Vào viện vì nghiện... thuốc ngủ
Nghiện thuốc do tự điều trị.
Ngày 11/10, phòng khám Tâm thần kinh, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, đã tiếp nhận bệnh nhân Lâm Ngọc K (45 tuổi, quận 5, TPHCM) trong tình trạng toàn thân run nặng, bức rứt, hồi hộp, lo lắng... do nghiện thuốc ngủ trầm trọng. TS.BS Ngô Tích Linh, Trưởng phòng khám Tâm thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, bệnh nhân nghiện thuốc ngủ do tự ý sử dụng thuốc trong thời gian quá dài với tác dụng phụ.
Bệnh nhân K. tự nhiên cảm thấy mất ngủ nhưng không đến bác sĩ điều trị, cũng không nói cho ai trong gia đình biết, bà K. tự đi ra nhà thuốc Tây mua một vỉ thuốc ngủ 10 viên giá 28.000đ uống mỗi ngày 1 viên. Khi uống thuốc này, thấy ngủ ngon nên bà chỉ có ý định uống tạm nhưng hôm nào không có thuốc bà lại thấy trằn trọc. Sau vài tháng bà K. uống 1 viên không còn thấy hiệu quả nữa. Nghĩ rằng đã lờn thuốc, bệnh nhân tự tăng lên uống 2 viên. Sau một thời gian ngắn, khi thuốc không còn tác dụng bà tại tự ý tăng số lượng thuốc ngủ lên 3 viên mỗi tối. Lần này, do số lượng thuốc uống nhiều nên bà đổi sang mua thuốc rẻ tiền hơn với giá 5.000đ/2 vỉ.
Sau một năm uống thuốc ngủ với liều 3 viên mỗi ngày, bà K. bắt đầu cảm thấy tay chân run, kèm theo chán ăn, dễ cảm thấy lạnh và cảm giác lo âu nhưng lại nghĩ rằng đó là biểu hiện của tuổi già. Đến khi uống 3 viên thuốc ngủ cũng không mang lại cho bà K. giấc ngủ ngon thì bà mới chịu đi bác sĩ vì biết không thể cứ tăng thuốc lên mãi. Khi bà K. được đưa đến BV Nguyễn Tri Phương thì tình trạng run rất nặng đến mức không nói được.
TS.BS Tích Linh khuyến cáo, điều trị cai nghiện thuốc ngủ cho dứt, mới tiếp tục chẩn đoán và điều trị chứng mất ngủ. Thời gian cai nghiện thuốc ngủ có thể kéo dài từ một tháng trở đi tùy theo mức độ nghiện và những tác dụng phụ.
Càng sợ... càng mất ngủ
Bệnh nhân N.T.D., 57 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu tới điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương do mất ngủ kéo dài hơn một năm. Khi tình trạng mất ngủ bắt đầu xảy ra, bà D. cũng đã tự nấu các loại lá để uống nhưng không có hiệu quả. Nghe lời chỉ dẫn, bà D. cũng đã uống đủ loại thuốc Bắc và tim sen nhưng giấc ngủ cũng không thể trở lại.
Hết cách, bà D. cũng tự ý ra tiệm mua thuốc ngủ về uống, lúc đầu khoảng 2-3 đêm bà D. uống 1 viên. Nhưng bà D. vẫn thấy lo sợ bị mất ngủ nên tình trạng mất ngủ càng trở nên trầm trọng hơn vì vậy bà đã tăng lên mỗi ngày 1 viên. Sau gần một năm tự uống và tự tăng liều thuốc ngủ, bà N.T.D. lại tiếp tục thấy mất ngủ và kèm theo những triệu chứng như nặng ngực, khô miệng, không thèm ăn, chán nản, sợ hãi và muốn chết...
Bác sĩ đã áp dụng cai thuốc cho bệnh nhân N.T.D. và điều trị chứng trầm cảm trong 6 tháng qua nhưng lúc nào bệnh nhân D. cũng còn cảm giác "ghiền" thuốc ngủ và nghĩ rằng mình không thể ngủ được.
BS Võ Hoàng Long, Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mất ngủ chiếm tỉ lệ khoảng 20 - 30% trên dân số, thường gặp ở phái nữ và tình trạng này gia tăng theo độ tuổi. Điều trị rối loạn giấc ngủ rất khó khăn, nhất là ở những trường hợp mạn tính. Người bệnh cần được điều trị sớm khi tình trạng mất ngủ xảy ra trong vòng một tuần đầu. Ngoài ra, bệnh nhân cần được hướng dẫn về các thói quen phải tránh như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, vận động gắng sức trước khi đi ngủ. Phòng ngủ phải yên tĩnh, tránh ánh sáng chói, tập thể dục đều đặn...
Trầm cảm chiếm hơn 70% các trường hợp mất ngủ kinh niên. Nếu bệnh nhân biết cách thư giãn, nghỉ ngơi, sắp xếp lại công việc và điều chỉnh giờ ngủ hợp lý sẽ khắc phục được chứng mất ngủ do stress hoặc căng thẳng tâm lý ở mức nhẹ, khi bệnh chưa chuyển sang giai đoạn nặng. Nếu rối loạn giấc ngủ xảy ra ở người phải thay đổi khung cảnh sống thường chỉ kéo dài vài ngày và không cần điều trị vì sẽ trở lại bình thường. |
Nguồn: Khoa học và Đời sống, 102 (2029), 24/10/2007, tr 10