Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa
1. Triệu chứng:
- Trên lá: Bệnh gây hại chủ yếu giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi (mắt én) đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng. Trên các giống nhiễm đốm bệnh rất to, ngược lại giống kháng thì vết bệnh chỉ cở bằng đầu kim. Bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô.
- Trên cổ lá, thân và cổ bông: triệu chứng ban đầu cũng có màu xám xanh sau chuyển sang nâu, do nấm tấn công vào mạch dẫn gây cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi lá, thân và hạt làm cho lá, thân dễ gãy, hạt bị lép, lửng
- Trên hạt: bệnh xảy ra vào giai đoạn trổ, vết bệnh trên hạt cũng có dạng mắt én, viền nâu, tâm xám trắng, nếu bệnh tấn công sớm sẽ làm hạt bị lép, lửng.
* Nguyên nhân: Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bào tử nấm rất nhỏ, có thể bay cao và bay xa nên bệnh rất dễ lây lan nhanh trên diện rộng, có thể phát tán và bay cao đến 24 m, thậm chí đến 10.000 m để lây lan cho các ruộng lân cận trong khu vực. Nấm phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp, ẩm độ cao trên 80%, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao sẽ dễ phát sinh thành dịch. Bào tử nấm nảy mầm khi gặp lớp nước tự do trên lá hay không khí bão hòa nước ở 24 0C cần 6 giờ, ở 28 0C mất 8 giờ; vượt quá 28 0C bào tử phát triển kém. Bào tử xâm nhập vào tế bào lá bằng cách mọc thành đĩa áp, chọc thủng vách tế bào lá lúa.
Ngoài ra, bào tử còn tiết ra độc tố pyricularin gây độc cho cây. Cây lúa là ký chủ chính, bệnh có thể lưu tồn trên các cây ký chủ phụ mọc quanh ruộng như các loài cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chỉ, lúa ma, lúa chét. Nấm bệnh đạo ôn cũng tấn công khoảng 50 loại thực vật thân cỏ khác trong đó có lúa mỳ, lúa mạch và kê.
Nên tiêu diệt cỏ lồng vực, một trong những ký chủ phụ của nấm Pyricularia oryzae
2. Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng: Cần phải cày vùi rơm rạ sau thu hoạch, thu gom - tiêu diệt lúa chét, cỏ dại mọc ven bờ để tránh mầm bệnh lưu tồn và lây lan cho những vụ sau.
- Nên sử dụng giống kháng. Nên chọn hạt giống sạch bệnh, loại bỏ hạt cỏ, hạt lửng lép, xử lý hạt giống trước khi gieo bằng một trong các loại thuốc Workup9SL, ViramPlus 500SC,…
- Sạ với mật độ vừa phải: không nên sạ với mật độ quá dày, lượng giống cần sử dụng là 100 - 120 kg/ha..
- Bón phân cân đối giữa các loại phân đạm, lân và kali. Không nên bón thừa phân đạm, lượng đạm từ 80 - 100kg N/ha là đủ. Khi thấy có vết bệnh xuất hiện thì ngưng bón phân đạm. Nên bón phân đạm theo theo nhu cầu cây lúa.
- Giữ mực nước đầy đủ thường xuyên trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước theo từng giai đọan của cây lúa, tránh để ruộng khô nước khi ruộng bị bệnh đạo ôn xuất hiện.
- Cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc có hiệu quả cao với bệnh:
+ Nhóm thuốc phòng bệnh là chính, trị được bệnh mới phát sinh (cấp 1 - 2) gồm các loại: Beam 75 WP; Trizole 20WP; Blascide 20WP,... tác dụng nội hấp phòng bệnh rất tốt, hiệu lực dài 10 - 15 ngày sau phun thuốc.
+ Nhóm thuốc trị bệnh là chính: Kitazin 40EC; Kitazin-P 30EC; IBP 50EC, Newhinosan 30EC; Kasurabcide 3%, Kasai 2%,… chủ yếu là trị đạo ôn khi bệnh xuất hiện.
+ Nhóm thuốc vừa phòng, vừa trị tốt bệnh đạo ôn: Fuji-one 40EC; Fujiolan 50EC... hoặc các loại thuốc hỗn hợp 2 hoặc 3 nhóm trên có tên thương phẩm: Bump 650WP; Kabim 30EC; FILIA-525EC,... tác dụng nội hấp, tiếp xúc, có tác dụng vừa phòng, vừa trị rất tốt bệnh đạo ôn hại lúa, hiệu lực kéo dài 10 - 20 ngày sau khi phun thuốc.
Lưu ý: Nên phun thuốc vào những buổi chiều mát, khô ráo. Khi ruộng lúa bị bệnh nặng và ruộng lúa rậm rạp, cần tăng thêm số lượng thuốc trên đơn vị diện tích.