Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 11/10/2005 14:40 (GMT+7)

Viết hoa tên cơ quan đơn vị…còn nhiều rắc rối

Không đi vào lý luận, tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ để cho thấy tính phức tạp của vấn đề.

Tên báo chí

Theo quan niệm của Nguyễn Trọng Báu, báo chí cũng là một tên gọi bao gồm danh từ “báo” cộng với tên gọi, đồng thời cũng là chức năng của tờ báo. Vì vậy có thể viết hoa nhất loạt như sau: Báo Nhi đồng, Báo Khoa học và phát triển, Báo Khoa học và đời sống, Báo Hà Nội mới, Tạp chí Khoa học và tổ quốc…

Nhưng thực ra, tác giả đã không chú ý đến hai khía cạnh sau đây:

1-Tên báo chí không hẳn nói trực tiếp chức năng của nó, như Báo Khoa học thường thức, Báo Nhi đồng, Báo Thương mại, Tạp chí Tin tức hoạt động khoa học và kỹ thuật…Cùng với sự phát triển của báo chí, tên gọi các tờ báo, tạp chí ngày càng phong phú và đa dạng, phần nhiều mang tính biểu tượng hơn là “ngang bằng sổ thẳng” như trước đây. Chẳng hạn, báo cho tuổi mới lớn có Hoa Học Trò, Mực tím,trước đây còn có Bạn ngọc, Tuổi xanh, Tuổi hồng, Ước mơ xanh, Nữ sinh…Gần đây còn có những tên lạ như 2!(phụ san của Sinh viên Việt Nam ). Nhiều tờ báo có hiện tượng ghép đôi hai danh từ như : Báo Khoa học và đời sống, Báo Sức khỏe và đời sống, Báo Nhà báo và công luận…

2- Tên báo chí còn là một thương hiệu. Thương hiệu này thể hiện trên vinhet hay lôgô của tờ báo. Mà đã là thương hiệu người ta có thể tạo ra những dấu ấn riêng như các loại thương hiệu khác cần được tôn trọng và thậm chí còn được bảo hộ. Thí dụ, một số tờ báo viết hoa tất cả các từ tố như : Báo Nhân Dân, Báo Hoa Học Trò…Ngược lại có những tờ lại cố ý không viết hoa như tờ tin tức của TTXVN hoặc viết liền như Hànộimới. Hoặc đơn giản như tờ Khoa học và Đời sống, Khoa học và Tổ quốc,người ta cố ý viết hoa cả hai vế, không có lí do nào lại bắt họ không được viết thế cả.

Vậy thì tên báo chí có bắt buộc phải đặt vào “chuẩn” chung như đề xuất của Nguyễn Trọng Báu hay nên coi nó như là những thương hiệu và phải viết theo như tên của chính những thương hiệu đó?

Tên trường học

Tên trường học có kết cấu chung như sau:

Danh từ loại trường, cấp trường- Loại hình trường- Chức năng đào tạo –Tên riêng (nếu có)- Địa danh (nơi trường đóng):

Thí dụ:

Trường đại học dân lập Công nghệ Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh.

Trường THPT dân tộc nội trú Bắc Cạn.

Tuy nhiên trong thực tế người ta không “tuân thủ” như thế mà thường có các biến thể khác nhau: Trường tiểu học Đại Yênhoặc Tiểu học Đại Yên,Trường đại học Sư phạm Hà Nộihoặc Đại học sư phạm Hà Nội.

Người ta còn hay nói tắt, viết tắt : Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế…Nhưng rắc rối nảy sinh khi xuất hiện tên gọi Đại học quốc gia Hà Nội, Đại Học quốc gia TP Hồ Chí Minh.Đó là những đơn vị to hơn trường, bao gồm nhiều trường đại học. Trong trường hợp này đứng trước danh từ Đại học không thể có từ “trường” rồi. Và từ “quốc gia” có phải viết hoa không? Bởi ở đây nó không phải là chức năng, mà cũng có thể coi là một loại hình, một tính từ định rõ cấp quốc gia?

Một tên gọi cụ thể

Chúng ta có rất nhiều hội nghề nghiệp, hội chuyên ngành, như Hội Nhà báo, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Đúc- Luyện kim, Hội Sử học…Ngoài ra còn có những tổ chức liên hiệp các hội lại với nhau. Tôi muốn nói đến trường hợp Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam .Hiện nay chỉ một tên gọi này đã có các cách viết như sau:

-Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ;

-Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ;

-Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam .

Cách viết đầu tiên rất phổ biến, vì người ta cho rằng đây là tổ chức bao gồm nhiều “Hội” riêng biệt nên phải viết hoa chữ Hội này. Bên cạnh đó, khi nói tắt, viết tắt, người ta cũng viết Liên hiệp Hội(với hàm ý nhiều Hội thành viên). Tình trạng bất nhất này vẫn xuất hiện hàng ngày trên các văn bản và báo chí.

(Lạm bàn thêm: lẽ ra trong tên gọi này không cần đến từ “các”, vì nếu gọi là Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Namthì với từ Liên hiệp cũng đã hàm nghĩa “số nhiều” rồi. Chẳng hạn như, Hội liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam cũng đã mang đủ nghĩa bao gồm nhiều hội thành viên như Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn…).

Và các tên gọi thông thường

Tên gọi các cơ quan nhà nước như bộ, sở thuộc một dạng chung là nêu rõ chức năng của cơ quan đó. Thí dụ đã là Bộ Ngoại giao thì lo công việc ngoại giao của đất nước, Bộ Quốc phòng lo công việc quốc phòng…Theo chuẩn của tác giả Nguyễn Trọng Báu nêu ra, thì chỉ cần viết như sau: Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Nhưng trên các tài liêu, văn bản và báo chí hầu như người ta viết hoa tất cả các danh từ “ chức năng” của các cơ quan này:

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Bộ Văn hóa và Thông tin;

Hoặc viết gọn như :

Bộ Bưu chính -Viễn thông; Bộ Tài nguyên- Môi trường…

Bởi vì sao? Vì người ta quan niệm, tên bộ gồm hai, ba chức năng thi cần coi trọng các chức năng ấy ngang nhau. Chẳng hạn ,Bộ Văn hóa và Thông tin vốn gồm hai Bộ Văn hóaBộ Thông tinsáp nhập lại, vậy tại sao lại chỉ viết hoa từ Văn hóa?

Lý lẽ ấy có sức thuyết phục nhất định, nên trong thực tế người ta mới theo. Vậy khi đưa ra chuẩn chính tả cũng không thể dễ dàng bỏ qua được.

Trên đây chúng tôi mới nêu một số trường hợp hay gặp, còn nhiều trường hợp khác như tên các viện nghiên cứu, tên các đoàn thể, các doanh nghiệp, tên các bộ luật, dự án…cũng rắc rối không kém. Kèm theo đó là tên các bộ môn khoa học trong trường, trong viện, các cấp tỉnh, thành, trung ương của tổ chức đoàn thể, xã hội…cùng các chức danh có liên quan.

Tóm lại, viết tên cơ quan, đơn vị, trường học không thể thống nhất như viết tên người hay địa danh. Để đi đến thống nhất cách viết, các nhà nghiên cứu cần phân tích một cách khoa học và đề ra được cách viết hợp lý nhất, có sức thuyết phục nhất. Bên cạnh đó đã đến lúc cần có những quy định được luật hóa mang tính nhà nước để tất cả đều phải áp dụng, như vậy mới giải quyết được tận gốc tình trạng tùy tiện, bất nhất hiện nay.

Nguồn: Khoa học & Đời sống , số 50 (1768)

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.