Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 03/12/2008 00:36 (GMT+7)

Thám hoa Phan Thúc Trực

Tên ông hồi bé là Phan Dưỡng Hạo, biệt hiệu Bồ Phong Cẩm Đình, sinh năm 1808 ở làng Phú Ninh, xã Khánh Thành (thuộc tổng Vân Tụ ngày xưa). Dòng họ ông có 7 đời đăng khoa. Cha ông là Phan Vũ - một người hay chữ nhưng nhà nghèo phải đi dạy học kiếm sống, không đi thi, đã đào tạo được nhiều nhân tài. Con ông là Phan Phúc Vĩnh đậu cử nhân. Phan Dưỡng Hạo học rất giỏi song hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải vừa học, vừa làm. Một hôm đang gặt ngoài đồng thì nhà thờ họ Phan Thúc cháy, trống ngũ liên nổi lên, ông bèn làm một bài thơ:

Phụng thờ hương khói bấy nhiêu đông,

Một phút làm nên rạng tổ tông.

Trống đánh vang lừng miền ấp Lý,

Tàn bay xáp xới cõi Tây Đông.

Kẻ xa, người ngái nhô đầu lại

Xóm dưới làng trên ngoảnh mặt trông.

Vận hội khi may đen hoá đỏ,

Làm trai như thế sướng hay không?

Bài thơ vịnh cảnh cháy nhà thờ nhưng còn toát lên khẩu khí một con người tài ba sẽ làm nên sự nghiệp trong tương lai. Năm 16 tuổi, ông đỗ đầu xứ trong kỳ khảo hạch “tiến ích” của tỉnh. 17 tuổi thi đậu tú tài khoa Ất Dậu (1825) tại trường thi Nghệ An. Sau đó ông đi dạy ở làng Nguyệt Viên, tổng Từ Minh, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Làng này có tục các cô gái vừa kéo vải vừa hát đối đáp với các chàng trai trong đêm. Đôi khi có cả những nhà nho gà cho các bên hát. Một hôm gặp ông đồ Nghệ, các cô bèn ra một vế đối để thử tài:

Gái Nguyệt Viên vừa độ

trăng tròn, ai muốn lấy

mười lăm quan chẵn.

Thật là một vế đối hóc hiểm, khác chi câu bà Điểm ra cho Trạng Quỳnh ngày xưa: Da trắng vỗ bì bạch.

Nguyệt Viên là tên làng nhưng cũng có nghĩa là trăng tròn, trăng lại tròn vào hôm rằng tức mười lăm. Phan Dưỡng Hạo đối ngay:

Trai Vân Tụ đông như

mây nhóm…

Đối vậy cũng giỏi vì Vân Tụ là quê ông sánh với Nguyệt Viên, và còn có nghĩa là mây nhóm. Nhưng đến về sau “Ai muốn lấy mười lăm quan chẵn” thì bế tắc, đành phải nói: Mười lăm quan đắt quá, không lấy nữa. Từ ấy, ông tự thấy mình chưa thật giỏi nên lại về quê tiếp tục học nữa. Liên tiếp mười khoa thi ông đều đỗ nhưng chỉ đỗ tú tài, gồm 5 chính khoa về đời Minh Mệnh, 3 khoa chính về đời Thiệu Trị, 2 ân khoa về đời Thiệu Trị. Đỗ 10 khoa tú tài liên tiếp như vậy là điều chưa xảy ra trong lịch sử khoa bảng, vì thế văn thân huyện Yên Thành tặng ông đôi câu đối:

Nhất cử thành danh thiên hạ hữu

Thập khoa liên trúng thế gian vô

Tạm dịch

Thi cử một khoa thành danh thiên hạ có

Mười khoa trúng liên tiếp thế gian không

Theo quy chế thời phong kiến, đậu cử nhân mới được thi Hội ở Kinh đô, song vì ông đậu 10 khoa tú tài liên tiếp nên vẫn được đặc cách đi thi. Khoa thi năm Đinh Vỹ (1847) - Tức năm thứ 7 niên hiệu Thiệu Trị, từ thi Hội đến thi Đình, văn sách của ông hay nhất, bài nào cũng được các quan giám khảo phê “ưu” hay phê “bình”, không có bài nào bị phê “thứ”. Vì vậy, ông đỗ Đình Nguyên Thám Hoa - tức đỗ đầu kỳ thi Đình. Khi vinh quy bái tổ, ông được vua ban cho tấm biển có ba chữ “Khôi đa sĩ”. Lấy chữ trong sách Tam tự kinh “Đối đại đình khôi đa sĩ” nghĩa là vào chỗ đại đình thi đỗ đầu, áp đảo nhiều thân sĩ trong nước.

Cờ và biểu vua ban sau khi ông đỗ Thám hoa (hiện còn lưu giữ tại nhà thờ họ Phan Thúc ở Phú Ninh).
Cờ và biểu vua ban sau khi ông đỗ Thám hoa (hiện còn lưu giữ tại nhà thờ họ Phan Thúc ở Phú Ninh).
Phan Thúc Trực sau khi đậu Thám Hoa, vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, rồi được bổ vào Toà Nội Các (toà văn thư của nhà vua), tiếp theo lại được thăng Tậphiền viện thị giảng và được sung chức Kinh diên khởi cư trú là chức quan luôn bên cạnh nhà vua. Năm 1851 tức là năm thứ 4 niên hiệu Tự Đức, Phan Tiên Sinh được vua giao đi ra Bắc Hà cầu di thư (sưutầm những sách vở cũ còn sót lại). Năm 1852, hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về kinh đô. Khi đến tỉnh Thanh Hoá thì lâm bệnh nặng, đột ngột từ trần, hưởng thọ 45 tuổi. Vua Tự Đức rất thương tiếc, điếuông 4 chữ “Học cao, hạnh thuần” - tức học vấn cao, đức hạnh thuần. Một vị túc nho ở Yên Thành đã viếng ông một câu đối:

Bảng vàng bia đá nghìn thu, Thương tiếc thay người ấy

Đầu bạc răng long trăm nỗi, đau xót lắm trời ơi!

Nhân dân làng Phú Ninh đã lập đền thờ ông từ thế kỷ XIX. Hiện nay, một trường phổ thông trung học ở vùng Nam Yên Thành được vinh dự mang tên ông.

Phan Thúc Trực là một nhà thơ, nhà văn. Tác phẩm có: Trần Lê ngoại truyện, Diễn Châu phủ chí, Cẩm Đình thi tập, Bắc hành nhật lan phổ thi tập. Xin giới thiệu một bài thơ chữ Hán trong Cẩm đình thi tập:

Quá lục niên thành hữu hoài Lạp Phong cao ẩn cảm tác:

Lạp Phong di tích Lục Niên thành

Hà trọng, lam thân, thảo mộc bình

Thiết mà, kim qua không thử địa

Thiên thu cao ẩn đọc lưu danh

Dịch: Qua thành lục niên, nhớ người cao ẩn ở Lạp Phong cảm túc:

Ngọn Lạp còn đây dấu Lục Niên

Mù dày, ráng gắt, cỏ cây chen

Dáo vàng, ngựa sắt còn đâu tá?

Cao ẩn riêng Người mãi để tên

(Thái Kim Đỉnh dịch)

Theo sách Nghệ Tĩnh trong Tổ quốc Việt Nam của Trần Thanh Tâm và Ninh Viêt Giao thì Lục Niên ở vùng núi Thiên Nhẫn, xưa là đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn. Cao ẩn đây là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, từng bỏ quan về ở ẩn tại ngọn Lạp Phong trong dãy núi Thiên Nhẫn, cạnh thành Lục Niên của Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã cho người thân tín đến mời cụ ra giúp nước, coi cụ như quân sư. Bài thơ là lời ca tục một bậc hiền tài của đất nước.

Ông cũng để lại nhiều câu đối rất hay. Câu đối chữ Hán như:

Bồ lính cổ lai chung tú khí

Cẩm giang kim cánh nhuận văn lang.

Dịch nghĩa:

Bồ lĩnh (núi Tù Và) xưa còn un khí tốt

Cẩm Giang (sông Vũ) nay vẫn lăm văn nhân.

Câu đối chữ Nôm như:

Trông lên đỉnh núi cười long óc

Ngó xuống sườn non khóc hổ ngươi.

Phan Thúc Trực là một nhà sử học nổi tiếng. Tác phẩm Quốc sử di biên của ông có nhiều tư liệu rất giá trị về các mặt chính trị, ngoại giao, đời sống nhân dân, nội bộ cung đình triệu đại nhà Nguyễn. Công trình có 3 tập. Tập Thượng nói về đời Gia Long. Tập Trung nói về đời Minh Mệnh. Tập Hạ nói về đời Thiệu Trị. Có nhiều tư liệu quý không có trong chính sử. Ví dụ chuyện nữ sĩ Hồ Xuân Hương lấy đến ba đời chồng. Tổng Cóc, Phủ Vĩnh Tường và quan Tham hiệp trấn Yên Quảng, ông quan này bị xử tử vào năm 1819 về tội hống hách lấy của dân. Sau khi chồng chết, bà đi du ngoạn đó đây rồi về sau, không ai rõ tin tức gì về nữ sĩ nữa.

Phan Thúc Trực còn là một nhà kinh tế. Ruộng đồng làng Phú Ninh quê ông hồi đó thường bị nước mặn sông Cẩm Giàng (ngọn sông Bùng) tràn vào khi có thuỷ triều nên không cày cấy được. ông bày cho dân làng tháo nước mặn, đắp đập giữ nước ngọt từ phía bàu Liên Trì, bàu Mậu Long chảy xuống và trữ nước mưa dùng để cấy lúa, do đó đời sống nhân dân được sung túc, mọi người rất biết ơn.

Phan Thúc Trực là một danh nhân văn hoá của đất nước ta. Sự nghiệp của ông còn sống mãi với lịch sử.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...
Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..