Phát triển công nghệ năng lượng mặt trời: Cần phù hợp với điều kiện Việt Nam
Thị trường tăng trưởng
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn về NLMT, ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam của đất nước. Đây chính là những khu vực có số giờ nắng nhiều và cường độ bức xạ mặt trời cao.
Vì vậy, chủ trương của Chính phủ phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 8% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Để cụ thể hóa mục tiêu này, các địa phương, trong đó có TPHCM tích cực phối hợp với các doanh nghiệp nhằm trợ giá người dùng lên đến 1 triệu đồng mỗi máy.
Nhờ vậy, mấy năm gần đây thị trường máy nước nóng, năng lượng mặt trời tăng trưởng nhanh với nhiều nhà cung cấp. Số liệu Bộ Công thương cho biết trong năm 2011, cả nước có trên 30 công trình lắp đặt quy mô công nghiệp với khoảng 42.000 máy mỗi năm được bán ra thị trường, tăng trưởng bình quân 20%/năm. Riêng tại TPHCM mỗi năm có khoảng 30.000 - 40.000 máy được lắp đặt, cứ 2 ngôi nhà xây mới thì có 1 nhà lắp đặt máy NLMT.
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa, năm 2009, Công ty CP Năng lượng Mặt Trời Đỏ là nhà máy sản xuất pin mặt trời đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành và đi vào sản xuất với sự đầu tư của Công ty Tân Kỷ Nguyên và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM.
Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng 90 công ty chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm NLMT, trong đó tập trung vào máy nước nóng. Một số mẫu mã sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…
Ưu tiên công nghệ mới
Tuy số lượng máy bán ra tăng nhanh, ý thức người dân về tận dụng nguồn năng lượng tái tạo được cải thiện, tuy nhiên thị trường NLMT tại Việt Nam vẫn để lại nhiều nỗi lo. Dễ dàng nhận thấy các mẫu mã sản phẩm của Việt Nam sản xuất còn đơn giản, quy mô sản xuất công nghiệp cũng chưa có nhiều, dẫn đến khó cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiện đa phần các doanh nghiệp sản xuất máy NLMT trong nước mới dừng lại ở khâu lắp ráp. Đơn cử như công nghệ ống chân không (vốn chiếm đến 70% tổng sản phẩm trên thị trường) hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc, còn tấm phẳng NLMT cũng phải nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan, Malaysia…
Thêm đó, hàng loạt các dự án sản xuất tấm pin NLMT tại Việt Nam đang gặp khó khăn, phải triển khai cầm chừng hoặc dừng hẳn dự án. Tháng 4-2011, tức 8 tháng sau khi chính thức khởi công, tập đoàn Mỹ First Solar phải công bố dừng triển khai dự án đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD tại Khu công nghiệp Đông Nam TPHCM.
Tiếp đó, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) cũng thừa nhận dự án sản xuất pin mặt trời của Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (có vốn đầu tư 390 triệu USD) phải xin giãn tiến độ triển khai do khó khăn liên quan đến thị trường và công nghiệp sản xuất. Mới đây nhất, dự án 300 triệu USD do Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech triển khai tại Thừa Thiên - Huế cũng chính thức khai tử.
Chính vì thế tại hội thảo về NLMT mới đây do Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM tổ chức, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM khẳng định, với những công nghệ NLMT mà Việt Nam chưa sản xuất được, giải pháp kết nối chuyển giao là cần thiết, trên cơ sở có chọn lọc. Đó phải là công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, không phân biệt công nghệ của Trung Quốc, Mỹ hay các nước châu Âu.