Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 24/06/2014 20:27 (GMT+7)

Trường thi Thừa Thiên

Việc xây dựng trường

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì “Đầu đời Gia Long, trường thi Thừa Thiên được dựng ở địa phận xã Đốc So về phía bắc Kinh thành. Đầu niên hiệu Minh Mạng mới dời đến địa phận xã Nguyệt Biều, trường được dựng bằng tre lá, xong việc lại dỡ đi. Đến đầu niên hiệu Thiệu Trì thì dời đến chỗ hiện nay và xây dựng bằng gạch ngói”.

“Chỗ hiện nay” cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí là “ở địa phận thường Ninh Bắc trong Kinh thành. Ở giữa là thí viện, phía trước là nhà Thập đạo, phía sau là viện Đề điệu, lại phía sau nữa là Viện Giám khảo và các phòng của các quan nội trường và ngoại trường ở hai bên tả hữu. Chung quanh xây gạch, năm nào gặp khoa thi Hương hoặc Chế khoa đều thi sĩ tử ở đây”. Và “Tương truyền hồi đầu bản triều thường lập trường thi ở bãi giữa, phía đông nam trước Kinh thành, gọi là bãi Phú Xuân để thi học trò”.

Về địa điểm của trường Thừa Thiên thì sách Đại Nam thực lục viết: “Năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818), vua hạ chiếu lấy năm sau là năm Kỷ Mão mở khoa thi Hương. Dời trường thi Quảng Đức đến Quảng Nam”.

Đến năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), mùa đông, tháng 10, vua sai “sử dụng trường thi Thừa Thiên ở trong Kinh thành (ở phường Ninh Bắc). Trường thi Hương Thừa Thiên trước đặt ở xã Nguyệt Biều (ở bờ bên nam sông Hương), trường thi Hội thì ở trước cửa Ngọ Môn, đến kỳ thi, mới dùng tạm nhà tranh, phên nứa; thi xong thì dỡ đi. Đến đây, vua sai bộ Lễ và bộ Công trù tính quy thức, đổi dựng ở trong thành, định làm trường thi Hương, thi Hội. Thưởng tất cả dân phu 600 quan tiền (nhà cửa Chánh phó Chủ khảo, Chánh phó Đề điệu, Phân khảo và nhà Thập đạo gồm 7 tòa, đều 1 gian 2 chái; nhà của Giám khảo, Phúc khảo, Thể sát, Mật sát và ngoại trường lại phòng gồm 7 tòa, đều 3 gian 2 chái; nhà thí viện, công sở của Đề điệu và nội trường lại phòng gồm 3 tòa, đều 5 gian 2 chái; nhà sơ khảo 2 tòa đều 6 gian 2 chái. Mỗi tòa mặt vách sau 2 chái bên tả bên hữu, liệu chừng mở ra 1 chỗ cửa bán nguyệt, đằng sau cửa dựng thêm 1 cái bán mái để làm nơi phòng bếp. Các sở của trường đều dựng 2 cái cột, chu vi trường và chu vi sở Đề điệu nội trường, ngoại trường và nhà Thập đạo giáp 4 vi tả hữu, giáp ất; sở Giám khảo chỗ tả hữu giáp 2 viện sơ phúc, đều xây tường gạch để ngăn chặn 4 vi, lại dựng một dãy nhà dài, mỗi dãy đều 7 cái nhà, mỗi cái nhà 17 gian. Thi Hương, mỗi gian ngăn ra làm 4; thi Hội thì 2-3 gian ngăn làm một, đều lợp ngói)”.

Năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất (1884), tháng 9, mùa thu, vua cho “dời dựng trường thi Thừa Thiên về địa phận hai xã La Chữ, An Lưu, huyện Hương Trà (nguyên trường ở phía bên tả chùa Thiên Mục, xã An Ninh huyện Hương Trà, nhưng địa thế chật hẹp, cho nên dời đến đây)”.

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), vua chuẩn cho quan phủ Thừa Thiên trù liệu chuyển dời trường thi đến địa phận 2 xã La Chữ, An Lưu, đo đạc đúng theo cách thức cũ lấy lấn vào công điền tư thổ mất hơn 17 sào 1 mẫu. Đất ấy hoặc là vườn cây của dân trồng tre rậm rạp, hoặc lấn tới vùng ruộng sâu, nhiều chỗ cao thấp không đều nhau, công việc cần làm so với trường cũ nặng hơn gấp rưỡi. Việc đẵn cây, đắp lớp, đào hào, san nền, mở cống thuê dân phu 6 huyện là 982 người, làm việc 28 ngày và 12 công, chiếu lệ năm trước dười trường mà trả công. Còn việc hạ giải mang đi để dựng lại làm 14 tòa nhà (Thí Viện, Đề điệu: 2 tòa; Chánh, Phó Chủ khảo, Phân khảo, Đề điệu, Thập đạo: 5 tòa; Giám khảo, Mật khảo, Thể sát, Phúc khảo, Giám sát: 6 tòa; Sơ khảo: 1 tòa) và 6 điếm canh; có tường vây 4 phía (tất cả dài 429 trượng); bể chứa nước 13 cái và các khoản cột gạch, cánh cửa, do ty Công tác nhận làm, phải thuê dân phu 426 người, làm việc 3 tháng 2 ngày. Việc mở trường lấn vào điền thổ hết hơn 17 mẫu 1 sào thì chiếu lệ trừ vào sổ thuế. Hai ngôi nhà bị dỡ đi và cây vườn đều chiếu lệ trước mà trả.

Năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), vua chuẩn cho trường thi Thừa Thiên ở La Chữ được đào xây giếng gạch ở ngoại trường và khu Đề điệu mỗi nơi 1 cái. Lấy 10 tên dân phu xã La Chữ chiếu lệ cho miễn trừ binh diêu và tạp dịch, để thường xuyên canh giữ cho gần và tiện.

Tổ chức thi ở trường Thừa Thiên

Nếu như thi Hội được tổ chức vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất thì thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Mão, Dậu, Ngọ. Ngoài các năm trên thì các năm khác vua còn tổ chức các khoa thi bất thường theo lệnh của vua như Ân Khoa, Chế Khoa, Nha sĩ để thể hiện ân điển của vua đối với kẻ sĩ trong việc kén chọn người hiền. Như năm Mậu Thân (1848), mở Ân khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên. Vào thời vua Gia Long và vua Minh Mạng thì các kỳ thi ở trường Thừa Thiên thường được tổ chức vào thượng tuần tháng 7. Năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876), vua định lại thời gian thi ở trường Thừa Thiên là vào tháng 4. Tuy nhiên, nếu đến tháng thi mà xảy ra thiên tai hoặc vì lý do gì đó mà không tổ chức thi được thì sẽ được hoãn và tổ chức lại vào tháng khác. Năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), vì mưa lụt nên hoãn thi ở trường Thừa Thiền và đến tháng 3 năm sau tổ chức lại.

Các quan lại tham gia vào công việc ở trường thi được lựa chọn rất cẩn thận. Năm Tân Tỵ, Minh Mạng thứ 2 (1821), vua cho mở Ân khoa ở trường Quảng Đức (trường Thừa Thiên). Vua lệnh cho Thượng thư bộ Hình là Lê Bá Phẩm làm Đề điệu, Thị trung Trực học sĩ Tham hiệp công việc bộ Lại là Đinh Phiên làm Giám thí. Nhân đến thăm trường Quảng Đức, vua hiểu dụ rằng: “Phàm bầy tôi các ngươi được dự tuyển vào việc trường thi, phải chí công, chí minh, không được thiên tư mảy may và tự chuốc mối lo. Đề điệu và Giám thí phạm lỗi, mà Giám khảo và Sơ phúc khảo biết nêu lên thì có thưởng; Giám khảo và Sơ phúc khảo phạm lỗi mà Đề điệu và Giám thí biết nêu lên để hặc thì được miễn nghị. Mọi người phải cố gắng cho xứng đáng với thịnh ý của trẫm để kén chọn người tài”.

Tuyển chọn nhân tài

Trường Thừa Thiên do nằm ở đất Kinh sư nên vua rất chú trọng đến đội ngũ thi cử, những người sau này sẽ tham gia công việc triều chính, giúp vua bảo vệ và giữ vững đất nước. Năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), khi đệ quyển thi lên, vua bảo Nội các rằng: “Trường Thừa Thiên lấy đỗ, phần nhiều người trẻ tuổi, trước ta vẫn ngờ là lấy lạm, đến khi duyệt quyển thi, thấy có nhiều nhiều lần đỗ Tú tài, có người đời đời nhà có khoa hoạn, có người tuổi còn trẻ mà văn già dặn, mới biết gần đây văn học ngày một tiến, ta rất mừng và yên lòng”.

Ở trường thi Thừa Thiên, kết quả thi có người bị đánh hỏng nhưng sau khi Bộ duyệt, vua ưu ái cho lấy thêm số người đỗ. Như khoa thi năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (1858), trường Thừa Thiên chỉ lấy đỗ 21 người nhưng xét thấy Trần Điều văn lý khá nên vua cho được xếp vào hạng Cử nhân. Hay khoa thi năm Kỷ Dậu, Duy Tân năm thứ 3 (1909), Hồ Hoàng ở trường Thừa Thiên chỉ được xếp vào hạng Tú tài nhưng sau khi cho vào phúc hạch, các bài làm văn lý đều trôi chảy nên xếp vào cuối hạng Cử nhân.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có trường hợp mặc dù đã lấy đỗ nhưng vẫn bị đánh truất. Khoa thi năm Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ 6 (1846), trường Thừa Thiên nguyên lấy đỗ 50 người nhưng sau khi Bộ duyệt thấy bài của bốn người là Nguyễn Văn Thụy, Trần Đình Ngữ, Lê Trọng Khuyết và Cao Văn Tuấn bài làm có chỗ kém nên giáng xuống hạng Tú tài, chỉ lấy đỗ 46 người. Hay trong khoa thi năm Tân Mão, Thành Thái năm thứ 3 (1891), trường Thừa Thiên lấy đỗ 28 người nhưng bài Phú của Vũ Đằng không hiệp vần nên bị đánh rớt, còn lại 27 người đỗ.

Từ xưa, các vua đã xem “hiền tài là nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế mà các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp”. Việc đặt trường thi Thừa Thiên ở gần vùng đất Thần Kinh không chỉ để sĩ tử của tỉnh ứng thí mà sĩ tử các tỉnh lân cận cũng có cơ hội thể hiện tài năng. Các vua triều Nguyễn từ khi lấy được cơ đồ và giữ vững cơ đồ luôn chú trọng đến khoa cử. Tại trường Thừa Thiên đã tuyển chọn cho triều Nguyễn không ít nhân tài như Hoàng Văn Đản, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Thanh Oai… Trường Thừa Thiên thật xứng với vị trí ở đất Kinh sư, nơi mà bộ máy chính quyền phong kiến triều Nguyễn đặt nền cai trị đất nước.


Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.