Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 23/11/2022 14:20 (GMT+7)

Thế giới chưa thể hết phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch

Dầu mỏ và khí đốt vẫn là những nguồn năng lượng chính, than đá đang quay trở lại với tốc độ kỷ lục. Giấc mơ về một thế giới năng lượng xanh xem ra vẫn còn xa vời.

Khủng hoảng năng lượng đã tác động lớn đến các cuộc đàm phán tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), khi nhiều nước vẫn muốn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch và mục tiêu huy động 100 tỷ đô la cho ứng phó biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt được.

Cũng mới đây, ngày 4/11, Mỹ, Canada và 18 quốc gia khác cam kết sẽ chấm dứt tài trợ cho tất cả dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022, thay vào đó, hướng đầu tư vào năng lượng sạch.

Thế giới chưa thể hết phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch - Ảnh 1
Khi nhiều nước vẫn muốn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch và mục tiêu huy động 100 tỷ đô la cho ứng phó biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt được. (Ảnh minh họa)

Chiều ngày 21/11, Thông tin do Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) – Quan sát viên chính thức của Hội nghị COP27 – đưa ra trong buổi họp báo "Ghi nhận từ COP27 và hàm ý chính sách bảo vệ khí hậu của Việt Nam”, diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị COP27 diễn ra tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6 – 19/11/2022, với khoảng 45.000 người tham dự. Mục tiêu nhằm tiếp nối các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26 và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức, định chế tài chính, khối doanh nghiệp… hướng tới giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. COP27 thu hút nhiều sự quan tâm đến những thảo luận còn bỏ ngỏ tại Cop 26 và hành động của các nước hướng đến mục tiêu bảo vệ khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều xung đột, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, tác động của biến đổi khí hậu…

Hơn 2 tuần đàm phán, COP27 đã phê duyệt 27 Quyết định, trong đó, quan trọng nhất Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh (Sharm el-Sheikh Implementation Plan). Bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc điều hành VIETSE cho biết, lần đầu tiên COP đưa ra một chương trình nghị sự riêng biệt cho chủ đề “Năng lượng”. Ngoài khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng, Kế hoạch còn đề cập đến năng lượng “phát thải thấp”, bao gồm năng lượng khí, hạt nhân, giải pháp thu hồi và lưu trữ carbon (CCS). Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng chuyển dịch hệ thống năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh, tăng độ tin cậy và khả năng thích ứng với khủng hoảng năng lượng.

Việc đền bù tổn thất và thiệt hại là kết quả nổi bật nhất tại COP27. Theo đó, các quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về việc thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại, nhằm lập hỗ trợ các nước chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu. Việc nước nào chi trả và nước nào được hưởng lợi sẽ tiếp tục được thảo luận tại COP28 vào năm tới.

Tuy rằng các nước thành viên Công ước khung đều thống nhất mục tiêu “1,5 độ C” và yêu cầu giảm phát thải 43% KNK toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2019, nhưng đề xuất loại bỏ dần tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch không đi đến kết quả như kỳ vọng. Nhiều quốc gia, bao gồm cả chủ nhà Ai Cập muốn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch trong khi vẫn muốn nhận tài trợ để ứng phó biến đổi khí hậu.

Quá trình đàm phán về tài chính cho thấy, nhu cầu tài chính cho ứng phó BDDKH rất cao nhưng tiến độ huy động hiện nay chưa đáp ứng được. Các quốc gia phát triển một lần nữa không đạt được Cam kết huy động 100 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu, bà Nhiên cho hay.

Thế giới cần 4.000 tỷ USD để đầu tư năng lượng tái tạo đến năm 2030 nhằm đạt được phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Toàn cầu cần đầu tư 4000-6000 tỷ $/năm để chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp

Cùng với đó, triển vọng nguồn tài chính khả quan với những quốc gia đang phát triển có kế hoạch đầu tư chi tiết cho chuyển dịch năng lượng từ than sang năng lượng sạch. Điển hình là Nam Phi và In-đô-nê-xi-a đã được nhiều quốc gia đã cam kết hỗ trợ hàng tỷ Đô la trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Phần lớn khoản tài chính này được cấp dưới dạng vốn vay thay vì tài trợ. Hiện nay, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận về JETP với các nước phát triển.

Việt Nam có thể coi là điểm sáng tại Hội nghị COP27 với nhiều nỗ lực đáng kể, từ hành động chính sách đến thực tiễn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thực thi các cam kết tại Hội nghị COP 26. Việt Nam đã nâng mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện lên 15,8% đến năm 2030 so với BAU, tương đương 146,3 triệu tấn CO2 tương đương (NDC 2020 là 9%); nếu có sự hỗ trợ quốc tế, mức giảm phát thải sẽ tăng lên 43,5%, tương đương 403,7 triệu tấn CO2 tương đương (NDC 2020 là 27%).

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà  dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tại COP27 đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận cùng các bên tham gia UNFCCC để đưa các cam kết thành hành động thực tế, tái khẳng định cam kết đi đầu trong chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số của Việt Nam. Đoàn cũng triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế, định chế tài chính và các doanh nghiệp lớn Việt Nam. Các kết quả của Hội nghị COP27 sẽ trở thành cơ sở để Việt Nam định hướng xây dựng cơ chế, chính sách về BĐKH trong thời gian tới.

Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu COP28 sẽ được tổ chức tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ ngày 30/11-12/12 năm 2023.

VIETSE là 1 trong 2 tổ chức của Việt Nam được công nhận là Quan sát viên chính thức tại COP27 và tham gia vào các hoạt động trong khu vực Blue Zone, nơi hội nghị chính thức diễn ra. Quan sát viên có vai trò theo dõi quá trình đàm phán, đảm bảo tính minh bạch của các quy trình liên chính phủ, nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của cộng đồng.

Xem Thêm

Tìm giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
Ngày 4/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học” . Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Gia Hưng và Trưởng ban Truyền thông và phố biến kiến thức Vusta Lê Thanh Tùng chủ trì hội thảo.

Tin mới

Tìm giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam
Trong tình hình mới hiện nay, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, một trong những nội dung, giải pháp được đề cập trong giai đoạn tới là hoàn thiện thể chế trọng dụng trí thức, người hiền tài, tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo…
Trường THPT Giao Thủy chung tay bảo vệ môi trường
Sáng ngày 21/10, Trường THPT Giao Thủy, Liên hiệp Hội Việt Nam Việt Nam (LHHVN) đã phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Nam Định, Huyện Đoàn Giao Thủy tỉnh Nam Định tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024.
Đã mở ra môi trường cởi mở, minh bạch trong hoạt động hội
Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP, Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội tại Việt Nam với nhiều điểm mới. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, thay thế cho các quy định cũ (Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Nghị định 33/2012/NĐ-CP) nhằm cải tiến và đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong việc thành lập, vận hành và quản lý các tổ chức hội.
An Giang: Tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo
Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh vượt trội của Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP.HCM), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp Hội) đã chủ động thúc đẩy hợp tác và mời hai đơn vị này là thành viên chính thức.
Bắc Giang: Ngày hội Sáng tạo năm 2024
Liên hiệp hội tỉnh vừa phối hợp với Trường TH, THCS, THPT FPT Bắc Giang, Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục BG STEAM vừa tổ chức Ngày hội Sáng tạo năm 2024, với 02 hoạt động chủ đạo gồm: Hội thảo: “Vì một Cuộc thi thực chất và hiệu quả” và Trải nghiệm, tham gia trò chơi vận hành robot.