Thị trường bất động sản: Nhà kinh doanh nên giảm giá bán 15-16%
Ngày 24/3/2006, thêm một hội thảo tìm kiếm các giải pháp làm “ấm” thị trường bất động sản (BĐS) được Viện Nghiên cứu địa chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Khoa học, Thị trường-Giá cả (Bộ Tài chính) tổ chức tại Hà Nội.
Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thực ra, không phải toàn bộ thị trường BĐS bị chững lại mà chủ yếu là thị trường nhà ở bị suy giảm còn nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do tỷ suất lợi nhuận còn khá, đạt 12-18% trong khi ở Thái Lan chỉ đạt 8%. Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu khác, ông Liêm cũng nhận xét thị trường nhà ở vẫn đang trong giai đoạn suy thoái. Để thị trường này "ấm áp" trở lại, TS Liêm cho rằng cần đồng thời tiến hành các nhóm biện pháp về thị trường và các biện pháp của chính quyền. Ví dụ, về biện pháp thị trường, theo ông, "cần xử lý vấn đề nhà ở tồn đọng bằng cách hạ giá". "Lợi nhuận đầu tư BĐS còn rất cao, nếu nhà kinh doanh đừng cố duy trì mức lợi nhuận cũ thì khả năng giảm giá bán 15-16% là hiện thực mà không có gây thiệt hại nhiều", ông Liêm nói và nhấn mạnh thêm "không chỉ các nhà kinh doanh vay vốn ngân hàng phải bán rẻ đi để trả nợ mà ngay cả các nhà đầu cơ, cùng vốn tự có cũng nên hạ giá để quay vòng vốn".
Ông Liêm cũng đề nghị: Nhà nước nên phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng như công chức trẻ, chuyên gia trẻ (bác sĩ, giáo viên, kỹ sư) có việc làm ổn định vay tiền mua nhà; thu thuế nhà đất với nhà đã mua nhưng để không; không thu thuế thu nhập đối với nhà cho thuê; điều chỉnh giảm khung giá đất của các địa phương.
Nêu ra nghịch lý về giá BĐS quá cao so với thu nhập thực tế của đa số người mua; giữa khung giá đất Nhà nước công bố và giá thực tế thị trường, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Khoa học tài chính Việt Nam cũng cho rằng "phải kéo giá xuống" nhưng theo ông, điều đáng tiếc là các giải pháp hiện nay lại dựa trên "mức giá bất hợp lý hiện tại đó". Theo ông, việc cho phép tiếp tục phân lô, bán nền, cho phép chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, yêu cầu ngân hàng cung cấp tín dụng cho các dự án BĐS vẫn thực chất chỉ nhằm "tạo sức ép tiêu thụ hết số lượng BĐS giá quá cao hiện tại". Cũng theo tiến sĩ Ánh, "thị trường nhà ở của người dân còn rất lớn nhưng không được chú ý". Nếu giá thị trường chỉ 4-5 triệu/m 2thôi sẽ rất phát triển vì còn hàng vạn, hàng triệu người ở trong những ngôi nhà rách nát, còn nếu giá vẫn cao như hiện nay thì thị trường chật hẹp và chỉ rơi vào những người có tiền, người tích trữ, đầu cơ.
Nguồn: Thanh Niên24/3/2006