Thái Bình: Giáo dục môi trường về giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải nhựa
Từ ngày 09 đến ngày 24/2/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức 07 Chương trình giáo dục môi trường về giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải nhựa; tuyên truyền Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cho gần 6000 học sinh các khối trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.
Rác thải nhựa gồm túi nilon, vỏ chai, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần… là những đồ dùng, vật dụng có chất liệu làm từ nhựa và không còn giá trị sử dụng. Tuổi thọ của những vật dụng chất liệu nhựa có thể lên đến hàng trăm năm. Vậy nên, khi rác thải nhựa tồn tại ở ngoài môi trường, chúng rất có hại cho đời sống của con người. Hiện nay, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có lượng rác thải cao hàng đầu thế giới. Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây ảnh hưởng nặng nề và tác động trực tiếp lên môi trường sống của con người. Chính vì vậy, chung tay phân loại rác thải ngay tại nguồn, tái chế rác thải nhựa là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Giảng viên giao lưu trực tiếp với các em học sinh tại lớp tập huấn
Tại chương trình, các em học sinh đã được truyền thông hướng dẫn về việc tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích theo phương pháp phân loại tái chế bền vững như: dùng vỏ chai nhựa làm chổi quét nhà, làm chậu hoa trồng cây, ống đựng bút, giá đựng sách, nắp chai nhựa để xâu kim… Chương trình đã góp phần khơi gợi hứng thú của học sinh, giúp các em thúc đẩy các thói quen tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày theo nguyên tắc 4T (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế)… Từ đó, trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tinh thần của chương trình tại chính cộng đồng dân cư nơi các em đang sinh sống và học tập; vận động mọi người cùng tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh, hạn chế rác thải nhựa, thay đổi hành vi để giảm thiểu sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm nhựng dùng một lần.