Trần Đức Thảo - triết gia dám nói lên sự thật
Giữa những năm 1980, một sinh viên Việt Nam đang học Toán sang Tiệp được phân công học Triết. Ông giáo sư Tiệp dạy Lịch sử Triết nói với cậu ta: “Mày sang chúng tao học Triết làm gì? Sao không ở nhà học ông Tran. Mỹ, Italia, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản… đều có sách dịch của ông ấy cả. Cần tiếng nước nào, tao cho mượn. Họ tên đầy đủ của ông ấy là thế này đây…”.
Ba chữ trên mẩu giấy mà chàng SV nhận được là Trần Đức Thảo. Phạm Thành Hưng kể lại chuyện này trong cuốn Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo (NXB…) do ông chủ biên.
Việt Nam không có truyền thống triết học? Nếu có một nhà triết học (chuyên nghiệp) thì đó là Trần Đức Thảo - đánh giá của Trần Văn Giàu.
Đỗ Lai Thúy thì nhìn thấy ở Trần Đức Thảo “một năng lực tư biện cao - điều hiếm ở Việt Nam ”, nhưng vẫn chưa coi ông là triết gia - “người sáng lập những triết thuyết”(?).
Người thì bảo ông “đấu tranh không khoan nhượng chống lại thuyết phân tâm”, người lại khẳng định Trần Đức Thảo “không phải người anti - Freud”.
Những nhận định có vẻ đối lập nhau có thể được tìm thấy trong phần I của cuốn Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo, tập hợp các bài viết trong và ngoài nước về Trần Đức Thảo, trong đó có loạt bài được viết ngay khi ông mất tại Paris (ngày 24/4/1993), một số bài khác được viết vào thời điểm 7 năm sau- ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
“Người Việt Nam du học Pháp thuở ấy, không mấy người vào được trường d’Ulm (trường Sư phạm phố d’Ulm),” - Nguyễn Đình Chú kể. Người đầu tiên vào học được và tốt nghiệp đứng thứ 35/36 đã được báo chí trong nước ca ngợi là “bậc anh tài kiệt xuất”.
Còn Trần Đức Thảo tốt nghiệp d’Ulm đứng thứ nhất, nhưng vì là dân thuộc địa nên Pháp chỉ coi là “đồng nhất”. Sự kiện Trần Đức Thảo kết thúc cuộc tranh luận với nhà hiện sinh Jean-Paul Sartre trên thế thắng đã đi vào huyền thoại trong nhiều thế hệ trí thức Việt Nam .
Trần Đức Thảo đã biến đổi Sartre cả trong hành động: “Năm 1952, Jean-Paul Sartre đã quyết định cống hiến tích cực cho phong trào vì hòa bình. Có thể những trao đổi về quan điểm trước đây vào mùa đông 1949-1950 đã góp phần vào sự tiến bộ của ông ta theo hướng hợp tác với những người cộng sản”. (trích Tiểu sử tự thuật). Một sự kiện hay được nhắc đến trong đời Trần Đức Thảo là việc ông bị Pháp bỏ tù từ tháng 10-12/1945, tội “mưu hại an ninh nước Pháp”.
Bước ngoặt lớn trong đời Trần Đức Thảo là việc ông rời bỏ sự nghiệp ở châu Âu để quay về Việt Nam để - như ông nói - “gắn cuộc sống với triết học”.
Theo Nguyễn Văn Độ: “Nhân chuyến Bác Hồ thăm nước Pháp (1946), giáo sư (Trần Đức Thảo) đã báo cáo với Bác về tình hình Việt kiều ở Pháp và bày tỏ nguyện vọng về nước tham gia cách mạng”.
Còn theo Trần Ngọc Hà, mọi chuyện xảy ra như sau: “Sau khi ở tù ra, đầu 1946, Trần Đức Thảo đến gặp Emille Bréhier - là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho mình. Vị giáo sư cúi gằm mặt, vung tay chỉ ra cửa và thét: Nếu ông không yêu nước Pháp thì ông đi đi, về nước của ông!…
Sau Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ đã tìm gặp và đề nghị Trần Đức Thảo về nước phục vụ cách mạng và ông cũng đã hứa với Bác sẽ về sau, khi làm xong luận án tiến sĩ”.
Trong cuốn Một chặng đường(Paris - 1992), Trần Đức Thảo viết: “Phần hai của Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951) đã dẫn tôi tới một ngõ cụt, và lúc đó tôi hy vọng tìm ra giải pháp trong cách mạng Việt Nam”.
Cuối 1951, dùng nhuận bút công trình vừa xuất bản, Trần Đức Thảo tìm về đất mẹ theo con đường Paris - London - Praha - Moskva - Bắc Kinh - Tân Trào. Việc đầu tiên ông được phân công: nghiên cứu tại 2 xưởng công nghiệp của Việt Bắc. Sau đó: điều tra tình hình trường học ở Việt Bắc, tham gia chỉnh huấn cải cách ruộng đất ở Phú Thọ, ủy viên Ban Văn - Sử - Địa, giảng dạy Lịch sử Triết học…
“Thầy đến lớp thường xuyên chỉ với một bộ quần áo kaki xanh thẫm Trung Quốc. Trong tay không nửa trang giáo án. Chỉ đút tay túi quần mà nói. Nói lúng búng vô cùng… nhưng không hiểu sao vẫn tạo ra một thứ ma lực làm say mê toàn thể chúng tôi…”.
Theo Nguyễn Đình Chú, không chỉ SV Văn mà cả SV Y Dược, giáo viên cấp III hay giáo sư ĐH hàng đầu cũng tới nghe bài giảng của Trần Đức Thảo. “Đúng là có một không khí sùng bái môn Triết của GS Trần Đức Thảo”.
Năm 1956, hai bài báo Nội dung xã hội và hình thức tự do và Nỗ lực phát triển tự do dân chủcủa Trần Đức Thảo trên 2 tờ Nhân văn và Giai phẩm mùa Đông đã khiến ông phải ra khỏi biên chế Nhà nước. Nhà triết học có thời gian đi lao động ở Tuyên Quang hay chăn bò ở nông trường Ba Vì, coi như để “cải tạo tư tưởng”.
Theo nhà văn Tô Hoài trong hồi ký Chiều chiềuthì đàn bò “móp bụng” của Trần Đức Thảo cũng bị hổ vồ, trộm bắt mất vài con… Từ 1958, ông được tạo điều kiện ngồi ở HN nghiên cứu và gửi bài cho các tạp chí và NXB ở Pháp.
Năm 1988, tác phẩm của Trần Đức Thảo lần đầu tiên xuất bản trong nước(*). Năm 1992, theo Trường Giang, ông xin phép và được Trung ương chấp nhận sang Paris chữa bệnh gan và lấy tư liệu viết Logic của hiện tại sống động.
Tại Paris, ông sống trong căn phòng nhỏ trên tầng 5 nhà khách Đại sứ quán Việt Nam . Nguyễn Đức Hiền tả: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy khoác chiếc áo dạ cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh đủ thứ xoong, chảo, chai, lọ leo lên leo xuống hàng trăm bậc thang gác, tự lo lấy bữa ăn cho mình… Ông già ấy cứ hành trình chừng mười lăm bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt há miệng thở như thổi bễ”.
Hoàng Ngọc Hiến, người đã phê phán Trần Đức Thảo gay gắt hồi 1958 kể lại một câu chuyện cảm động - không liên quan đến chính trị hay triết học. Đỗ Chukể về một người “không biết đến chiến tranh”, người được các cô mậu dịch viên ưu tiên (bán bánh mì).
Phùng Quán trào lộng về cuộc phiêu lưu cuối cùng của triết gia dưới dạng… bình tro. Người vợ và từng là học trò nhà triết học cũng lên tiếng… Triết gia lữ hànhTrần Đức Thảo cho bạn đọc những nét cơ bản về sự nghiệp, tư tưởng và cuộc đời của nhà triết học.
Phần hai của cuốn sách in lại tiểu sử tự thuật, cắt nghĩa của nhà triết học về Nội dung xã hội Truyện Kiềuvà 2 bài báo đem lại “vận rủi” cho ông… Tuy nhiên, tất cả chắc cũng chỉ mới là “phần nổi của tảng băng”.
“Đây là một con người siêu việt nhưng cũng có cái gì đó không bình thường”- Nguyễn Đình Chú nhấn mạnh và khẳng định: Trần Đức Thảo “cần được khám phá, phát hiện thêm”. Mong rằng một ngày không xa, sẽ có những công trình hệ thống, đầy đủ và đồng nhất hơn về Trần Đức Thảo.