Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường
Thông qua các hoạt động này, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác BVMT, cũng như từng bước đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng sẽ đe dọa trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai của đất nước. Nhận thức được vấn đề đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách liên quan trong nhiều lĩnh vực đối với công tác BVMT ở nước ta. Để các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực BVMT đi vào cuộc sống, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... hết sức quan trọng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác BVMT ở nước ta thời gian qua.
Nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác BVMT, MTTQ VN đã triển khai Chương trình "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường". Kết quả cho thấy, hiện nay ở các địa phương hầu hết các khu dân cư đã có hố rác để thu gom vào nơi quy định trước khi đưa đi xử lý. Nhân dân thành lập các tổ thu gom rác và phong trào làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm đã và đang đi vào nền nếp. Người dân ở nhiều địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác BVMT bằng sử dụng phương pháp bảo vệ thực vật một cách khoa học, làm thay đổi thói quen bảo quản, phun thuốc, lưu giữ vỏ chứa thuốc trừ sâu bừa bãi như trước. Việc phát triển kinh tế gắn với BVMT đã và đang được các chủ doanh nghiệp, các nhà chăn nuôi ở khu dân cư quan tâm hơn. Các hộ gia đình đã và đang từng bước chuyển đổi hành vi trong sản xuất nông nghiệp, trong canh tác hoa màu bằng cách sử dụng phân bón an toàn và thân thiện với môi trường...
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp các công đoàn ngành, công đoàn địa phương tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động và BVMT. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong cả nước đã thành lập được gần tám nghìn đội "Tình nguyện viên xanh", tổ chức hàng vạn hội thi về môi trường; xây dựng được hơn 2.500 nhà tiêu hợp vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi kết hợp với hầm khí bi-ô-ga, gần một nghìn tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên BVMT...
Hội Nông dân Việt Nam triển khai các mô hình điểm thu gom, xử lý chất thải, rác thải như: "Hầm khí sinh học liên hoàn", "Hầm khí bi-ô-ga và bể chứa rác", "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn", "Xử lý chất thải làng nghề", "Nhà tiêu hợp vệ sinh và hố rác tự phân hủy"... Hiện đã có hàng vạn hầm khí bi-ô-ga, hàng triệu nhà tiêu hợp vệ sinh và các công trình cấp nước sạch, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh được xây dựng trên cả nước thông qua các phong trào này... Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng được các mô hình BVMT như "Quỹ quay vòng vốn vệ sinh", với số vốn 130 tỷ đồng; mô hình "Bếp cải tiến năng lượng BVMT", với hơn 30 nghìn hộ gia đình sử dụng bếp cải tiến, tập trung ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng...
Tuy nhiên, tại một số địa phương có hiện tượng cơ quan quản lý môi trường chỉ thực hiện những việc gì thuận lợi, còn việc khó khăn thì bỏ qua hoặc đùn đẩy cho các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, cũng như một số phong trào, cuộc vận động chỉ làm rầm rộ trong thời gian đầu, thời gian sau có chiều hướng nhạt dần.
Ngoài ra, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người dân, các doanh nghiệp trong quá trình xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn kinh phí đầu tư trong lĩnh vực BVMT tại địa phương. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như khắc phục một số hạn chế trong công tác BVMT thời gian qua các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật và các biện pháp BVMT; nâng cao năng lực hoạt động vì môi trường cho các tổ chức quần chúng để họ tham gia hỗ trợ các hoạt động của địa phương trong việc thực hiện xã hội hóa công tác BVMT. Cung cấp thông tin cho nhân dân về những vấn đề cần thiết của môi trường, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các địa phương... Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần phải thiết thực, không phải chỉ hô hào chung chung, mà phải kết hợp tuyên truyền, giáo dục với chương trình hành động để đem lại lợi ích cụ thể, từ đó mới nâng cao được tính tự nguyện của nhân dân.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn lực kỹ thuật, hệ thống luật pháp, quy định rõ trách nhiệm hơn nữa giữa chính quyền địa phương với cộng đồng, nhất là sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng. Đồng thời, có sự kết hợp, phân công trách nhiệm trong công tác BVMT để cùng thực hiện mục tiêu chung, tránh sự chồng chéo.
Tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách như sử dụng lao động, cơ chế tài chính, cơ chế giao thầu cho tổ chức, tư nhân tham gia thực hiện cung ứng các dịch vụ BVMT; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào, các mô hình đã được triển khai để rút kinh nghiệm và điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương...