Rửa tay thường xuyên
Tuy nhiên, hệ vi sinh này có ích và cần thiết cho sự sống của cơ thể. Hệ vi sinh góp phần vào sự tiêu hóa thức ăn, vào sự sản xuất một số vitamin trong ruột. Chúng là một màng chắn chống lại sự xâm nhập các mầm bệnh, góp phần phát triển các hệ miễn dịch.
Trong hệ vi sinh này, cũng có một lượng lớn vi sinh vật, ở một điều kiện nào đó, có thể gây các bệnh nhiễm cho người như bệnh nhiễm tiết niệu, bệnh đường ruột, bệnh bội nhiễm ở các vết thương, bệnh nhiễm khuẩn huyết.
Các vi khuẩn như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), E. coli, Enterococcus có mặt trong hệ vi sinh da hay ống tiêu hóa. Chúng cũng có khả năng gây bệnh, khi xâm nhập cơ thể ,qua các tổn thương.
Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm khuẩn. Nhưng những người suy giảm miễn dịch (bệnh nhân AIDS chẳng hạn) rất nhạy cảm, dễ dàng bị nhiễm hơn người khỏe mạnh. Khi một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, yếu tố gây bệnh có thể xuất phát từ cơ thể họ, hoặc từ môi trường, vi khuẩn đã được hít vào hay xâm nhập vào.
Bệnh nhân đến bệnh viện để khám bệnh hay nhập viện cũng có thể bị viêm nhiễm vi khuẩn của một bệnh nhân khác, hay từ tay của người chăm sóc, từ dụng cụ khám bệnh. Đó là những trường hợp nhiễm khuẩn chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện...
Tuy nhiên, các loại nhiễm khuẩn vừa kể rất dễ dàng loại trừ. Các nghiên cứu chứng minh rửa tay kỹ và thường xuyên có khả năng loại trừ các vi khuẩn và ức chế sự lây lan từ người này sang người khác.
Sự lây lan qua tay đã được xác định từ lâu, từ 1850 bởi một bác sĩ Hungari Sommelweis, trước các công trình của Pasteur. Hiện nay, con người đã có rất nhiều phương thức để chống nhiễm khuẩn và nhiều kháng sinh để điều trị. Nhưng yếu tố quan trọng chống nhiễm khuẩn và lây lan bệnh vẫn là rửa tay đúng quy cách, kỹ lưỡng và thường xuyên. Rửa tay rất dễ thực hiện và không tốn kém. Cần rửa tay khi về đến nhà, trước khi dùng cơm, trước khi ra khỏi nhà vệ sinh, sau khi chải tóc, trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân...
Hệ vi sinh vật ở bàn tay có 2 nguồn gốc:
- Hệ vi khuẩn cộng sinh, tồn tại ở lớp bề mặt da, ít gây bệnh cho người khỏe mạnh và chỉ gây bệnh trong trường hợp xâm lấn sâu ở bệnh nhân suy yếu miễn dịch (Staphylococcus epidermidis, Corynebacterium).
- Hệ vi khuẩn tạm thời, ở bề mặt, mới nhiễm, chỉ sống sót ở da một thời gian ngắn và có thể gây bệnh. Đó là những vi khuẩn đường ruột (Escherichia coli, Klebsiella pneumonia, Proteus mirabilis), vi khuẩn ở da hay ở niêm dịch (Staphylococcus aureus...) hay vi khuẩn nguồn gốc ngoại sinh (Pseudomonas, Acinetobacter...). Những vi khuẩn này lây nhiễm trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân. Chúng sống sót trong vài giờ và nhiều nghiên cứu đã chứng minh rửa tay sạch, đúng phương pháp có thể loại trừ các vi khuẩn và ngăn ngừa sự lây lan.