Viện Địa chất, nước và môi trường - kết quả đáng khích lệ
Viện Địa chất, Nước và Môi trường là tổ chức khoa học - công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được thành lập ngày 17/9/2015. Với chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực Địa chất, Nước, Môi trường và ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ: điều tra thăm dò và khảo sát đo đạc: địa hình, địa chất (thủy văn, công trình, đô thị, khoáng sản), các nguồn nước (nước dưới đất, nước khoáng, nước nóng, nước mặt, nước thải) và quan trắc môi trường. Lập, thẩm định và quản lý các Đề án, Dự án và đánh giá tác động môi trường. Tổ chức và phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực Địa chất, Nước và Môi trường.
Với mục đích tập hợp, đoàn kết các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật hoạt động trong các lĩnh vực: Địa chất, Nước và Môi trường nhằm giúp đỡ nhau phát huy tài năng và trí tuệ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tọa đàm đất nền, nước ngầm và địa kỹ thuật công trình do Viện phối hợp tổ chức
Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Địa chất, Nước và Môi trường không ngừng xây dựng và phát triển về hệ thống tổ chức, các hoạt động khoa học - công nghệ và kinh tế được thực hiện bởi vác trung tâm chuyển giao công nghệ khoan, đo đạc, địa kỹ thuậtvới các đội thi công hiện trường là biên chế kiêm nhiệm hoặc cộng tác viên.
Hiện nay, Viện đã tập hợp đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật hơn 30 người thuộc các ngành: địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật, môi trường, kỹ thuật khoan, kinh tế v.v. là biên chế kiêm nhiệm và cộng tác viên.
Thời gian qua, Viện Địa chất, Nước và Môi trường đã tự đầu tư kinh phí để tổ chức hoặc tham gia tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học chuyên ngành hoặc liên ngành với sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài ngành thuộc các lĩnh vực: Địa chất, Nước và Môi trường dưới sự chủ trì của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Năm 2016, Viện Địa chất, Nước và Môi trường đã tổ chức 1 cuộc Tọa đàm khoa học về công trình chuyên khảo khoa học “Đất nền, Nước ngầm và Địa kỹ thuật công trình lãnh thổ Việt Nam” với các tác giả là cộng tác viên của Viện. Sau Tọa đàm khoa học, các tác giả đã bổ sung và hoàn chỉnh công trình khoa học và đã nộp Nhà xuất bản Xây dựng. Công trình khoa học sẽ được NXB Xây dựng xuất bản vào năm 2019 dày hơn 800 trang.
Năm 2017: Viện đã kết hợp với Hội Địa chất thủy văn Việt Nam và Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng hồ ngầm trữ nước ở đáy sông góp phần chống hạn ở các tỉnh miền Trung Việt Nam”.
Năm 2018: Viện đã kết hợp với Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, Hội Thủy lợi Việt Nam và Công ty CP Nước và Môi trường Hoàng Gia tổ chức hội thảo khoa học: “Dự án Đê biển Vũng Tàu – Gò Công trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long”.
Ngoài ra, các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật của Viện đã tích cực tham gia các hoạt động khoa học ở các Hội chuyên ngành, các cơ quan nghiên cứu và các Trường đại học như: Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, Hội Địa chất công trình Việt Nam, Hội Công nghệ khoan – khai thác Việt Nam, Hội Tuyển khoáng Việt Nam, Viện Địa kỹ thuật, Trường đại học Mỏ - Địa chất… Nhiều nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm là cán bộ chính nhiệm và kiêm nhiệm của Viện đã là chủ biên hoặc tham gia thực hiện các công trình khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học, tư vấn và đề xuất được nhiều ý kiến và kiến nghị với các Cơ quan có thẩm quyền trong các đề tài thuộc các lĩnh vực địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, khai thác dầu khí, xử lý nền móng công trình v.v.
Tham gia viết các thông tin khoa học, các bài báo cho các tạp chí khoa học chuyên ngành ở các Bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học như các tạp chí: Khoa học Mỏ - Địa chất, Địa kỹ thuật, Công nghệ mỏ, Tài nguyên nước v.v.
Tham gia Hội đồng khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cơ sở để phản biện và phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học, các Dự án liên quan đến công nghệ thăm dò và khai thác khoáng sản; khai thác nước ngầm, xử lý nền móng công trình và bảo vệ Tài nguyên nước và Môi trường.
Các lĩnh vực hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ và kinh tế đều đã thực hiện theo đúng quy định trong Giấy phép hoạt động khoa học - công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ ngành liên quan cấp phép. Một số công trình có giá trị kinh tế xã hội cao, mang tính chất phục vụ nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội như: Lập hồ sơ xin phép khai thác sử dụng nước ngầm của: bãi giếng Túc Duyên, tỉnh Thái Nguyên; Trạm cấp nước Ngã 7, tỉnh Hậu Giang; Thị trấn ngã 5, tỉnh Sóc Trăng; Thị trấn Lịch Hội Thượng, tỉnh Sóc Trăng; Nhà máy nước Đạo Đức, tỉnh Vĩnh Phúc.
Lập và thực hiện phương án kỹ thuật tìm kiếm nước khoáng nóng tại xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình để lập phương án thăm dò – khai thác nước khoáng nóng sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm khai thác sử dụng 1 nguồn tài nguyên quý hiếm của tỉnh Thái Bình để xây dựng 1 khu du lịch nghỉ dưỡng, ngâm tắm nước khoáng nóng duy nhất của tỉnh Thái Bình.
Trong 2 tháng cuối năm 2016 và năm 2017 doanh thu của Viện đạt hơn 2 tỷ đồng; nộp thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp cùng các khoản đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước đạt gần 60 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 150 triệu đồng. Năm 2018, dự kiến doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng; đóng góp thuế và nghĩa vụ đối với Nhà nước dự kiến đạt khoảng 60-65 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt gần 200 triệu đồng.
Riêng kinh phí cho 3 Hội nghị, Hội thảo khoa học do Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì Viện chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội thảo trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, mỗi Hội thảo hàng trăm triệu đồng. Riêng cuộc Hội thảo khoa học tổ chức tại TP. HCM thì kinh phí còn lớn hơn nhiều.
Các hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ đóng góp thuế và nghĩa vụ đối với Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân và người lao động thời vụ của Viện, mà còn đóng góp kinh phí cho các hoạt động khoa học của 2 Hội chuyên ngành: Hội Địa chất thủy văn Việt Nam; Hội Địa chất công trình Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Trong những năm tới, để đạt được mục tiêu đề ra Viện Địa chất, Nước và Môi trường trở thành 1 đơn vị hoạt động khoa học - công nghệ và tư vấn phản biện có hiệu quả trong các lĩnh vực Địa chất, Nước và Môi trường, trong thời gian tới Viện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý để các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các sản phẩm nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các ngành.
Với kết quả hoạt động khoa học và dịch vụ khoa học - công nghệ, kinh tế của Viện Địa chất, Nước và Môi trường trong 5 năm qua đã đạt được các kết quả đáng khích lệ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và tạo đà cho sự xây dựng và phát triển bền vững của Viện trong những năm tới.
PV.