Vĩnh Long: Một lương y tận tâm vì bệnh nhân nghèo
Chùa Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tên Hưng An Tự là nơi khám chữa bệnh từ thiện của lương y Tống Thị Anh cùng một số cộng sự. Tại phòng mạch là bảng gỗ có in dòng chữ: “Tín thiện giúp đời, từ bi cứu thế/ Nguyện thành Phật đạo, phước huệ song tu”.
Theo lương y Tống Thị Anh, đó chính là phương châm tu hành và làm từ thiện của chùa.Phước là phòng thuốc độ bệnh; Huệ là học kinh, luật, luận của nhà Phật. Mỗi chùa tịnh độ cư sĩ đều có phòng khám chữa bệnh từ thiện kèm theo để các tu sĩ thực hiện song song 2 nhiệm vụ: tu hành và cứu nhân độ thế.
Trước khi sống ở chùa, cô Anh xuất thân từ gia đình nông dân ở xã Hòa Ninh- Long Hồ. Cha cô cũng là phật tử và chuyên làm thuốc từ thiện. Trong 5 anh em của cô, có 2 người phát tâm ăn chay, niệm Phật, dùng thuốc Nam cứu độ cho dân nghèo. Cô cũng yêu thích ngành y và thích cuộc sống bình đẳng, không phân biệt giai cấp tại chùa tịnh độ cư sĩ.
Cô kể, từ năm 1976 cô đến tu tại Hưng An Tự và “hướng điều lành để được sinh cõi lành”.Mỗi ngày, cô đều thức sớm để luyện tập công phu, lễ Phật và dành trọn buổi sáng để bắt mạch, định bệnh và hốt thuốc. Buổi chiều, cô lại cùng các y sinh, y sĩ và phật tử tất bật với công việc chặt, bào, phơi và sao chế thuốc.
Tại nơi bào chế thuốc ở sân thượng, cô Anh cho biết: Nơi đây cao ráo, sạch sẽ, ít bụi đường và có đủ ánh nắng. Ngoài đảm bảo về yếu tố sạch, nguồn dược liệu phải được xắt, bào, tỉa… đều tay, còn lưu hương thơm và màu sắc cần thiết của vị thuốc.
Cô phơi thuốc thẳng hàng, đẹp lối, không để lẫn bất cứ vật gì vào nguồn dược liệu đang có vì sợ không đảm bảo vị thuốc. Khi khám bệnh, cô còn tỉ mỉ hướng dẫn các y sinh, y sĩ cách bốc thuốc và gói lại sao cho ngay ngắn và đẹp mắt trước khi trao cho bệnh nhân. Những việc làm tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn vì đã giúp người bệnh tiếp cận với nơi chăm sóc sức khỏe miễn phí nhưng lại có nguồn dược liệu sạch và tốt nhất…
Cô cho biết sở trường điều trị của cô là “tứ thời ngoại cảm”, tức: bệnh cảm 4 mùa. Song song đó, cô đã có 15 năm kinh nghiệm điều trị nhãn khoa, 10 năm châm cứu, 10 năm bắt mạch, kê toa và truyền nghề cho trên 50 học trò. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến điều trị bằng thuốc Nam và châm cứu.
Để có đủ nguồn thuốc, bên cạnh việc trồng các loại dược liệu trong vườn thuốc mẫu, cô còn vận động người dân trồng cây cảnh phối hợp thuốc Nam và trồng xen vườn cây ăn trái.
Hàng năm, có 30- 40 tấn thuốc vườn do các tín đồ, phật tử trồng chở đến. Ngoài ra, chùa còn trích khoảng 10 triệu đồng để thuê người thu hái, vận chuyển về khoảng 10 tấn dược liệu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phúc Mỳ: Cô Anh làm việc miệt mài bằng tất cả tình yêu nghề của người thầy thuốc. Bên cạnh, cô cũng tham gia đóng góp rất nhiều cho phong trào của hội, phối hợp với ngành y tế và Hội Chữ thập đỏ làm từ thiện, hỗ trợ người khó khăn, cơ nhỡ... Cô Anh đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Đông y, UBND tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh.