Quyền công đoàn của người lao động
Là chủ đề buổi tập huấn do Hội Thư viện Việt Nam phối hợp với Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thư viện Quốc gia tổ chức sáng ngày 12/6/2020. Tham dự buổi tập huấn có đại diện Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Qũy Châu Á tại Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, hội viên Hội Thư viện Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền về Quyền lao động và Công đoàn cho các hội nghề nghiệp và khoa học kỹ thuật” do Qũy châu Á tài trợ được khởi động từ tháng 8/2019. Hoạt động của dự án đã được Hội Thư viện Việt Nam triển khai tại cả 3 miền Bắc Trung Nam.
Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam phát biểu khai mạc
Tại buổi tập huấn, TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn đã giới thiệu một số chủ trương và những quyết định mới về quyền công đoàn của người lao động. Trước yêu cầu của quá trình hội nhập, đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại với nhiều đối tác khác nhau, gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thì cải cách thế chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Việt Nam khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động. Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây yêu cầu các quốc gia thành viên phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO nên cần sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi nội dung tập huấn
Thêm vào đó là những cơ hội tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, việc cải cách thể chế cũng xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam. Nền kinh tế của Việt Nam trong vị thế mới, đang có sức bật mới, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ cho phép chúng ta cộng hưởng để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Là một quốc gia thành viên của ILO, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế quy định trong các Công ước của ILO. Do đó, việc tiếp tục nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO vào pháp luật lao động Việt Nam là một yêu cầu cần thiết.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động. Theo đó, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019 với nhiều điểm mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế cho Bộ luật Lao động 2012.
Trong số những điểm mới của Bộ Luật Lao động 2019, đáng chú ý có việc quy định về việc đổi tên tổ chức “Công đoàn”thành “ Tổ chức đại diện của người lao động”và quy định chi tiết về việc thành lập, mô hình tổ chức, các hành vi phân biệt đối xử, quyền của thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động nhằm đảm bảo quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động giữa các tổ chức của người lao động. Bộ Luật cũng quy định vấn đề được coi là nhạy cảm trước đây đó là quyền đình công nhằm tránh việc phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng chống tổ chức đại diện của người lao động…
Với những quy định mới về tổ chức đại diện, người lao động có quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho họ làm quan hệ lao động sẽ phát triển, đối ngoại và thương lượng tập thể sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, cũng không ít các vấn đề sẽ đặt ra đối với người sử dụng lao động cũng như các tổ chức đại diện cho người lao động trong vấn đề thương lượng tập thể cũng như việc có quá nhiều tổ chức đại diện trong cùng một doanh nghiệp…
Tin, ảnh: Quỳnh Chi