ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH SẢN NHÂN TẠO VÀ NUÔI THỬ NGHIỆM CÁ ANH VŨ THƯƠNG PHẨM
Trong quá trình thực hiện, đề tài đã tiến hành ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo với Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I; tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật viên của Chi Cục Thuỷ sản và chủ nhiệm đề tài kỹ thuật cho sinh sản nhân tạo, một số biện pháp kỹ thuật nuôi thử nghiệm thương phẩm. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I. Cụ thể : cá Anh Vũ bố mẹ sau khi nhập về được tiến hành nuôi vỗ thành thục trong ao nước tĩnh có diện tích 500 m2, ao có thiết kế hệ thống máy phun mưa, có độ sau từ 1,5 – 1,8m; trong quá trình nuôi vỗ luôn duy trì mức nước trong ao từ 1,2 – 1,5m. Số lượng cá bố mẹ nuôi vỗ là 200 con, tổng khối lượng là 60kg, trong đó, cá đực là 100 con với khối lượng trung bình 0,3 kg/con, cá cái là 100 con với khối lượng trung bình là 0,3 kg/con. Trong quá trình nuôi bỗ thành thục sử dụng cám công nghiệp có độ đạm 30 – 35% phối trộn với lúa mầm và tinh bột theo tỷ lệ 70% cám công nghiệp + 28% lúa mầm + 2% bột mỳ; hàm lượng co ăn 20 – 25% khối lượng cá thể/ngày; cho ăn làm hai lần là 8h sáng và 16h chiều. Nuôi vỗ thành thục 200 con trong ao nước tĩnh có hệ thống phun tạo mưa, diện tích ao 700 m2 mật độ thả 0,28 con/m2. Kết quả sau quá trình nuôi như sau : năm 2010 có 20 con cái và 25 con đực thành thục, chiếm 22,5% tổng số cá thể đưa vào nuôi vỗ; năm 2011 có 25 con cái và 30 con đực thành thục, chiếm 27,5% tổng số cá thể đưa vào nuôi vỗ. Kết quả sinh sản nhân tạo : dùng kích dục tố LRH-A + DOM với liều lượng 30 µg LRH-A + 6 mg DOM cho 1kg cá cái, đối với cá đực liều tiêm bằng 1/3 liều cá cái; kết quả cho thấy hầu hết cá cái đều rụng trứng (>90%) và 100% cá đực đều chảy sẹ màu trắng đục. Sau đó, tiến hành thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ nở đạt 14,5%, tổng số cá bột thu được là 4.500 con.
Sau khi cá nở và tiêu hết noãn hoàng, đề tài đã tiến hành ương nuôi từ cá bột lên cá hương 30 ngày tuổi trong giai cước mịn 1m2 với mật độ 500 con/m2. Thức ăn sử dụng trong 2 tuần đầu ương nuôi là lòng đỏ trứng gà, 2 tuần tiếp theo sử dụng lòng đỏ trứng gà kết hợp với bột đậu tương. Khối lượng thức ăn cung cấp từ 10-15% khối lượng quần đàn. Tỷ lệ sống trung bình đạt 50%, khối lượng trung bình 0,25 g/con. Tiếp đó, cá Anh Vũ hương được 30 ngay tuổi thì chuyển sang ương nuôi tiếp thành cá giống. Mật độ ương là 250 con/m3, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm 35% được nghiền mịn + bột đậu tương rang chín, nghiền mịn; với tỷ lệ 65% cám công nghiệp + 35% bột đậu tương. Cho ăn 5% khối lượng quần đàn, ngày cho ăn 2 lần vào 8h sáng và 17h chiều. Cá đạt tỷ lệ sống là 84,5%, khối lượng trung bình là 2,6g/con.
Tiếp theo đó, đề tài tiến hành nuôi thử nghiệm thương phẩm cá Anh Vũ trong môi trường nước tĩnh và môi trường nước chảy. Cụ thể :
Mô hình nuôi cá nước tĩnh tại Chi Cục Thuỷ sản : số lượng cá thả là 140 con; thức ăn được sử dụng là thức ăn công nghiệp nắm thành từng cục cho cá ăn. Trong thời gian nuôi, thường xuyên thay nước ao và kiểm tra tốc độ tăng trưởng định kỳ 1 lần/tháng. Sau 14 tháng nuôi thử nghiệm, cá đạt trọng lượng 47,8g/con. Kết quả cho thấy có thể khẳng định cá Anh Vũ hoàn nuôi được môi trường nước tĩnh có bổ sung thay nước và sử dụng thức ăn công nghiệp; tuy vậy, tốc độ lớn của cá rất chậm so với các loài cá khác.
Mô hình nuôi cá nước chảy : địa điểm tại xã Địch Quả (Thanh Sơn), số lượng cá thả là 140 con. Thức ăn sử dụng là cám công nghiệp, môi trường ao có nước chảy liên tục. Qua thời gian kiểm tra theo dõi, cá sinh trưởng tốt, khoẻ mạnh; cá đạt trọng lượng 54,3 g/con. Điều đó cho thấy cá Anh Vũ được nuôi trong môi trường nước chảy có tốc độ lớn nhanh hơn với cá được nuôi trong môi trường nước tĩnh. Tuy nhiên tốc độ lớn nhanh hơn không nhiều và đòi hỏi môi trường có nước chảy thường xuyên.
Qua 2 mô hình nuôi thử nghiệm cá Anh Vũ trong điều kiện nước chảy và nước tĩnh có thể khẳng định rằng cá Anh Vũ hoàn toàn nuôi được trong điều kiện nhân tạo nhưng do tốc độ lớn rất chậm nên thời gian nuôi phải kéo dài, phải có chế độ chăm sóc đặc biệt như ao nuôi phải được bổ sung thay nước thường xuyên, phun mưa nhân tạo về đêm, thức ăn giàu dinh dưỡng.
Việc nghiên cứu thực hiện thành công đề tài có ý nghĩa khoa học và kinh tế - xã hội cao. Qua đó, có thể tự chủ động được nguồn giống cung ứng cho thị trường; đồng thời, làm tăng sản lượng cá An Vũ hiện có, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.