Sáng tạo vì môi trường: Gạch từ rác thải
Những viên gạch được sản xuất từ rác thải sinh hoạt đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ ra đời trong thời gian tới.
Đây là ý tưởng của nhóm bạn trẻ Trúc My (SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2), Anh Khoa (cựu SV ĐH Kinh tế TP.HCM), Kim Ngân (SV ĐH Griggs, Mỹ), Quỳnh Như (SV ĐH Quốc tế TP.HCM), Mai Thy (lớp 11 trường chuyên Lê Hồng Phong) và Duy Ca (SV ĐH FPT).
Với ý tưởng “Tái chế rác thải sinh hoạt (có từ hộ gia đình) đã qua xử lý để sản xuất vật liệu xây dựng” này, nhóm đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Thắp sáng 2011” (do Viet Young Entrepreneurs kết hợp với Quỹ đầu tư công nghệ ĐH Stanford - Mỹ tổ chức), sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp trẻ quốc tế tại Mỹ và Singapore vào khoảng tháng 4.2012.
Theo Trúc My, cách thực hiện “gạch rác thải” khá đơn giản: Phân loại rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình sau khi đã thu gom. Sau đó thực hiện những quy trình như: đưa nguyên liệu là rác vô cơ cỡ khoảng 3 mm đến 3 cm vào máy ép, phối hợp cùng xi măng, cát, đá dăm, đồng thời có sự hỗ trợ của chất kết dính… để có thể biến rác thải trở thành những viên gạch dù không trải qua giai đoạn nung.
Trúc My cho biết thêm, “gạch rác thải” này sau khi ra đời sẽ là sản phẩm sinh thái, có 3 dạng là hình dích dắc, hình lục giác và ba cạnh.Gạch có trọng lượng nhẹ, độ chịu lực cao hơn tiêu chuẩn của nhà nước rất nhiều (70-125 dN/cm2, trong khi nhà nước chỉ yêu cầu 36dN/cm2). Màu sắc và kích thước có thể thay đổi tùy theo ý thích của người tiêu dùng và được bán với giá thành rẻ hơn những loại gạch đang có trên thị trường.
Hình dáng “gạch rác thải”
Quỳnh Như cho rằng khi dự án này trở thành hiện thực sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm rác thải và chi phí xử lý rác cho nhà nước; TP sẽ không phải chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường và bệnh tật từ rác; giảm ô nhiễm không khí (lượng C02 thải ra trong quá trình đốt rác hoặc quá trình làm gạch nung), ô nhiễm nguồn nước (tại các khu xử lý rác và bãi chôn cất rác), ô nhiễm đất; bảo vệ sức khỏe người dân khu vực xung quanh bãi rác cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân; có thể bảo vệ đất trồng cho người nông dân ở ngoại thành (do bãi chôn cất rác dần quá tải, nên đất canh tác của nông dân cũng bị biến thành nơi xử lý rác…). Ngoài ra, còn tận dụng được một lượng tài nguyên lớn, không gây lãng phí, có thể xây dựng các công trình xanh thân thiện với môi trường.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá, dự án này có tính khả thi cao, giảm thiểu ô nhiễm đồng thời có thể mang lại lợi nhuận cao. Mới đây nhất, theo kết quả thử nghiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì “gạch rác thải” này khi ngâm trong nước không ra màu, không mùi, nước ngâm gạch không có vị lạ, không có các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, giáo sư Tom Kosnik (đang công tác tại chương trình đầu tư công nghệ tại Đại học Stanford (STVP), là người sáng lập hoặc cố vấn cho nhiều dự án/công ty như: Microsoft Co., Hewlett Packard Co., Novellus), đánh giá cao dự án và sẽ hỗ trợ tư vấn cùng giới thiệu dự án với các nhà đầu tư nước ngoài.