Thanh Hoá: Kiểm tra dự án quản lý rừng ngập mặn
Ngày 11/7/2024, Đoàn công tác Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) do đồng chí Nguyễn Văn Phát - Chủ tịch làm trưởng đoàn cùng các thành viên Ban Thường vụ, cơ quan Liên hiệp hội đến thăm và kiểm tra kết quả thực hiện dự án “Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam”.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 380.000 EUR do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ và một phần vốn đối ứng hỗ trợ từ ngân sách UBND tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn quản lý tài nguyên và Thích ứng biến đổi khí hậu (CORENACCA) làm chủ đầu tư, thực hiện dự án tại các xã: Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), Nga Thủy và Nga Tân (huyện Nga Sơn) của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2024.
Mục tiêu của Dự án là nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tại 03 xã thực hiện dự án thông qua các hoạt động quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng. Bám sát các mục tiêu cụ thể, đến nay, Dự án đã triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Kết quả là: Tổ chức 06 khóa đào tạo, 18 hội thảo/tập huấn về pháp luật lâm nghiệp liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn cho cán bộ xã, các nhóm nông dân tham gia dự án để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng. Xây dựng 01 vườn ươm cây giống rừng ngập mặn, trong đó, sản xuất được 33.000 cây Trang giống phục vụ trồng 80ha, hiện đã xuất vườn hơn 26.000 cây. Trồng xen cây Trang và cây Bần chua để tăng diện tích rừng đa tầng tán, tăng đa dạng sinh học, khả năng phòng hộ và tăng hấp thụ, lưu trữ các bon; đến 30/6/2024 đã trồng và chăm sóc 70/80ha theo kế hoạch 3 năm (tỉ lệ sống đạt trên 60%). Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật, tính đến tháng 7/2024, tổng đàn ong của 200 hộ là 646 đàn (tăng 196 đàn so với tổng đàn ong giống được cấp). Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi vịt biển, tuy nhiên, do năm 2024 giá thức ăn tăng, giá vịt và trứng vịt giảm nên hiện tại các hộ đang tạm dừng nuôi vịt. Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cói và rau sử dụng phân hữu cơ vi sinh, kết quả đánh giá cho thấy sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp giảm chi phí phân đạm và thuốc trừ sâu; giúp cây phát triển đều, cứng cáp, ít sâu bệnh và thời gian xanh lâu hơn; tăng sản lượng thu hoạch so với sử dụng phân hóa học.
Theo chương trình công tác, Đoàn đã đến kiểm tra khu vực rừng ngập mặn trồng xen đa tầng tán và vườn ươm cây giống; thăm và kiểm tra một số hộ nông dân nuôi ong và trồng cói, hoa màu bằng phân hữu cơ vi sinh tại xã Nga Thủy (huyện Nga Sơn).
Trong 03 tháng cuối của Dự án, CORENACCA cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra theo kế hoạch, đảm bảo việc thực hiện và quản lý các hoạt động của Dự án một cách hiệu quả.