Phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, và “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”. Trong nhiều đại hội, đặc biệt Đại hội IX và XI của Đảng đã khẳng định: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và cần “có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, mở mang các hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước... Chú trọng sử dụng và phát huy tiềm năng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài”.
Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, “việc củng cố và thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng NVNONN, đặc biệt là lực lượng doanh nhân, trí thức kiều bào đối với đất nước là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đây là chủ trương đúng đắn bởi tiềm lực kinh tế, tri thức trong giới doanh nhân, trí thức kiều bào còn rất lớn”.
Từ năm 2005 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề dành riêng cho kiều bào với nhiều chủ đề thiết thực đối với công cuộc phát triển đất nước như: các vấn đề kinh tế – xã hội, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao, phát triển giáo dục đào tạo cũng như những ý kiến đóng góp cho các sự kiện quan trọng của đất nước... Đặc biệt, đã có nhiều hội thảo, hội nghị thu hút hàng trăm trí thức, nhà khoa học kiều bào tham gia như: Hội thảo “Chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng quê hương” (8/2005), Hội thảo “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin nước nhà” (8/2005), Hội nghị chuyên đề “Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước” và “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa – Từ tiềm năng đến hiện thực” trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất và thứ hai năm 2009 và 2012...
Ngoài ra, còn có nhiều hội thảo do các chuyên gia, trí thức NVNONN tổ chức như Hội thảo “Tiếp tục đổi mới kinh tế và xã hội để phát triển” (7/2005) với sự tham gia của nhiều chuyên gia, trí thức NVNONN (do Thủ tướng và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tổ chức), sau này là hội thảo hè được tổ chức ở nước ngoài; tổ chức Rencontre Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) do GS.TS. Trần Thanh Vân, trí thức kiều bào ở Pháp khởi xướng, từ 1993 đến nay đã tổ chức được 5 cuộc trao đổi, hội thảo khoa học tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và Việt Nam... Các cuộc hội thảo đã thể hiện sự cởi mở, tạo cơ hội liên kết trí thức kiều bào với trong nước, thiết lập các mối quan hệ, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, khả năng đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước. Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu trong hội nghị, hội thảo mang tính xây dựng và thực tiễn cao.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các cơ quan trong nước cũng đã bổ nhiệm một số ít trí thức kiều bào làm Viện trưởng, Trưởng Khoa trong một số viện nghiên cứu ứng dụng, trường đại học như: GS. Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Toán cấp cao, GS. Trương Nguyện Thành làm Giám độc Trung tâm tính toán thành phố Hồ Chí Minh....
Một số kiều bào được các địa phương hỗ trợ đứng ra lập các trung tâm, công ty kết hợp nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
Nhiều trí thức, nhà khoa học kiều bào trở về quê hương được mời tham gia vào một số hoạt động trong nước, giảng dạy đại học, tham gia câu lạc bộ khoa học, tham gia đóng góp ý kiến cho các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: “Bộ Khoa học Công nghệ đã hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020 (tại Quyết định số 735/2011/QĐ-TTg, ngày 18/5/2011) với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế trên một số lĩnh vực trọng điểm. Bộ Khoa học Công nghệ đang tích cực triển khai dự án này. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là thu hút chuyên gia NVNONN tham gia các hoạt động khoa học công nghệ. Tháng 10/2013, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã được Chính phủ giao thực hiện dự án “Đẩy mạnh đối mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Một hợp phần quan trọng trong dự án này là thí điểm tài trợ cho dự án hợp tác giữa các nhà khoa học NVNONN với đồng nghiệp trong nước tổ chức khóa đào tạo về những chuyên môn khoa học tiên tiến trên thế giới, cùng thực hiện các dự án nghiên cứu đối với vấn đề trong nước đang gặp thách thức hoặc xúc tiến các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao ở Việt Nam...”
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức NVNONN về nước hợp tác khoa học, kỹ thuật… đóng góp cho quê hương. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, số lượng trí thức NVNONN nói riêng và cộng đồng NVNONN nói chung trở về nước hoạt động ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự gắn kết giữa lực lượng này với trong nước cũng như việc thu hút nguồn lực trí thức NVNONN đóng góp cho đất nước còn chưa được phát huy tối đa.
Hiện nay, chúng ta đang thiếu một cơ sở dữ liệu mở có khả năng liên kết mạng lưới cộng đồng trí thức người Việt Nam trên thế giới, vừa cập nhật hồ sơ của các cá nhân và chia sẻ thông tin, vừa trở thành diễn đàn tăng cường kết nối trí thức người Việt ở trong cũng như ngoài nước. Đây không chỉ là một cơ sở dữ liệu mà còn là một mạng lưới có sự điều phối cũng như có các hoạt động để tăng cường hiệu quả liên kết của các thành viên. Điều này đặc biệt cần thiết vì hiện nay trong nước đang rất cần kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia giỏi để hợp tác phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao mà chúng ta đang ưu tiên như: công nghệ điện hạt nhân, vũ trụ, tự động hóa,...
Thêm vào đó, các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu đều có nhu cầu thu hút chuyên gia trí thức kiều bào về hợp tác, làm việc nhưng chưa có các chương trình dự án khả thi; vai trò của trí thức mới được đề cập chung chung trên nhiều văn bản giấy tờ, kết quả của các cuộc hội nghị, hội thảo mà không được triển khai trong thực tế hoặc các kiến nghị của kiều bào không được giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương chưa xác định được nhu cầu sử dụng cũng như thiếu thông tin về chuyên gia trí thức NVNONN nên rất khó khăn trong việc tham khảo và sử dụng...
Mặt khác, một thực tế có thể thấy rõ là việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học còn ít hiệu quả, việc trọng dụng và trả lương cho người nghiên cứu chưa thực sự xứng đáng,... cũng là những trở ngại, là điểm không hấp dẫn đối với các chuyên gia, trí thức NVNONN.
Trong hoạt động khoa học, sự khác biệt về tư duy và phong cách làm việc,... cũng là rào cản đáng kể đối với các chương trình hợp tác làm việc chung. Vai trò của người trí thức Việt kiều ở các trường đại học, viện nghiên cứu chưa được đề cao. Ngoài ra, tình trạng thiếu thốn các điều kiện nghiên cứu như phòng thí nghiệm, mối liên hệ quốc tế, ê-kíp làm việc mạnh... cũng được xem là những khó khăn không nhỏ.
Bên cạnh đó, vướng mắc trong kinh phí xét – cấp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung và thiếu các chế độ đãi ngộ cụ thể đối với chuyên gia trí thức kiều bào đã và đang là cản trở lớn đối với việc huy động chuyên gia trí thức NVNONN về nước làm việc.
Tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả. Vì vậy, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh, cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được một cơ chế “đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút hơn những nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào. Cần xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy định sàng lọc để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng NVNONN cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho họ.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần dành ngân sách ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, đầu tư đúng mức cho giáo dục đào tạo, tập trung phát triển nhân lực trình độ cao.
Cần có những biện pháp để những chính sách đã được ban hành được thực thi có hiệu quả: tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào mua nhà ở, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với kiều bào, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng trí thức kiều bào vào các vị trí quản lý tại các cơ quan trong nước./.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, “đất nước Việt Nam ta còn nhiều khó khăn, chúng ta chưa thể có tiềm lực chi trả cho những công sức về mặt chất xám của những người trí thức Việt Nam ở nước ngoài giống như những nước khác đã chi trả cho họ. Những trí thức NVNONN cũng không yêu cầu chúng ta phải bảo đảm đúng như thế, nhưng nếu chúng ta có những cơ chế, những quan tâm đến đội ngũ trí thức NVNONN thì sẽ động viên họ đáng kể và họ sẽ hỗ trợ cho chúng ta. (...) Những sự hỗ trợ có thể rất nhỏ nhưng cũng giúp động viên rất lớn cho đội ngũ trí thức của chúng ta ở nước ngoài về nước làm việc và cống hiến. Chúng tôi mong rằng các bộ, ngành cùng đồng lòng phối hợp hành động”.
Không thể phủ nhận rằng sự đóng góp của trí thức kiều bào đối với đất nước nhìn chung còn hạn chế so với tiềm năng của họ và so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để thu hút nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương trong nước cần tiếp tục hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách cũng như những tình cảm, thiện chí và nỗ lực từ phía đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài./.