Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển
Sáng ngày 06/11/2023 tại thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy phát triển bền vững (Trung tâm BUS) cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển”.
Tham dự hội thảo có ông Phan văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng; ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo và Ban chuyên môn Liên hiệp hội các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Lăk , Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng; đại diện một số Tổ chức quốc tế tại Việt Nam: WWF, GreenHub; cùng với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo cho các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội, trường Đại học, Trung tâm, cộng đồng dân cư và một số nhà khoa học, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội thảo
Chủ trì hội thảo gồm ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội Đà Nẵng; ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp hội Việt Nam; ông Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và bà Kiều Thị Kính, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm BUS.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Đà Nẵng nhấn mạnh: “Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học cần phải có sự chung tay của chính quyền, các nhà khoa học và những người hưởng lợi trực tiếp từ tài nguyên biển”.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Đà Nẵng
Trong phát biểu của mình, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp hội Việt Nam cho biết: Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển, hệ thống sinh thái rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên trong những năm vừa qua việc khai thác quá mức đã dẫn đến nhiều vùng, nhiều nơi suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến nguồn gen của các loài. Đà Nẵng là trung tâm của khu vực miền Trung vì thế việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần giúp các địa phương có những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực - cộng đồng ngư dân trong các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học biển tại thành phố Đà Nẵng.
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp hội Việt Nam
Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển.
PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thông tin về hiện trạng đa dạng sinh học biển vùng Nam Trung Bộ cũng như ở Đà Nẵng, cùng một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học. Hiện nay, số lượng các nghiên cứu về điều tra tổng quan hiện trạng đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng vẫn còn hạn chế, các nghiên cứu chủ yếu đều do Viện Hải dương Nha Trang thực hiện vào năm 2005 cho toàn bộ khu vực vùng biển Đà Nẵng và Viện Sinh thái miền Nam (2017) chỉ tập trung nghiên cứu ở vùng Bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, có một số đề tài nghiên cứu riêng lẻ khác nhưng chỉ tập trung đối với một số thành phần loài cố định. Qua đó thấy rằng, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật vùng ven biển Đà Nẵng ghi nhận hiện nay đã khá cũ, khu vực nghiên cứu mang tính cục bộ và dữ liệu nằm rải rác trong nhiều báo cáo khác nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và hỗ trợ đưa ra quyết định cho chính quyền địa phương.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học biển hiện nay đòi hỏi cần thời gian điều tra, khảo sát dài, có tính liên tục và chi phí thực hiện cao. Trong bối cảnh hiện nay tại thành phố Đà Nẵng, nguồn nhân lực và ngân sách phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển đang rất hạn chế. Vì vậy việc phát huy vai trò của lực lượng ngư dân trong việc hỗ trợ thu thập dữ liệu với quy mô rộng lớn sẽ mang lại hiệu quả và chi phí tiết kiệm hơn so với hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống. Đây là hình thức của mô hình “Khoa học công dân”, vận động người dân địa phương cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết và ứng phó các vấn đề xã hội và môi trường dự trên tinh thần tự nguyện.
Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương tiên phong trong công tác quản lý tổng hợp vùng bờ (Integrated Coastal Zone Management) và các hoạt động đó có sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, thành phố đã hình thành các tổ bảo vệ ran hô, giám sát và bảo vệ môi trường biển. Hoạt động của tổ cũng được ghi nhận của UBND thành phố trong năm 2022. Thành viên chính của tổ là ngư dân đánh bắt xung quanh khu vực rạn san hô tại Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Từ những tiền đề này chúng ta có thể tiếp tục phát huy để hình thành nhóm khoa học công dân trước tiên là để đánh giá nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học ven bờ. Sau khi vận hành thử nghiệm thành công, có thể nhân rộng đến nhóm xa bờ.
Theo ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản không những là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Hiện nay nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ rất lớn về suy giảm nguồn lợi, do nhiều tác nhân gây ra như biến đổi khí hậu, khai thác quá mức và đặc biệt công tác bảo vệ, bảo tồn còn nhiều bất cập. Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy cộng động người dân để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học biển để từ đó có cơ hội bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt hơn.
Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng
Các đại biểu tham gia thảo luận
Ngoài các báo cáo tham luận, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến góp ý từ các cá nhân, tổ chức tham dự, cụ thể là có 06 ý kiến góp ý sâu và 03 ý kiến từ online. Các nội dung thảo luận tập trung vào đề xuất các mô hình dựa vào công đồng, bên cạnh đó một số giải pháp được đề cập như sớm thành lập Khu bảo tồn biển; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; ngoài các tổ cộng đồng thúc đẩy các mô hình quản lý mới phù hợp với từng địa phương, từng vùng; trang bị kiến thức cho ngư dân; tuyên truyền cho ngư dân, đặc biệt là chủ tàu và thuyền trưởng tham gia vào cộng đồng bảo vệ, quản lý…
Các đại biểu chụp hình lưu niệm