Phát huy tiềm năng sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Cùng với việc việc đẩy mạnh sự phát triển các ngành, các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống, thì việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của quần chúng nhân dân trong lao động sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như ở mỗi địa phương.
Với tinh thần này, để khai thác tiềm năng sáng tạo to lớn của nhân dân, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, ngày 14/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 165/QĐ-TTg về tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; Công văn số 6131/VPCP-KG ngày 11/12/2003 về tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Đến nay Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi), Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng (Cuộc thi) toàn quốc đã được tổ chức 16 lần với hàng ngàn công trình, đề tài, giải pháp được trao giải thưởng của quốc gia. Những công trình này phần lớn đã được ứng dụng vào sản xuất, đời sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Từ năm 2000, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thi Cuộc thi tạo nên phong trào thi đua lao động trong quần chúng nhân dân, là hoạt động thường niên được các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp tham gia tích cực. Đến nay Hà Tĩnh đã 11 lần tổ chức Hội thi và Cuộc thi với hàng trăm đề tài, giải pháp của các cá nhân, đơn vị, trong đó Ban Tổ chức tỉnh đã trao chứng nhận cho 215 công trình đối với Hội thi, 283 công trình đối với Cuộc thi. Nhiều công trình, giải pháp đã được ứng dụng thành công vào sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực y tế, an ninh quốc phòng, giáo dục, kỹ thuật .... trong số đó nhiều đề tài không chỉ được ứng dụng thành công về mặt khoa học mà còn mang lại ý nghĩa về xã hội. Tiêu biểu như đề tài “Áp dụng kỹ thuật đo áp lực nội sọ qua Catheter não thất ở bệnh nhân xuất huyết não tiên phát” của bác sĩ Hoàng Quang Trung và cộng sự, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Đề tài đã đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và được ứng dụng thành công tại bệnh viện Hà Tĩnh. Với kỹ thuật này qua gần 3 năm triển khai nghiên cứu nhóm bác sĩ đã giúp chẩn đoán chính xác cho các bệnh nhân xuất huyết não tránh ảnh hưởng làm phù não và thoát vị não đem lại nhiều cơ hội sống sót cho bệnh nhân lên đến 40%. Bên cạnh đó nhiều công trình như “Máy đóng gạch không nung” của tác giả Trần Văn Lộc được sản xuất chuyển giao sang nước bạn Lào, công trình “Máy cắt viền ba cạnh” của nhóm tác giả là cán bộ, công nhân tại Công ty Môi trường đô thị Hà Tĩnh, giải pháp "Rút ngắn thời gian chế biến, nâng cấp chất lượng nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời" của kỹ sư Lê Văn Danh được khẳng định và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Gần đây nhất công trình đạt giải Ba toàn quốc "Giải pháp ứng dụng kỹ thuật siêu âm chẩn đoán gãy xương sườn và sụn sườn trong chấn thương ngực kín” Bác sỹ Bùi Huy Thương (Khoa Chấn đoán hình ảnh cận lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh) đã được áp dụng rộng rãi trong Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cũng như các bệnh viện khác. Kỹ thuật này giúp bác sỹ phát hiện đến 90% tổn thương xương sườn, sụn sườn mà kỹ thuật X – quang còn bỏ sót, tiết kiệm không xâm lấn, chẩn đoán được các gãy xương nông ở gần mặt da, gãy một thành xương, sử dụng được cho phụ nữ mang thai.
Nếu Hội thi mang tính ứng dụng cao, các đề tài giải pháp được đánh giá cao nhất ở tính hiệu quả thì Cuộc thi đã khơi gợi các ý tưởng, ươm mầm sáng tạo cho các em, giúp các em tiếp cận với sân chơi khoa học. Với truyền thống hiếu học, tuổi trẻ Hà Tĩnh đã tham gia Cuộc thi với tinh thần nhiệt huyết cao nhất và đã có nhiều công trình đật giải, được đánh giá cao tại cuộc thi cấp tỉnh, toàn quốc. Đặc biệt tại Cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế Hà Tĩnh đã có 4 lần được tham dự tại các nước như Đài Loan, Malaixia, Singgapo trong đó có 7 công trình đạt huy chương vàng, huy chương Bạc mang về thành tích chung cho đoàn Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Gần đây nhất nhiều công trình đạt giải được đầu tư công phu, hàm lượng khoa học cao được ghi nhận như “Chân rô bốt cho người khuyết tật” của em Nguyễn Nhật Lâm, “Giải pháp hỗ trợ giám sát và quản lý máy tính” của em Nguyễn Anh Nhân và cộng sự, “Ván dậm nhảy tự báo lỗi” của nhóm tác giả Phan Thảo Vy, “Găng tay hỗ trợ giao tiếp cho người câm điếc” của nhóm tác giả Lương Đình Quỳnh, “Hệ thống chăm sóc cây trồng thông minh 5 trong 1” của nhóm Hoàng Quỳnh Phương ...
Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tạo dành cho TTN-NĐ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 11 năm 2020
Hội thi Cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, ý tưởng của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có kỹ sư, cán bộ công chức, người nông dân, có các em học sinh tạo nên sân chơi đầy sức hút. Qua hơn 10 năm tổ chức, Hội thi, Cuộc thi đã khơi dậy ý thức sáng tạo, phong trào thi đua lao động sáng tạo trong quần chúng nhân dân, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, không chỉ là những người làm công tác khoa học, cán bộ, công chức, viên chức mà có sự tham gia khá đông đảo những người lao động thuộc các thành phần kinh tế. Đặc biệt nhiều công nhân, nông dân, người lao động đã tham gia hội thi với nhiều giải pháp hữu ích xuất phát từ cuộc sống hàng ngày. Tiêu biểu như giải pháp " Máy tách hạt ngô" của bác nông dân Cao Đình Hợi, Xóm 4, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn đã ứng dụng vào tách bóc hạt ngô có hiệu quả, giúp cho việc tách bóc hạt ngô được dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng, năng suất gấp 10 lần so với tách hạt ngô bằng tay. Giải pháp " Máy gieo lúa, gặt lúa tự tạo" của bác Trương Minh Hải, quê xã Thạch Môn, cư trú tại phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Giải pháp: " Cánh tay hàn cơ động" của anh Trần Hữu Lượng giúp người thợ hàn có thể thực hiện mọi nốt hàn ở các vị trí, các phương khác nhau... “Mãng cao su, mái ta luy tiêu năng chống sạt lở bờ biển” của bác Lê Đắc Thanh, một người cao tuổi tại thành phố Hà Tĩnh.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên 1000 đề tài, giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm đăng ký, xét duyệt, dự thi. Hầu hết các đề tài, giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, có khả năng ứng dụng. Qua tổ chức Hội thi, Cuộc thi càng thấy rõ tiềm năng sáng tạo vô tận của quần chúng nhân dân, nếu được khơi dậy, phát huy cao độ sẽ là nguồn lực trí tuệ vô giá cho tiến trình CNH, HĐH, phát triển nền kinh tế của đất nước.
Thông qua việc tổ chức Hội thi, Cuộc thi hàng năm đã khích lệ, khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo của quần chúng trên bề rộng, đi vào chiều sâu, hướng tới những vấn đề đặt ra trong lao động sản xuất và cuộc sống, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, lao động sản xuất là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, có tầm chiến lược lâu dài.
Tuy nhiên bên cạnh đó việc tổ chức Hội thi Cuộc thi vẫn còn một số hạn chế như một số cấp ủy chính quyền chưa nhận thức đúng vai trò ý nghĩa cuộc thi, chất lượng các đề tài các lĩnh vực chưa đồng đều, chính sách, việc ứng dụng, hỗ trợ tác giả triển khai giải pháp còn hạn chế. Đặc biệt công tác tuyên truyền hội thi chưa thực sự sâu rộng, lan tỏa, một số địa phương đơn vị thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có tình trạng hình thức, việc phối hợp liên ngành hiệu quả chưa cao...
Sáng tạo là động lực phát triển, hoạt động sáng tạo là hoạt động trí tuệ, khoa học của mỗi người, là vấn đề cốt lõi trong phát triển nền kinh tế tri thức. Để khơi dây, nhân lên sự sáng tạo vô tận của quần chúng nhân dân ngoài việc nhận thức đúng cần phải có những cách làm năng động, đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp tạo ra môi trường, sân chơi lành mạnh. Để Hội thi, Cuộc thi thực sự là phòng trào thi đua lao động sáng tạo còn nhiều vấn đề phải tiếp tục quan tâm để từ đó giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn lao động sản xuất đặt ra, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của quê hương, đất nước.
Thái Sơn (LHH Hà Tĩnh)