kể rằng, Yang ju H’măng và Yang Chứ giao chiến, Ya Ia đứng ra can thiệp, được Ngọc Hoàng tin cậy giao cho việc cai quản dân làng. Yang Ia ở tận trời cao, muốn cai quản tốt dân làng Yang Ia xin Ngọc Hoàng dựng một cấp trung gian nữa là Vua Nước (Pơ Tao Ia) để cai quản thế gian. Vương miện đầu tiên được trao cho người Chăm, sau này là người Gia Rai thuộc dòng Rơ Chăm đã giành được vương miện. Chính vì vậy, người Chăm đã nhiều lần đến đánh nhau để giành lại vương miện.
Vua Nước là người đại diện trần gian liên hệ với thần linh ở cõi trần, vua được thần dân trong làng góp tiền làm nhà, thần dân tự nguyện sản xuất để nuôi vua. Vua chỉ làm mỗi việc là cầu trời cho mưa thuận gió hoà, người dân khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt. Vợ vua được coi là hoàng hậu, con gái vua được coi là công chúa, con trai vua được gọi là hoàng tử.
Cho đến năm 1955, dòng họ vua Nước đã trải qua 7 đời, đó là Rơ Chăm Kép làm vua từ năm 1425 đến năm 1426, Rơ Chăm Nhơn làm từ 1501 đến năm 1571, Rơ Chăm Bring làm vua từ năm 1576 đến năm 1646, Rơ Chăm Dăi làm vua từ năm 1651 đến 1719, Rơ Chăm Guh làm vua từ năm 1724 đến năm 1795, Rơ Chăm Nhoach làm vua từ năm 1800 đến năm 1870, Rơ Chăm Bo làm vua từ năm 1897 đến năm 1955.
Vua Nước đời thứ 7 mất, xác của ông được hoả thiêu rất long trọng, giống như người Chăm Bà La Môn ở vùng duyên hải Trung Bộ. Trong thời gian này, các làng làm trâu bò cúng tế. Sau 7 ngày, dân làng lấy tro chôn ngay dưới nhà mồ, và họ cũng thực hiện việc chia của cho vua. Nhà mồ được vua xây dựng như nhà rông thu nhỏ trong một khu vực riêng, không cùng với khu nhà mồ của làng. Chỉ có vợ vua mới được chôn cất ở gần. Trong lễ tang, người ở các buôn xa, buôn gần đều đến dự, những người Gia Rai ở Glei Ku, Chư Prông, Đức Cơn (tỉnh Gai Lai), những người Êđê, Gia Rai ở Buôn Ma Thuột, Ea H’leo, Buôn Hồ (tỉnh Dak Lal) đã đến rất đông. Hiện nay, vua Nước đời thứ 7 còn lại một người con gái tên là Rơ Chăm H’ra Nhrung, chồng của cô là Kpă Măng cùng hai người giúp việc là ông Siu Pel và Kpă Khoai. Già làng của Pơ tao là Kpă Tek. Tài sản của vua Nước để lại là một thanh gươm thần cất giấu ở rừng thiêng, chỉ có vua và người giúp việc được biết, còn hai quả chuông và quần áo của vua do con cháu dòng họ Rơ Chăm ở Buôn Săm, huyện Eaq H’leo, tỉnh Dak Lak đang cất giữ. Muốn xem gươm phải cúng tế thần bằng một con heo.
Chúng ta không có những tư liệu thành văn về phả hệ của dong họ Ptâo Pui và Ptâo Ea, bởi vì mối quan hệ giữa vương triều Hoả Xá với miền xuôi chủ yếu thông qua những người lái buôn và các câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Tuy nhiên, dựa trên tài liệu dân tộc học, chúng tôi chỉ đưa ra giả thiết rằng, Ptâo Pui, Ptâo Ea là hậu duệ của vua nước Nam Bàn, vì lẽ sau:
Trước đó có người cho rằng họ được sinh ra trong lòng xã hội Gai Rai, nhưng chúng tôi lại nghĩ rằng, họ là hậu duệ rơi lại của vua Nam Bàn bị biến dạng đi. Bởi vì, phong tục và lễ tấn phong của vua Lửa thường được tổ chức tại Drang Lai. “Drang Lai là một cái đền nằm cách đồn Cheo Reo 4 km, trên hữu ngạn sông Ayung là một đền nhỏ thờ Siva, được xây dựng trên một mô đất. Đền này theo Finot và G. Maspero thì Sinhavarman III đã xây dựng cho thần Siva Jaya Sinhavarman ligaciara tại xứ Panduranga (Phan Rang) và xứ Dak Lak ngày nay. Những đền đài mà họ trao tặng một cách dồi dào ruộng đất, nô lệ và voi…” (13).
____________________
(1) Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người, NXB Văn hoá thông tin - Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 1996 trang 527.
(2) Nguyễn Chí Bền. Diện mạo folklore Gia Lai - một phác thảo. Tạp chí Văn hoá nghệ thuật. Số 2 năm 1993, trang 67.
(3) Nguyễn Minh San. Quanh hiện tượng văn hoá tín ngưỡng “Vua Lửa” ở Tây Nguyên. Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Số 2 năm 1993, trang 73.
(4) Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Chính biên - Quyển thứ XXII, NXB Giáo dục, Tập 1, trang 1100-1101.
(5) “Núi Thạch bi, ở địa phận tỉnh Phú Yên, theo Dư địa chí của Lê Quang Định, khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành để mở đất đến núi Thạch Bi, có khắc chữ vào vách đá trên đỉnh núi, chữ ấy nay vẫn còn, nhưng nét chữ lờ mờ sứt mẻ, không thể trông rõ được”. ( Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sách đã dẫn, trang 1101)
(6) “Phủ Hoài Nhân sau đổi tên thành phủ Quy Nhơn (Thái Tổ Gia du hoàng đế năm (45) phủ Quy Nhơn thuộc tỉnh Quảng Nam (năm Gia Long thứ 2) phủ Quy Nhơn đặt là tỉnh Ninh Bình”. (Sách đã dẫn, trang 1104.
(7) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sđd.
(8) Lê Quý Đôn, toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, NXB KHKT, Hà Nội, 1997, trang 122.
(9) Hoàng Văn Huyên, Tây NguyênNXB Văn hoá, Hà Nội, 1980, trang 180.
(10) Jacques Dournes, Recherches sur le haut Chămpa (Tìm hiểu về nước Chămpa thượng).France - Asie, T.XXIV, Vol 2 (201), 1970.
(11) Hoàng Văn Huyên, Tây Nguyên, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1980, trang 181.
(12) Lê Quý Đôn, toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, NXB KHKT, Hà Nội, 1997. trang 122.
(13) Tài liệu điền dã cá nhân, tháng 7 năm 1998.
Về hệ thống các Pôtao của người Jarai Để làm sáng tỏ thêm bài viết trên, chúng tôi xin trích giới thiệu một đoạn trong sách của nhà dân tộc học Pháp nổi tiếng, Jacques Dournes, đã nhiều năm sống trên đất cao nguyên và có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá các tộc người ở đây: “Người nước ngoài không hiểu về hệ thống Pôtao của người Jarai nên thường gọi bằng các tên: Vua lửa, Vua nước (người Pháp), sadet, sdach phleung, sdach teuk (người Khmer), Hoả Xá, Thuỷ Xá (người Việt). Sự thật thì Pôtao có ba loại: pôtao apui, thầy của lửa; pôtao ia, thầy của nước; pôtao angin, thầy của không khí. James Frazer coi đó là ba yếu tố. Pôtao apui và pôtao angin nằm trên sườn phía đông của lãnh thổ Jarai; còn pôtao ia thì sống trên sườn phía tây. Mỗi pôtao là biểu hiện một phần của toàn thể; ba yếu tố của vật chất; cha, mẹ, con; Đông và Tây; cái cán, vỏ dao, lưỡi dao, ba yếu tố của nghề rèn… Mỗi pôtao gìn giữ một báu vật, như thanh kiếm của pôtao là biểu hiện quyền lực của họ. Các pôtao là bảo đảm cho sự hợp nhất của các tộc Jarai, gồm có bảy họ mẫu hệ thoát thai từ tám tộc huyền thoại. Pôtao duy trì mối quan hệ giữa con người, giữa con người với thần linh hay giữa con người với thiên nhiên. Các pôtao gắn chặt với H’bia, con gái pôtao. Người con gái này có dòng máu cao quý, là hiện thân của người con gái hay đàn bà. Các pôtao duy trì tính vĩnh hằng gắn với các huyền thoại., đó là tinh thần Jarai mà hiện tượng này được tồn tại thông suốt”. |