PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Xanh hóa nền kinh tế hướng đi tất yếu
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, để thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần sớm loại bỏ các dự án có mức phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, mặc dù quy mô nền kinh tế không lớn, nhưng lại là quốc gia có khối lượng rác thải rất lớn. Mỗi năm, có tới 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Bên cạnh đó, theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam đứng trong tốp 10 các nước bị ô nhiễm không khí ở châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.
Vì vậy, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với các quốc gia nói chung, với Việt Nam nói riêng là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Để làm rõ thêm về vai trò cũng ý nghĩa nền kinh tế tuần hoàn đối với mục bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất, cũng như tầm quan trọng của vấn đề này đến sự phát triển bền vững của đất nước, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Kinh tế môi trường nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn
Phóng viên: Thưa ông, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy, vấn đề này được bắt nguồn từ đâu và nó có vai trò như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tại Việt Nam?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Nói đến kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải bắt đầu từ kinh tế môi trường. Vào giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX, việc phát triển kinh tế mà chủ yếu là kinh tế nâu, chỉ dựa vào khai thác tài nguyên đã để lại rất nhiều hệ lụy. Con người chỉ chú ý vào phát triển kinh tế thuần túy, sử dụng một cách tràn lan khiến tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng.
Trước những thách thức như vậy, thế giới đã đặt ra vấn đề, làm sao để vừa phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, khái niệm kinh tế môi trường đã được đặt ra và trở thành một ngành khoa học, một lĩnh vực hoạt động thực tiễn, chuyển từ kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Kinh tế môi trường cũng từ đó mà dần hiện hữu và trở thành thực thể của nền kinh tế thế giới.
Nằm trong bối cảnh chung của thế giới, vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thể hiện rõ qua các văn kiện của Đảng, các chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ. Đảng và Nhà nước ta cũng yêu cầu đưa kinh tế môi trường vào các văn bản quy phạm pháp luật. Và ngay cả Hội Kinh tế Môi trường cũng được thành lập trên cơ sở đó. Đưa ra những dẫn chứng như vậy để chúng ta thấy rằng, kinh tế môi trường đã được hình thành và được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu và đây cũng là tiền đề để phát triển nền kinh tế tuần hoàn sau này.
Và khi chúng ta nhắc đến kinh tế môi trường, kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn thì bản chất chung của nó vẫn là phát triển bền vững. Với mục tiêu chung là giữ gìn môi trường, bảo vệ Trái đất không chỉ trong mỗi giai đoạn phát triển này mà còn cho các thế hệ mai sau.
Vấn đề luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu
Phóng viên: Để phát triển kinh tế tuần hoàn Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Vậy, ông có đánh giá như thế nào về mục tiêu và tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Tôi đánh giá đây là một mục tiêu hoàn toàn đúng đắn và là tiền đề để Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa nền kinh tế tuần hoàn. Qua đây cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Từ những quyết tâm đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Vấn đề kinh tế tuần hoàn cũng được luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Trong Luật cũng đã nêu định nghĩa đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, các điều khoản của Luật cũng đã quy định rõ ràng về vấn đề này. Các quy định trong Luật cũng đã được Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành và địa phương trên cả nước cùng triển khai thực hiện. Trong Luật cũng đã nêu rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Luật và Nghị định cũng là điều kiện rất cần thiết để thực thi rõ ràng các mục tiêu, kế hoạch hàng năm, 5 năm và về lâu dài. Luật cũng là văn bản pháp luật cao nhất chỉ sau Hiến pháp.
Vì vậy, tôi đánh giá rất cao nỗ lực, đặt vấn đề kinh tế tuần hoàn đúng đắn, đúng tầm của Nhà nước.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Sớm hay muộn không quan trọng, mà quan trọng là phải đi đúng hướng
Phóng viên: Như ông đã cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn được quy định cụ thể lần đầu tiên tại Việt Nam trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Trong khi đó, vấn đề này đã được nhiều nước trên thế giới phát triển từ lâu. Vậy, Việt Nam liệu có đang đi chậm so với các quốc gia khác? Việc áp dụng chính sách kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra những thay đổi gì cho Việt Nam? PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Như tôi đã nói, dù Việt Nam mới đưa khái niệm kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhưng vấn đề này đã có trong các văn bản của Đảng (văn kiện Đại hội) và các chỉ đạo của Chính phủ từ rất lâu rồi.
Cụ thể, ở khái niệm kinh tế môi trường cũng đã có dáng dấp của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và ngay cả trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị cũng đã đưa ra mục tiêu phát triển của công nghiệp môi trường đặt rõ việc bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Đây cũng là dấu mốc quan trọng đặt ra đúng lúc, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hiện nay, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đã được thành lập vào năm 2011. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Hiệp hội và các đơn vị của Bộ, ngành, Trung ương và địa phương cùng thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Nói thế để chúng ta hiểu rằng, không nhất thiết là khi có khái niệm kinh tế tuần hoàn rõ ràng thì vấn đề này mới được thực hiện mà đã được manh nha từ trước đó.
Và khi kinh tế tuần hoàn được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là thời điểm đảm bảo đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Tôi không đánh giá ở góc độ sớm hay muộn, mà theo tôi đây là giai đoạn chín muồi nhất. Bởi, hiện nay, cơ sở thực hiện đã có, nội hàm của kinh tế tuần hoàn đã hình thành và hoàn thiện.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn đang loay hoay để hiểu được vấn đề kinh tế tuần hoàn là gì. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải làm như thế nào để khái niệm kinh tế tuần hoàn đi sâu vào mỗi danh nghiệp, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nâng cao hiểu biết của mỗi người dân để việc thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất.
Phóng viên: Vậy ông có thể cho biết vai trò của việc phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến Net Zero như cam kết của Việt Nam tại COP26?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Chúng ta cũng là nước tiên phong trong cam kết này. Qua đây, cũng đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm lớn của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và cũng là mục tiêu mà chúng ta hướng đến.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cũng cần sớm loại bỏ các dự án có mức phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nếu đạt được mục tiêu này, sẽ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với thế giới, tăng vị thế của chúng ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này chúng ta không đơn độc một mình mà song hành cùng nhiều quốc gia. Chúng ta cần duy trì, cố gắng nỗ lực, tập hợp lực lượng các quốc gia cùng hành động.
Hiện nay, Trái đất đang chịu ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu bởi việc phát triển kinh tế chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường đúng mức. Không thể không làm tốt lên, càng nhanh, càng nhiều càng tốt để không chỉ gìn giữ cuộc sống của chúng ta mà cho các thế hệ mai sau.
Đi sâu hơn nữa là vấn đề kinh tế tuần hoàn, chúng ta không thể làm một cách đơn độc, không chỉ tập trung ở một thời điểm mà phải kiên trì. Dù mục tiêu để ra là đến 2050 nhưng chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ, phải quyết liệt và kiên trì, thường xuyên, liên tục, không chỉ đi một mình mà phải đi cùng toàn nhân loại.
Nhưng khó khăn hiện nay là việc thực hiện nó rất cam go. Qua COP27 chúng ta cũng thấy rõ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Như tại COP26 cam kết mỗi năm sẽ có 100 tỷ USD từ các nước phát triển nhưng đến COP27 vẫn chưa thu được gì. Ở đây không chỉ là tài lực, mà chúng ta cần chú trọng đến vật lực và cả nguồn nhân lực để thực hiện. Không chỉ Việt Nam cần cố gắng thực hiện những mục tiêu mình đã cam kết, mà tất cả các nước phải cùng chung tay, nhất là các nước đang phát triển. Mà trước hết chúng ta phải bắt đầu từ tài chính khí hậu. Cộng đồng quốc tế đã cam kết thì cần thực hiện nó.
VUSTA luôn cố gắng cùng Chính phủ hoàn thành mọi mục tiêu
Phóng viên: Với vai trò là Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, ông có thể cho biết VUSTA đã làm gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông điệp phát triển kinh tế tuần hoàn của Chính phủ?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: VUSTA là tổ chức có lực lượng đội ngũ trí thức khoa học rất lớn mạnh với khoảng 2,2 triệu nhà khoa học, trí thức và 3,7 triệu hội viên. Trong đó, bao gồm hệ thống ở Trung ương: 93 Hội, Hiệp hội chuyên ngành trên toàn quốc bao gồm các ngành lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tại 63 tỉnh thành phố đều có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật. Trong các liên hiệp của địa phương cũng có rất nhiều nhà khoa học tham gia, và hơn 600 viện, trung tâm khoa học, tổ chức khoa học trực thuộc VUSTA.
Chính vì thế, cơ quan ngôn luận trong hệ thống VUSTA là rất lớn. Trước khi quy hoạch báo chí có hơn 130 các báo và tạp chí trực thuộc, hiện nay, khi quy hoạch vẫn còn 69 báo và tạp chí trực thuộc là rất đáng trân trọng.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về vấn đề kinh tế môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cũng đã được nhiều cơ quan quan tâm và nhận được phản hồi tích cực từ độc giả. Cụ thể, Tạp chí Kinh tế Môi trường, với hơn 17 năm hình thành và phát triển, hoạt động tuyên tuyền về lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững luôn được hướng tới. Nhiều bài viết nghiên cứu khoa học và đề xuất giải pháp trong phát triển cũng đã được Tạp chí đăng tải, truyền thông rộng rãi.
Ngoài ra, VUSTA có Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Trong đó, Quỹ đặc biệt quan tâm lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại các cuộc thi sáng kiến , sáng tạo hàng năm, các nhà khoa học của VUSTA đã gửi các công trình giải pháp hữu ích và nhận được nhiều giải thưởng, đóng góp thiết thực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, vấn đề kinh tế tuần hoàn Chính phủ đặt ra chắc chắn sẽ là điều kiện để các tổ chức, nhà khoa học của VUSTA có “đất để dựng võ”, phát huy vai trò sáng tạo thông qua các hoạt động của Hội, Hiệp hội tổ chức khoa học ngày càng hiệu quả. Tiến tới kỷ niệm 40 năm thành lập, VUSTA cũng sẽ có những cuộc thi dành cho các nhà khoa học và phong trào thi đua trong cả hệ thống Liên hiệp hội từ Trung ương đến địa phương. Qua đây, sẽ phát hiện những nhân tố mới, các nghiên cứu mang lại hiệu quả để những mục tiêu phát triển của Chính phủ sớm được hoàn thành. Đây cũng sẽ là chương trình để chúng ta nhìn lại những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức VUSTA trong suốt 40 năm qua...