Tính thực tiễn và hiệu quả của một giải thưởng VIFOTEC năm 2017
Với những thiết bị công nghệ của thế hệ những năm 50 của thế kỷ trước, trải qua mấy hàng chục năm qua đã dần trở nên bất cập so với yêu cầu mới về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu về quản lý môi trường.
Sau hơn 30 năm nhà máy hoạt động, đến năm 1993 khi nước ta có Luật Môi trường đầu tiên và đến năm 1995 mới có các quy định về Tiêu chuẩn môi trường. Quy mô sản xuất và giá trị đầu tư của nhà máy là rất lớn không dễ thay thế ngày được nên việc tập trung nghiên cứu sáng tạo khoa học ứng dụng vào sản xuất để cải tạo thiết bị công nghệ hiện có đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường đáp ứng quy định là hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, hàng nghìn đề tài khoa học, sáng kiến tiết kiệm lớn nhỏ khác nhau đã được công ty nghiên cứu và áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời có ý nghĩa về mặt xã hội, giúp cho Công ty ngày càng khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp.
Công nghệ sản xuất supe lân đơn của công ty do Liên Xô chuyển giao và đầu tư thiết bị từ năm 1959-1962: Trong phản ứng hóa học giữa quặng apatit và axit sunfuric để sản xuất supe lân đơn, thành phần Flo có sẵn trong quặng apatit thoát ra một phần ở dạng khí được hấp thụ lại tạo ra dung dịch axit Flosilicsic (H2SiF6), sau đó cho phản ứng với dung dịch muối NaCl để sản xuất sản phẩm phụ là muối trừ sâu công nghiệp Na2SiF6. Quá trình này phát sinh ra lượng nước thải trung bình 36 m3/h với thành phần chính là các ion Cl-, huyền phù keo Silic... rất khó khăn cho xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường. Ngoài ra, giá thành sản xuất muối trừ sâu công nghiệp cao, giá bán rất thấp do khó tiêu thụ nên làm tăng chi phí sản xuất rất nhiều...
Cơ sở triển khai đề tài
Công ty đã triển khai nghiên cứu và thử nghiệm một số phương án xử lý dung dịch axit Flosilicsic theo hai hướng: Nghiên cứu thay thế nguyên liệu muối NaCl bằng loại nguyên liệu khác khi sản xuất muối trừ sâu công nghiệp để tạo ra nước thải của quá trình không có ion Cl- dễ xử lý hơn; Nghiên cứu nguyên liệu phù hợp phản ứng trực tiếp với dung dịch axit Flosilicsic (không sản xuất muối trừ sâu công nghiệp), triệt tiêu nước thải và không tạo ra nguồn chất thải mới.
Sau khi triển khai thực hiện, công ty đã lựa chọn được phương án tối ưu nhất theo hướng thứ 2 để xử lý dung dịch axit H2SiF6 trong sản xuất supe lân phù hợp với điều kiện thực tế tại Công ty, đó là: Dùng quặng apatit loại 2 vụn có sẵn trong nguyên liệu sản xuất lân nung chảy của công ty cho phản ứng trực tiếp với dung dịch axít H2SiF612% hấp thụ được của quá trình sản xuất supe lân bằng cách nghiền và phản ứng trong máy nghiền bi ướt tạo ra bùn Bán thành phẩm supe. Sau khi kiểm tra phân tích đánh giá toàn diện chất lượng bùn bán sản phẩm, kết quả cho thấy bùn sử dụng phù hợp với công nghệ sản xuất supe lân đơn ở công đoạn trung hòa (thay thế cho quặng apatit tuyển). Bùn sau nghiền có độ ẩm khoảng 50% được đưa qua máy lọc ép bùn hạ độ ẩm bùn xuống nhỏ hơn 25%H2O để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu trung hòa supe lân. Nước sau quá trình lọc ép cho quay tuần hoàn lại bổ xung vào hệ thống hấp thụ khí flo tạo ra axit H2SiF6.
Như vậy, toàn bộ quá trình đã được khép kín: nước được tuần hoàn trở lại hấp thụ khí Flo nên không thải ra môi trường; bùn bán sản phẩm được sử dụng cho trung hòa trong công nghệ sản xuất supe lân đơn nên không phát sinh ra nguồn chất thải mới ra môi trường.
Phải nói rằng, trong năm 2017, một trong những đề tài Sáng tạo Khoa học công nghệ tiêu biểu của công ty có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được nghiên cứu thành công và áp dụng vào sản xuất, đó là: ”Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axít H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường”.
Đề tài cũng đã được Hội đồng khoa học Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm các nhà khoa học chuyên gia về phân bón, nông hóa thổ nhưỡng và chuyên gia hóa học nghiệm thu và đánh giá cao công trình này.
Đây là sự đánh giá và ghi nhận của các nhà khoa học hàng đầu với công trình mang tính trí tuệ đúc rút từ thực tiễn của tập thể đội ngũ khoa học kỹ thuật công ty. Đề tài đã triển khai áp dụng vào thực tế sản xuất của Công ty từ tháng 3 năm 2017, đã tuần hoàn 100% nước thải, không xả ra môi trường và đã được các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Phú Thọ và cấp trên kiểm tra xác nhận. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để Công ty xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 đang được Tổ chức chứng nhận TUVNORD (CHLB Đức) đánh giá cấp chứng nhận trong tháng 8 năm 2018 này.
Đề tài có tính mới do giải pháp đã nghiên cứu và thực hiện là hoàn toàn mới ở Việt Nam. Đề tài có tính sáng tạo: đã đột phá về định hướng không loay hoay tìm cách xử lý nguồn nước thải trong sản xuất muối trừ sâu công nghiệp đạt quy chuẩn mà xử lý trực tiếp dung dịch axit H2SiF6 để không có nước thải và không phát sinh nguồn chất thải mới.
Công nhân của công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao được Công đoàn TCT Hóa chất VN tuyên dương lao đôạng giỏi giai đoạn 2016 - 2018
Hiệu quả kinh tế,xã hội
Việc triển khai áp dụng ổn định đề tài đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế từ việc làm giảm các loại chi phí do: Không phải đóng bánh quặng loại 2 vụn kích thước <25 mm tại Dây chuyền lân nung chảy; Không sản xuất muối trừ sâu công nghiệp (Na2SiF6); Không phải chi phí xả nước thải công nghiệp ra môi trường; ngoài ra giảm chi phí do việc sử dụng bán sản phẩm từ quặng apatit loại 2 thay cho quặng apatit tuyển để trung hòa supe lân, hiệu quả tổng cộng là hơn 40tỷ đồng/năm.
Đã giải quyết tuần hoàn được 100% nước thải sản xuất trong toàn Công ty, không xả nước thải sản xuất ra môi trường, tạo điều kiện để Công ty xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 trong năm 2018. Cải thiện được điều kiện lao động cho người công nhân do giảm bớt được công đoạn sản xuất muối trừ sâu công nghiệp Na2SiF6 và công đoạn xử lý nước thải.
Sử dụng hợp lý tài nguyên quặng apatit do hiện tại lượng quặng apatit loại 2 còn trữ lượng nhiều, quặng apatit loại 1 và quặng tuyển chế biến không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước.
Sự thành công của đề tài khoa học của công ty đã góp phần vào sự phát triển ổn định- bền vững của doanh nghiệp nói riêng, đóng góp vào sự ổn định tình hình kinh tế- xã hội- môi trường của khu vực nói chung.