Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam
Đằng sau nó là một đồng bằng hẹp dọc biển, rộng khoảng 30 cây số giữa núi và biển, kéo dài khoảng 250 cây số đến đèo Hải Vân. Khu vực này, thời hiện đại gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, được các nhà cai trị người Việt trong thế kỷ XV và XVI gọi là Thuận Hoá; nó bao gồm các lãnh thổ bị những nhà cai trị Trung Hoa và Việt Nam thay nhau chinh phục suốt nhiều thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ XV, nó vẫn là vùng biên giới tranh chấp với các vua Champa. Trong thập niên 1470, vua Lê Thánh Tông đưa quân vượt qua Thuận Hoá, chinh phục và đóng quân trên 300 cây số lãnh thổ dọc biển nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, mà khi đó gọi là Quảng Nam, nay là các tỉnh Quang Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diễn biến này mở cửa biên giới phía nam cho sự bành trướng chưa từng có của người Việt.
Danh từ “ Namtiến” đã trở thành một phạm trù quan trọng trong cách viết sử của Việt Nam . Dù được nhìn tiêu cực như sự xâm chiếm, hay tích cực như một sức mạnh, thì danh từ này thường được phân loại như một điều có sẵn trong cái gọi là tính cách Việt Nam, một tiến trình đã diễn ra trong suốt lịch sử Việt Nam và theo mô hình này, nó được xác định là bắt đầu từ thế kỷ X khi người Việt được cho là đã thoát khỏi sự kiểm soát của nền cai trị Trung Hoa. Tôi thì muốn chia phạm trù này thành những chương cụ thể và xem những sự hình thành khác nhau của các sự kiện tại các thời điểm và nơi chốn khác nhau. Lãng mạn hoá hay chê trách việc mở rộng về phía nam của người Việt trong tiến trình nhiều thế kỷ cũng đều khiến chung ta không thấy được những gì đã xảy ra ở một thời điểm hay nơi chốn nhất định. Tôi sẽ không nói về Nam tiến, thay vào đó, tôi sẽ nói về sự hình thành các phiên bản mới của việc làm người Việt Nam ở ba khu vực vừa mới có người Việt sinh sống ở bên kia đèo Ngang: Thuận Quảng, Bình Định và Nam Bộ.
Nơi đầu tiên của các vùng này tôi gọi là Thuận Quảng, một cách nói vắn tắt từ hai vùng Thuận Hoá và Quảng Nam của thế kỷ XV và XVI, nhưng đã được định nghĩa lại cho mục đích của tôi để loại trừ khu vực sâu trong phía nam, Bình Định, một nơi có sức mạnh khu vực riêng của nó trong thế kỷ XVIII. Như thế Thuận Quảng ở đây là tập trung vào một trung tâm chính trị ở Phú Xuân (Huế) và một trung tâm buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng. Sự trỗi dậy của Thuận Quảng với tư cách một trung tâm quyền lực khu vực mới trong hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá bắt đầu bằng việc di dời của Nguyễn Hoàng và tuỳ tùng vào khu vực này năm 1558. Nguyễn Hoàng xuất thân từ Thanh Nghệ và liên minh với các phe khác của Thanh Nghệ chống lại nhà Mạc ở Đông Kinh. Trong thập niên 1590, Nguyễn Hoàng đưa quân từ Thuận Quảng tham gia vào các chiến dịch chặng cuối đuổi quân Mạc ra khỏi Đông Kinh. Tuy vậy, các nỗ lực của Trịnh Tùng muốn đặt Nguyễn Hoàng ở dưới uy quyền của ông ta thất bại và vào năm 1600, Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng và củng cố sức mạnh của gia đình tại đó (1).
Trong những năm 1620, căng thẳng giữa những người con của Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng bùng nổ thành cuộc chiến và giao tranh kéo dài hơn 50 năm. Các từ áp dụng cho hai bên thể hiện một cảm thức mạnh mẽ của sự phân biệt không gian.Vương quốc phía bắc, do họ Trịnh cai trị, được gọi là Đàng Ngoài, và Vương quốc phía nam của họ Nguyễn được gọi là Đàng Trong. Các từ “ngoài” và “trong” có thể hiểu đơn giản như ngôn từ phân cách tính chất trung ương và ngoại biên, hoặc chúng có thể được soi sáng bằng một cặp diễn đạt khác được sử dụng trong thế kỷ XV để diễn tả việc đi lại dọc trục Bắc – Nam: vào Nam và ra Bắc. Ý niệm về việc đi “vào” phía nam và “ra” bắc, miền Nam “ở trong” và miền Bắc “ở ngoài” đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phân tích dựa trên kinh nghiệm đi lại giữa vùng đồng bằng mở cửa sông Hồng với Hà Nội là trung tâm và các lãnh thổ hẹp phía nam bị hạn chế giữa núi và biển (2). Giải thích này là khả tín khi dựa trên trải nghiệm địa hình của con người.
Làm thế nào những người sống “ở trong” không gian miền Nam hẹp có thể chống đỡ các đợt tấn công liên tiếp của người sống “ở ngoài” trên đồng bằng rộng lớn? Những người “bên trong” đã không chỉ vượt qua sau chiến dịch lớn của người “bên ngoài” mà họ cũng phản kích và chiếm cứ nhiều nơi của Thanh Nghệ trong nhiều năm của thập niên 1650 trong lúc đồng thời đưa đội quân đầu tiên của người Việt vào đồng bằng sông Mêkông. Liệu việc “ở trong” có đem lại lợi thế nào không? Dường như là có, bởi vì những người miền Nam tận dụng “sự ở trong” của họ bằng cách đắp luỹ giữa biển và núi ở cửa biển Nhật Lệ tại Đồng Hới, cách không xa nơi được thừa nhận là biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại sông Gianh (3). Đằng sau các luỹ, những nông dân – quân đội sống chen chúc trong các làng - chốt gác tự túc. Trong toàn bộ các trận chiến của thế kỷ XVII, người Bắc chưa bao giờ vượt qua nơi này. Họ chưa bao giờ “vào được trong”? Tại sao?
Một cách giải thích là người miền Nam bảo vệ lãnh thổ của họ trong khi người miền Bắc cách xa nhà ở một nơi không quen thuộc. Ngoài ra, mỗi năm chỉ có một khoảng thời gian ngắn thuận lợi cho giao chiến vì sự hạn chế của mùa khô khi quân đội có thể di chuyển, hạn chế gió để giúp hoạt động thuỷ quân, và thiếu tiếp viện từ miền Bắc; nếu người miền Nam đơn giản chỉ kháng cự đủ lâu, người miền Bắc sẽ phải lui quân trước khi đường tiếp tế của họ cạn kiệt hoặc trước khi có thay đổi về gió và có mưa. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là những cân nhắc chiến lược này gắn với một tình thế cụ thể, một địa hình cụ thể và rằng chúng không được trải qua như những quan niệm trừu tượng mà như những khả năng thật sự.
Tôi đã dừng lại ở Đồng Hới bởi vì chính tại đây ba thế hệ các lãnh tụ vùng đã liên tục đụng trận, nơi Đàng Ngoài và Đàng Trong đã thử thách và định lượng sự phân cách của họ. Tại sao những bản sắc và tham vọng vùng này lại thể hiện bằng đại bác, gươm và voi trận thay vì bằng những phương thức giao tiếp ôn hoà hơn như thương thuyết và nhượng bộ? Một giải thích thu hút và thường được trích dẫn là việc chỉ ra rằng, trong những năm này, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn dài thay đổi triều đại và khi không có sự đe doạ can thiệp của Trung Quốc, người Việt không cưỡng được nội chiến. Nhưng có ít nhất ba luận cứ chống lại quan niệm này. Đầu tiên, biện luận ở trên sẽ không giải thích được cuộc chiến Đông Kinh với Thanh Nghệ kéo dài hầu hết thế kỷ 16, trừ phi người ta muốn nói rằng vào thời đó, sự suy thoái của triều Minh đã loại bỏ mối đe doạ can thiệp của Trung Quốc, nhưng như thế điều này trở thành một kiểu giải thích không chính xác, thậm chí tuỳ tiện. Thứ hai, việc Trung Quốc tiếp tục là một yếu tố trong chính trị Việt Nam trong suốt thời chiến tranh thế kỷ XVI và XVII, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp triều đại, bị bỏ qua quá dễ dàng. Trong thế kỷ XVI, các lãnh đạo Thanh Nghệ gắng sức nhờ đến hành động của nhà Minh để chống lại Đông Kinh. Một đội quân Minh đã đến trong những năm 1540, nhưng xung đột đã tránh được nhờ nỗ lực ngoại giao của nhà Mạc. Sau khi họ chinh phục được Đông Kinh, những cố gắng của họ Trịnh nhằm tiêu diệt hẳn đối thủ đã bị cản trở suốt gần tám thập niên bởi sự bảo vệ của nhà Minh, sau đó là nhà Thanh, dành cho họ Mạc ở tỉnh Cao Bằng nơi biên giới với Trung Quốc (4).
Liệu có còn quá ngạc nhiên là Đàng Trong đã chống lại uy quyền của Đàng Ngoài tại Đồng Hới trong nhiều thế hệ và nhiều trận đánh khi chúng ta nhớ lại rằng những dân tộc mà ta gọi là Chăm trước đó đã từng kháng cự uy quyền miền Bắc cũng tại chính nơi này trong hàng trăm năm? Liệu có khó hiểu được là dân tộc chúng ta gọi là người Việt, những người mới đến sống ở đây, lại có một thái độ trước quyền lực miền Bắc theo nhiều cách cũng tương tự như các cư dân trước đây? Thay vì dõi mắt về Trung Quốc phía Bắc để phân tích, có thể đã đủ khi quan sát kỹ hơn Thuận Quảng và xem xét làm thế nào sự định vị chiến lược và văn hoá của những người nói tiếng Việt tại một nơi mà trong nhiều thế hệ là của người Chăm lại có thể giúp soi sáng và giải quyết nỗ lực tìm hiểu của chúng ta. Những cư dân mới đến đã thờ phụng các vị thần của các cư dân cũ (5). Chuyện họ cũng thừa hưởng những kẻ thù của cư dân cũ gây ngạc nhiên chỉ bởi vì mức độ tuyên truyền ý thức dân tộc chủ nghĩa nhằm vào người của thế kỷ XX. Có thể hữu ích hơn nếu ta không nói về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, mà thay vào đó, nói về sự hình thành những phiên bản mới của việc làm người Việt ở lãnh thổ trước đây của người Chăm và các dân tộc khác (6).
Bây giờ tôi chuyển sang tỉnh Bình Định và sự trỗi dậy của một trung tâm khu vực mới tại đó trong thế kỷ XVIII. Bình Định, cụ thể là khu vực gần kề thành phố Qui Nhơn thời hiện đại, từ lâu đã là một địa điểm quan trọng cho các vua Chămpa. Nơi này bị các đội quân Việt đánh phá trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ bị chinh phục lâu dài cho đến cuối thế kỷ XV. Đó là tiền đồn cực Nam của biên giới người Việt từ đó cho đến 1611, khi Nguyễn Hoàng chinh phục khu vực này về phía nam, bao gồm cả đèo Cả, mà sau đó được biết đến với tên tỉnh Phú Yên. Đến cuối thế kỷ XVII, Bình Định trở thành khu vực hoạt động cho các binh đoàn tiến về Nam và đi sâu vào đồng bằng sông Mêkông. Đến những năm 1690, Bình Định đã trở thành trung tâm của một mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối trung tâm Thuận Quảng của Đàng Trong với đồng bằng sông Mêkông. Nó cũng trở thành trung tâm tuyển mộ binh lính và lao động đẻ duy trì hoạt động quân sự ở sâu trong phía nam.
Một tính chất quan trọng khác của Bình Định là vị trí của nó như một bến cuối của tuyến đường được di lại nhiều dọc cao nguyên trên thung lũng Mêkông, băng qua An Khê, Plây Ku và đến sông Mêkông ở Stung Treng, ở nơi mà hiện nay là phía bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương toả ra từ Ayudhaya/Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Định với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhaya/Bangkok và Qui Nhơn cung cấp vốn và những mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Qui Nhơ trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng và con đường phía nam đến đồng bằng sông Mêkông (7).
Trong thế kỷ XVIII, những nhà cai trị ở Thuận Quảng ngày càng quan tâm đến Bình Định, xem nó như một điểm nối uy quyền của họ với vùng biên giới phía xa. Một nghiên cứu gần đây đã phân tích buổi khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn (Tây Sơn nằm ở lưu vực sông giữa Qui Nhơn và An Khê) những năm 1770, xem đó là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này. Ngoài ra, địa điểm Qui Nhơn đem lại những khả năng rõ rệt như một trung tâm quyền lực. Nguyễn Nhạc, người anh cả dẫn đầu cuộc nổi dậy, đã theo đuổi việc trở thành “hoàng đế” tại Qui Nhơn. Trong thập niên 1780, tranh chấp giữa Nhạc và em trai Huệ đã dẫn tới đụng độ để giành quyền kiểm soát Qui Nhơn. Và vào cuối thế kỷ ấy, sự kiểm soát Qui Nhơn trở thành ám ảnh tranh giành của quân Tây Sơn và đối phương của họ, liên tục thay chủ, vây hãm, bao vây lần nữa trong nhiều năm; cả cho đến khi tương quan cuộc chiến đã khiến nơi này không còn quan trọng về quân sự, thì Qui Nhơn vẫn là đối tượng tranh giành, có lẽ ở một mức độ nào đấy, được thèm muốn như một trung tâm thương mại có cảng và kết nối đường bộ với Bangkok.
Đến ngày nay, Bình Định vẫn duy trì tiếng tăm là tỉnh thiện chiến nhất, sản sinh những chiến binh võ nghệ cao cường. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, người từ Bình Định nắm lấy sân khấu trung tâm trong chính trường và chiến trường của người Việt. Phong trào Tây Sơn, bắt đầu là một hỗn hợp người dân tộc vùng cao, nông dân đồng bằng và lái buôn Trung Hoa, đã bùng nổ tại Bình Định, đưa quân chinh Nam phạt Bắc và thúc đẩy 30 năm chiến tranh giữa các khu vực có người nói tiếng Việt sinh sống. Mặc dù Bình Định không có tài nguyên để trở thành một trung tâm đủ sức khống chế các vùng khác trong bất kỳ thời gian dài nào, nhưng nó cũng bộc lộ một cái nhìn khu vực về vấn đề làm người Việt. Nó sản sinh một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và đã cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông. Việc ông thất bại thường được quy cho là vì cái chết bất ngờ của ông. Nhưng có lẽ người ta đã không dành đủ sự chú ý cho câu hỏi làm thế nào viễn kiến khu vực của Bình Định đã có thể định hình tham vọng của cả ông và những người kế vị yếu kém, và khiến họ dễ bị đe doạ bởi một đối thủ có một viễn kiến khu vực khác. Chừng nào một sức mạnh quân sự tự nguyện và chuỗi dài thắng trận còn là bí quyết giúp có quyền lực chính trị, người của Bình Định có thể chiếm ưu thế. Nhưng khi đối diện với một đối thủ đã thua trận liên tục nhưng luôn đứng dậy, một đối thủ có tầm nhìn chiến dịch lâu dài chứ không chỉ một trận đánh, một đối thủ xem thành công không phải nhờ giao tranh mà là kết quả của tổ chức, rèn luyện, huy động tài nguyên, chuẩn bị, hoạch định và chờ đợi. Thiên tài Tây Sơn, đứng trước một đối thủ như thế, bỗng chỉ trở thành một sự gan dạ cấp tỉnh.
Và đối thủ này xuất hiện từ đâu? Từ Nam bộ. Đó sẽ là chủ đề được trình bày ở phần sau.
_______________
(1). K.W. Taylor, “Nguyễn Hoàng và bước mở đầu cuộc Nam tiến của người Việt” trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay, NXB Trẻ, TP. HCM, 2001: 161-184.
(2) Nguyễn Tài Cẩn, “Về việc dùng hai động từ “vào” “ra” để chỉ sự di chuyển đến một địa điểm ở phía nam hay phía bắc trong tiếng Việt hiện đại”, Tạp chí Khoa học, 4, (1991), trang 36-42.
(3) Đáng chú ý là cho đến thời điểm khi bài này được viết, 1996, nếu đi bằng ôtô từ Hà Nội đến Sài Gòn, vẫn chỉ có duy nhất một nơi không có chiếc cầu nào được xây và người ta phải đi phà, và địa điểm đó là tại sông Gianh.
(4) K.W. Taylor, “The Literati Revival in Seventeenth – Century Vietnam ”, The Journal of Southeast Asian Studies, 18, 1 (3-1987), tr. 17.
(5) Nguyễn Thế Anh, “The Vietnamization of the Cham Deity Po Nagar”, trong cuốn Essays into Vietnamese Pasts, do K.W. Taylor và John K.Whitmore (biên tập), Ithaca, Cornell Southeast Asia Program, 1995, tr. 42-50; xem bản dịch tiếng Việt trong Xưa & Nay số 233, tháng 4/2005, tr 29.
(6) K.W.Taylor, “Nguyễn Hoàng…”, sđd, tr. 64-65.
(7) Về chủ đề Qui Nhơn với tư cách là trung tâm thương mại với cộng đồng người Hoa ở thế kỷ 18, xem Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les cơtes du Viet-Nam et du Champa, Paris, EFEO, 1973, tr. 166-167; Pierre-Yves Manguin, Les Nguyễn, Macau et le Portugal: Aspects politiques et commerciaux d’une relation privlẻgiée en Mer de Chine, 1773-1802, Paris, EFEO, 1984, tr. 43-45, 172-173.
Nguồn: Xưa và Nay, số 270 tháng 10/2006