QUỐC HIỆU VIỆT NAM và cuộc đấu tranh ngoại giao dưới triều Nguyễn
Về việc xin đổi quốc hiệu trong buổi đầu triều Nguyễn, nhiều bộ sử lúc bấy giờ đã ghi chép lại khá cụ thể, chi tiết. Theo Đại Nam thực lục chính biên: “Vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long cử đoàn sứ bộ do Trịnh Hoài Đức làm chánh sứ sang Trung Quốc. Đến tháng 11 năm ấy, lại cử Lê Quang Định cầm đầu sứ bộ sang nhà Thanh xin đặt quốc hiệu mới”(2). Hay trong phần Bang giao của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng đã phản ánh sự kiện này như sau: “Gia Long năm đầu,trong nước đều yên, đường bể đã yên ổn, phái Hộ bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức sung chức Chánh sứ, bộ Binh tham tri Ngô Nhân Tĩnh và bộ Hình tham tri Hoàng Ngọc Uẩn sung giáp ất phó sứ đem sách ấn của nước Thanh phong cho vua Tây Sơn khi trước và áp giải ba tên giặc biển mạo xưng Đông Hải Vương là Mạc Quan, Phù sang Quảng Đông giao cho viên tổng đốc tỉnh ấy để tâu xử trí. Lại sai riêng sứ bộ sang xin phong và xin lấy quốc hiệu là “Nam Việt” – Sứ bộ này gồm Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định sung Chánh sứ, lại sai Thiêm sự Lê Chính Lộ sang Giáp phó sứ. Đông các Đại học sĩ Nguyễn Gia Cát sung Ất phó sứ”(3).
Như vậy, mốc thời gian về việc các sứ bộ sang Trung Quốc xin phong vương và xin đặt quốc hiệu có thể diễn ra cùng một lúc (như Đại Nam hội điển sự lệ phản ánh) hoặc có thể không diễn ra cùng thời điểm (như Đại Nam thực lục chính biên phản ánh). Song, sự kiện vua Gia Long năm 1802 sai sứ sang Trung Quốc xin đặt quốc hiệu mới Nam Việt là có thật, được phản ánh trong nhiều sử sách của Trung Quốc sử quán đương thời.
Trong quốc thư mà Gia Long gửi cho vua Thanh(lúc đó là Gia Khánh) thông qua đoàn sư bộ do Lê Quang Định dẫn đầu, Gia Long đã nêu rõ lý do vì sao xin đổi quốc hiệu nước mình là Nam Việt. Quốc thư viết rằng: “Mấy đời trước, chúng tôi mở đất ở Viêm Giao ngày càng rộng gồm nước Việt Thường và Chân Lạp, đặt tên là Nam Việt, truyền nối đã hơn hai trăm năm nay. Nay tôi đã lấy lại cõi Nam,có cả đất Việt, nên lấy lại quốc hiệu cũ để được danh hiệu tốt” (4).Hơn thế nữa, khi lý giải tại sao Gia Long lại xin quốc hiệu từ Đại Việt – một quốc hiệu vốn tồn tại lâu đời ở nước ta, sang quốc hiệu Nam Việt, có không ít nhà nghiên cứu cho rằng: “Có lẽ Gia Long sợ Trung Quốc không bằng lòng vì Trung Quốc xưng Đại Thanh, Việt Nam là Đại Việt, hai nước cùng Đại – ngang hàng nhau!”(5). Vậy lý do thực tế của hành động này là gì? Phải chăng rằng việc xin đổi quốc hiệu này của vua Gia Long hàm ẩn cả 2 mục đích nêu trên, tức là vừa “lấy lại quốc hiệu cũ để được danh hiệu tốt”.