Truyền thông, Phổ biến Kiến thức về phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Thời gian qua, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong cả nước, Hải Dương là một trong những tỉnh là tâm điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 28 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng với 2 ổ dịch phức tạp. Tỉnh đã tiếp nhận 9 đợt công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh về cách ly y tế với 1.390 công dân. Các cấp, ngành từ Trung ương đến các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền với nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận, đánh giá vai trò của truyền thông trong phòng, chống COVID-19, tổng kết các hình thức truyền thông, phổ biến kiến thức mang lại hiệu quả cao, đúc kết bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Hải Dương đã có nhiều phương thức, cách làm mới trong truyền thông về phòng, chống dịch để thông tin kịp thời cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Thông, chủ tịch LHH Hải Dương phát biểu khai mạc hội thảo
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, Sở đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khai báo y tế, các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch... Trung bình hàng tháng, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có hàng trăm tin, bài, thông điệp và tọa đàm chuyên đề về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 12 Đài Phát thanh cấp huyện; 235 Đài Truyền thanh cấp xã; các Cổng/Trang thông tin điện tử, Tạp chí, Đặc san, Bản tin cùng các Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cũng đã thiết lập và công khai đường dây nóng báo chí để tiếp nhận các thông tin phản ánh công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cập nhật thông tin liên tục trên Fanpage “Trang tin Hải Dương”, trang Zalo Chính quyền điện tử tỉnh. Nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh với 19 điểm cầu; triển khai hệ thống họp trực tuyến trên thiết bị cầm tay với 80 điểm cầu từ Thường trực Tỉnh ủy tới Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ các địa phương triển khai họp trực tuyến xuống xã, phường, thị trấn; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc dạy và học trực tuyến. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng thành công ứng dụng “Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19”
Quang cảnh tại Hội thảo
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương đã tham mưu, triển khai công tác tuyên truyền trên tất cả các loại hình truyền thông. Riêng với kênh truyền thông qua mạng xã hội được đặc biệt quan tâm. Hình thức truyền thông về phòng chống dịch COVID-19 qua mạng xã hội hết sức phong phú, đa dạng. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ ngành liên quan, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, các thông tin của người tham gia mạng xã hội đăng tải trên trang cá nhân, các fanpage, group, youtube..., Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương đã biên tập thành các bài viết đưa vào các chuyên mục: Phòng chống COVID-19; Góc khuyến cáo; Bạn có biết; Bạn cần biết; Góc cảnh báo; Gương sáng phòng chống COVID; Tình hình COVID của Hải Dương. Cách thể hiện có thể dưới dạng bài viết, văn vần, hình ảnh, video, đồ họa, infographic, MV bài hát... phù hợp với cách thức thể hiện trên mạng xã hội, ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với các đối tượng xã hội.
Từ khi có thông tin về dịch bệnh đến nay, các kênh trên mạng xã hội do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý như Trang (Fanpage) XỨ ĐÔNG VĂN HIẾN trên (trên 8.500 người like) đã viết, đăng tải, chia sẻ hơn 1.000 bài viết, video liên quan đến phòng chống dịch, được hàng trăm ngàn lượt tiếp cận. Trên fanpage Xứ Đông văn hiến đã tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp trong phòng, chống dịch Covid-19”. Thông qua cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm lan tỏa trong nhân dân về những hình ảnh đẹp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; cổ vũ, động viên những tập thể, cá nhân có việc làm hay, sáng tạo, có tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, tương thân tương ái… trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thắng lợi bước đầu về công tác phòng chống dịch của thành phố Hải Dương là sự kết hợp nhiều biện pháp phù hợp, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, là sự chung sức chung lòng của toàn thể nhân dân. Một trong những nguyên nhân giúp TP Hải Dương thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 đó là công tác truyền thông, truyền thông đóng góp vai trò đầu tiên và rất quan trọng. Kinh nghiệm của TP Hải Dương trong công tác truyền thông phòng chống dịch có thể khái quát lên thành những bài học như sau:
Một là, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19.Việc nắm bắt thông tin kịp thời, đánh giá mức độ nguy hiểm của Covid-19 và đề ra các quyết sách sát đúng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thành phố, đã tạo dựng nên một nền tảng vững chắc cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch có hiệu quả. Nhưng để làm được điều đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là phải huy động cho được toàn xã hội cùng tham gia trên hai phương diện là nhận thức và hành động, nên con đường duy nhất là thông qua công tác truyền thông.
Hai là, bám sát thực tiễn thông tin kịp thời, sinh động.Các phương tiện truyền thông của thành phố đã bám sát thực tiễn, nhất là thông tin đầy đủ các trường hợp dương tính, quá trình di chuyển, các đối tượng F1,F2; những lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, y tế, các chốt chặn…. hình ảnh các tổ chức, các nhân chung tay ủng hộ trong công tác phòng, chống Covid 19.
Hàng nghìn tin, bài, hình ảnh… về tinh thần chống dịch; những bức ảnh, câu chuyện vượt khó của các chốt chặn; những câu chuyện cảm động về tình người vừa thôi thúc tinh thần chống dịch và tạo nên niềm xúc động sâu sắc trong dân, viết nên câu chuyện đẹp về tình người. Đặc biệt hình ảnh đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng… phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt do nguy cơ lây nhiễm cao để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện, trung tâm y tế; phải hy sinh tình cảm riêng tư vì gần nhà đó mà không được về.
Ba là, sự đa dạng các hình thức truyền thông. Đây cũng được xem là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả truyền thông. Trong những năm trước đây, từ bài học kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai, bệnh dịch, đã sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông như: phổ biến văn bản của Nhà nước trong nội bộ các cơ quan, đoàn thể, khu dân cư; thông qua báo chí, mạng xã hội, kể cả thông qua tin nhắn điện thoại cho hàng chục triệu thuê bao nắm được các thông tin.
Bốn là, đấu tranh quyết liệt với thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh.Vì phòng, chống Covid-19 được xem là một cuộc chiến, rất quyết liệt và có không ít nguy cơ tiềm ẩn gây bất an cho cộng đồng cũng như những nỗ lực của chính quyền. Điều đó thật có ý nghĩa khi ở thời điểm đó, có không ít người cố tình thông tin xuyên tạc nhằm gây hoang mang trong xã hội hoặc nhằm gây phức tạp tình hình, chống lại các nỗ lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thậm chí có số người nhẹ dạ cả tin, hoặc xem đó như là một trò chơi để câu view…nên phổ biến những thông tin sai sự thật trên các trang mạng và ngoài xã hội. Cùng với các lực lượng như công an, quân đội, báo chí đã kịp thời đưa những thông tin chính thống về dịch bệnh Covid-19 để chống lại những tin sai sự thật.
Có thể nói rằng, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 kết quả đó được tạo dựng nên từ sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân, trong đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần huy động sự đồng thuận của nhân dân nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh kết luận tại Hội thảo
Kết luận tại hội thảo, tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, thay mặt ban chủ trì hội thảo đã đánh giá cao những kinh nghiệm của Hải Dương trong việc truyền thông, phổ biến kiến thức về phòng chống COVID-19, để các địa phương khác tham khảo trong tình hình mới. Ông Linh cho rằng việc khai thác các yếu tố tích cực của mạng xã hội phục vụ truyền thông là đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa tạo nên sự đồng thuận xã hội về phương thức, cách làm trong phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra là sự hình thành các tổ tuyên truyền COVID-19 tại cộng đồng, kết hợp với mô hình truyền thông đại chúng, đặc biệt là loa truyền thanh tại xã, phường đã đem lại hiệu quả, nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh trong mỗi người dân... Ông Linh cũng đề nghị Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương sau hội thảo, tổng kết các tham luận và ý kiến đại biểu thành văn bản, tham mưu cho tỉnh và ngành y tế để tiếp tục có những sách lược đúng đắn trong cách thức truyền thông giai đoạn hậu COVID, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.
Tác giả: Trần Thủy