Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/10/2011 19:39 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

1. Thực trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội

Ngược thời gian khoảng bốn chục năm về trước môi trường Hà Nội còn rất trong lành: không rác thải bừa bãi, ít tiếng ồn, nước sạch, không khí trong lành. Từ khi Thủ đô phát triển công nghiệp (CN), tình hình đã đổi khác. Dưới đây là một mảng nhỏ của bức tranh:

1.1. Ô nhiễm môi trường nước

Hà Nội có lượng nước thải sinh hoạt rất lớn và rất ô nhiễm. Tổng lượng nước thải hàng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 320.000m 3trong đó có tới 1/3 là nước thải CN. Môi trường nước tiếp nhận lượng nước này là các hồ, kênh, mương và sông. Hầu hết các cơ sở CN đều xả trực tiếp nước thải vào các sông thoát nước chính là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và các mương, hồ của thành phố. Đã có nhiều tài liệu cho thấy, nước thải CN của Hà Nội có chứa các chất lơ lửng, các hợp chất chứa P, N, chỉ số BOD 5(nhu cầu ôxy sinh hóa các chất hữu cơ), COD (nhu cầu ôxy hóa học chất hữu cơ), kim loại nặng đều rất cao. Hầu hết các sông hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm cả về cơ học, hóa học và sinh hoạt, có sự phân hủy yếm khí tạo ra khí độc như H 2S, NH 4. Hàm lượng NO 2, NO 3đều cao, BOD 5quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) tới 3 lần. Thậm chí, hàm lượng coliform của một số hồ gần khu vực dân cư vượt TCCP tới 100-200 lần, vào mùa khô vượt tới… 700 lần 2.

100% nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại khu vực nông thôn, ở các làng nghề và gần 100% nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý đang xả thẳng ra sông, hồ, ao, mương.

Bảng 1: Diện tích cây xanh/đầu người ở Hà Nội và một số thành phố trên thế giới

TT

Thành phố

Diện tích cây xanh (m 2/người)

So sánh (% so với Hà Nội)

1

2

3

4

5

6

7

Hà Nội (Việt Nam )

Paris (Pháp)

Moskva (Nga)

Washington (Hoa Kỳ)

NamKinh (Trung Quốc)

Quế Lâm (Trung Quốc)

Hàng Châu (Trung Quốc)

4,6

10,0

26,0

40,0

22,0

11,0

7,3

100,0

217,4

565,2

869,5

473,9

239,1

158,7

Đa số các khu, cụm, điểm sản xuất công nghiệp (SXCN) chưa có hoặc có các trạm xử lý nước thải tập trung nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động.

Kết quả phân tích các mẫu nước trong thời gian qua đều vượt quá TCCP, nhiều nơi cao từ 20 đến 30 lần 3. Nguy hại hơn, mức ô nhiễm đang tăng dần theo thời gian, xã Yên Sở trong năm 2002 kết quả đo đạc cho thấy hàm lượng amoni là 37,2 mg/l năm 2003 đã tăng lên 45,2 mg/l, phường Bách Khoa mức nhiễm từ 9,4 mg/l, nay tăng lên 14,7 mg/l. Có nơi chưa từng bị nhiễm amoni song nay cũng đã vượt TCCP như Long Biên, Tây Mỗ, Đông Ngạc… Hiện bản đồ nguồn nước nhiễm bẩn đã lan rộng ở phạm vi toàn thành phố.

Tầng nước ngầm dưới (cách mặt đất từ 45 m đến 60m) là nguồn cung cấp cho các nhà máy cũng bị nhiễm bẩn. Hiện các nhà máy nước Hạ Đình, Tương Mai, Pháp Vân, Linh Đàm đã bị nhiễm amoni và có hàm lượng sắt cao, 1,2-19,5 mg/l. Nước từ các nhà máy đang đứng trước nguy cơ nhiễm bẩn bởi vẫn chưa có hạng mục xử lý amoni 4.

Theo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), mức ô nhiễm asen trong nguồn nước ở Hà Nội đã lên tới 40 lần so với TCCP. Ô nhiễm amôni (NH 4+) cũng vượt mức cho phép 20-30 lần 5.

Chất bẩn trong nước thải cao, nguồn nước sạch có biểu hiện suy thoái 6. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 290 giếng khoan của cơ quan, xí nghiệp và khoảng 100.000 lỗ khoan nhỏ của hộ dân khai thác thường xuyên. Gần 70% mẫu nước tầng trên và gần 50% mẫu nước tầng dưới ở Hà Nội có nồng độ asen cao hơn mức cho phép hàng chục lần.

1.2. Ô nhiễm bầu không khí

Kết quả quan trắc môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp cho thấy nồng độ bụi lơ lửng tại hầu hết khu vực này đều có xu hướng tăng dần và vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2,5-4,5 lần. Nơi có nồng độ bụi tăng mạnh nhất là ở khu vực Văn Điển, Pháp Vân và Mai Động.

Số liệu từ Viện Y học Lao động và vệ sinh môi trường cho thấy, vào những giờ cao điểm, Hà Nội có nồng độ bụi cao gấp 4 lần TCCP, CO cao gấp 2,5-4,4 lần, hơi xăng từ 12,1-2.000 lần. Trẻ ở lứa tuổi học đường sống quanh các nút giao thông bị ảnh hưởng tới sức khỏe rõ rệt: mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật bị kích thích, tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng. Một cuộc khảo sát ý kiến 1.500 người dân Hà Nội cho thấy, có tới hơn 66% nhận định rằng môi trường không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng và khá nặng, 32% cho là "ô nhiễm nhẹ", chỉ 2% cho rằng họ vẫn được "tận hưởng không khí trong lành".

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do bụi hiện nay trên địa bàn thành phố đang ở mức "báo động đỏ" bởi nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá TCCP từ 2-3 lần. Đường Nguyễn Trãi có hàm lượng bụi lơ lửng vượt TCCP tới 11 lần, đường Nguyễn Văn Linh vượt TCCP tới 10,8 lần,… Kết quả quan trắc năm 2008 có tới 6/34 ngã tư nồng độ khí CO trung bình vượt TCCP từ 1,03-1,55 lần; có 3/34 ngã tư có nồng độ SO 2vượt TCCP từ 1,02-2 lần; có 32/34 ngã tư có nồng độ C 6H 6vượt TCCP từ 1,1-3 lần… 7. Tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, khí thải đã vượt quá TCCP: Khí CO 2vượt 3-5 lần, SO 2vượt 3-10 lần, bụi vượt 2-6 lần. Tại một số cụm công nghiệp như Vĩnh Tuy, Mai Động, Thượng Đình, không khí bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi và các khí độc hại như SO 2, CO, NO 2.

1.3. Ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn

Trung bình tổng lượng chất thải rắn ở thành phố Hà Nội khoảng 5.000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 3.500 tấn chất thải sinh hoạt ở đô thị và 1.500 tấn ở nông thôn. Hà Nội đang phải gánh chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường do sự gia tăng đột biến về khối lượng và thành phần các loại chất thải rắn 8.

Tài liệu khác đánh giá tai các khu công nghiệp (KCN) của Hà Nội việc ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, so với các nước trong khu vực thì mức độ công nghiệp hóa còn thấp nhưng tình trạng ô nhiễm lại khá cao. Hàng ngày Hà Nội thải ra khoảng 9.100 m 3chất thải rắn, trong đó khoảng 80% là rác thải sinh hoạt, 20% là rác CN. Mặc dù rác thải của Hà Nội không chứa các kim loại nặng và chất phóng xạ nhưng chất thải rắn lại là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nước và không khí. Đặc biệt chất thải CN và chất thải bệnh viện là rất nguy hiểm nhưng cũng chỉ được chôn dưới đất mà không qua công đoạn xử lý nào gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí. Một số lượng rác thải không nhỏ còn bị đổ xuống các sông, kênh mương, hồ ao gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê thì sự ô nhiễm môi trường nặng nhất là khu Thượng Đình sau đó là các khu Mai Động, Văn Điển, Sài Đồng,… 9

Có tài liệu đánh giá chất thải CN khoảng 750 tấn/ngày, mới thu gom được 90%, chất thải nguy hại khoảng 97-112 tấn/ngày (chiếm 13-14%) trong khi đó mới chỉ thu gom 58-78,4 tấn/ngày (chiếm 60-70%). Đặc biệt, rác thải kim loại từ ngành CN sản xuất điện tử được đánh giá là có nhiều chất có độc tính cao. Ngoài các thành phần hữu cơ poly-me, các kim loại nặng, kim loại bán dẫn còn có các chất As, Se, Sb,Hg…

Dù không thống nhất về số liệu song các tài liệu đều cho thấy ô nhiễm môi trường Hà Nội đã đến mức báo động đỏ! Chúng ta chưa có tài liệu nào đánh giá xem cần bao nhiêu tiền để làm sạch lại môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, chắc chắn con số đó là không nhỏ, sẽ là nhiều chục nghìn tỉ đồng.

2. Nguyên nhân làm môi trường Hà Nội ô nhiễm

Thứ nhất, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường của các DN, KCN mang tính phổ biến. Vì sao lại như vậy? Đó đơn giản là vì triết lý thu "lợi nhuận" bằng mọi cách, kể cả vi phạm pháp luật, có lẽ đã được nhiều cơ sở CN lợi dụng triệt để trong khi pháp luật không đủ sức trừng trị kẻ vi phạm:

- Khi đưa cơ sở sản xuất vào hoạt động, họ muốn và họ có cửa "lách luật" để cơ sở sản xuất của họ có thể hoạt động mà không cần xử lý rác thải, khí thải, nước thải, tiếng ồn… đúng tiêu chuẩn hoặc thậm chí không cần có các thiết bị đó: "Hiện nay, nhiều cụm, điểm CN, DN thuộc diện phải có trạm xử lý nước thải nhưng một số không có ngay từ khi quy hoạch, thiết kế. Một số khác có quy hoạch, thiết kế thì lại chưa đầu tư như KCN Quang Minh, Ngọc Hồi. Hầu hết các KCN tập trung đã hoạt động từ lâu nhưng chưa đầu tư các khu xử lý nước thải theo quy hoạch, hay việc diện tích dành cho mục đích này trong một số khu đã cho DN… thuê để làm nhà xưởng (KCN Nam Thăng Long, Hà Nội-Đài Tư…) 10.

- Trong khi đó, các quy định của luật pháp lại luôn được thừa nhận là còn nhiều kẽ hở, chưa đủ chặt chẽ và đặc biệt là chồng chéo, không thống nhất. Có tài liệu đã khẳng định có ít nhất là 20 văn bản liên quan đến quản lý môi trường các KCN đã được ban hành từ Luật Bảo vệ môi trường 2005, các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quản lý môi trường KCN. Rồi đến nhiều văn bản pháp luật "riêng": năm 1997 có Chỉ thị 199 của Chính phủ về những biện pháp cấp bách trong công tác quản lý chất thải rắn ở các khu đô thị, KCN; năm 1999 có Quyết định 152 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quản lý chất thải rắn đô thị và các KCN đến năm 2020; năm 2007 có Nghị định 59 về quản lý chất thải rắn; năm 2008 có Quyết định 1440 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm; đến năm 2009 có Quyết định 2149 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050" 11… Nhưng đáng tiếc là hầu hết các Văn bản liên quan đến KCN đều tập trung vào các vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới hành lang pháp lý về quản lý môi trường Thậm chí, Quyết định 62 (29/2/2002) Bộ Khoa học & Công nghệ còn cho phép các DN có công nghệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường được quyền thỏa thuận với cơ quan quản lý để đấu nối riêng hệ thống xả thải ra môi trường. Đến Thông tư 08 ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên & Môi trường mới khắc phục tồn tại trên.

Thứ hai, quy trình cấp phép hoạt động cho các DN, các KCN có vấn đề:

Mộ trong những câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao các KCN, các DN chưa đảm bảo các tiêu chuẩn cần thiết về đảm bảo môi trường như xử lý nước thải, khí thải, chất thải… lại được hoạt động? Và liệu còn có nước nào có cách xử lý theo kiểu mặc dù có đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường và xử lý môi trường nhưng các DN, KCN không đủ tiêu chuẩn vẫn được hoạt động như chúng ta đang làm? Có hai trường hợp xảy ra:

- Nếu các DN, các KCN đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh môi trường mới được cấp phép hoạt động thì chỉ các DN đủ điều kiện mới được hoạt động. Tất nhiên, nếu làm như thế này thì môi trường nước ta nói chung và môi trường Hà Nội nói riêng đã không bị ô nhiễm nặng nề như ngày nay. Tuy nhiên, sẽ có người biện minh rằng DN hiện nay ít vốn nên nếu quy định như thế họ không có tiền làm. Thử hỏi, liệu Vedan hay Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu nước giải khát Hà Nội (HABECO) - hai trong số những đơn vị có hành vi vi phạm môi trường do xả nước thải vượt TCCP - có ít vốn? Và đáng tiếc là chưa bao giờ người ta có ý định tính toán cụ thể xem cần bao nhiêu tiền để làm sạch lại được môi trường như nó đã từng có ở thập niên 70 và liệu số tiền đó có nhỏ hơn số lợi nhuận mà sự phát triển CN trong mấy thập kỷ mang lại.

- Trường hợp ngược lại, nếu cấp phép hoạt động ngay khi chưa biết cơ sở sản xuất có đủ điều kiện về vệ sinh môi trường hay không trong điều kiện luật pháp không đủ sức trừng trị như phân tích ở trên tất sẽ dẫn đến, càng ngày, càng có nhiều DN ngang nhiên không xử lý môi trường mà vẫn hoạt động được. Vì nếu bị phát hiện (thường là do nhân dân xung quanh không chịu nổi nên tố cáo) không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường cần thiết, cơ sở sản xuất mới có thể bị kiểm tra và sau một hồi dài nghiên cứu, thống nhất kết luận (vì trong nhiều trường hợp kết luận của các cơ quan đo đạc, kiểm tra lại không giống nhau) thì có thể họ bị phạt…Nhưng nếu có bị phạt thì mức phạt lại không thấm vào đâu so với số tiền họ bỏ ra để xây dựng, lắp đặt các thiết bị bảo vệ môi trường. Khi mức bị phạt thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều lần so với số đáng ra "phải bỏ ra" thì việc vi phạm là chuyện đương nhiên.

Thứ ba, chồng chéo trong quản lý và chịu trách nhiệm:

Một hiện trạng trong quản lý nhà nước cứ dai dẳng tồn tại là chồng chéo và chịu trách nhiệm tập thể:nhiều cơ quan, nhiều người cùng chịu trách nhiệm về một công việc. Là người dân bình thường, nhiều người cứ tự hỏi: tại sao cơ quan môi trường lại không phải chịu trách nhiệm về môi trường mà phải nhiều cơ quan "cùng" chịu trách nhiệm về môi trường? Là người có tư duy cao hơn, họ tự hỏi liệu "cùng" chịu trách nhiệm dựa trên cơ sở lý thuyết nào, mô hình nào?

Có một nghịch lý là khi xác định đảm nhiệm một công việc nào đó, cơ quan nào cũng vơ vào mình. Vì sao vậy? Vì nếu giao cho họ, họ sẽ nhận được "quyền": quyền chi phối, quyền nhận kinh phí… và khi công việc không được như ý muốn, họ lại có quyền "đổi lỗi" cho xung quanh, cho "nhiều nơi cùng chịu trách nhiệm". Ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã lấy một ví dụ: Khi phát hiện nước ô nhiễm ở một đoạn sông nào đó, không ai nghĩ đó là trách nhiệm của mình; phường tưởng quận, quận tưởng thành phố…

Thử hỏi, nếu Hà Nội tổ chức đánh giá về tình trạng môi trường ngày nay và kiểm tra trách nhiệm thì sở nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm? Chắc chắn có ngay câu trả lời: không sở nào, mà cũng chẳng có cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, kể cả sở có đúng tên gọi. Và còn nguy hại hơn, ai ngồi trong hội nghị cũng cho rằng kết luận như thế là hợp lý; không ai và cũng chẳng có cơ quan nào nghĩ rằng lỗi tại mình hoặc chí ít là mình có lỗi. Họ đổ lỗi tại dân đông nhưng phớt lờ thực tế nhiều thành phố trên thế giới còn đông dân hơn Hà Nội nhiều; họ lại bảo tại dân trí thấp mà quên rằng dân trí cách đây 60 năm - Hà Nội thời Pháp thuộc - chắc chắn thấp hơn ngày nay nhiều… Người khác lại đổ tại CN phát triển nhanh; thử hỏi, liệu tỷ trọng CN của Hà Nội đang ở mức độ nào của thế giới? Liệu do dân đông, CN phát triển nhanh hay do trình độ yếu kém, cách thức quản lý không hiệu quả mà hầu như không ai phải chịu trách nhiệm?

Nếu làm không tốt mà luôn cố gắng đánh giá không đúng thực tế "cái không tốt", như trường hợp nói quen miệng Hà Nội "xanh, sạch, đẹp"; lại không xác định đúng nguyên nhân, không quy đúng trách nhiệm; kết luận theo hướng ai cũng chịu trách nhiệm, ai cũng đổ lỗi cho kẻ khác, cho "khách quan" tất yếu dẫn đến hậu quả là:

- Một cơ quan bất kỳ không nhất thiết phải làm tròn bổn phận của họ. Quyền hạn được trao và "phải chịu trách nhiệm" về hậu quả gây ra là 2 phạm trù có quan hệ biện chứng: nếu cơ quan được trao quyền và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tương xứng quyền được trao thì người đó ắt phải rất cẩn thận khi điều hành hoạt động; nếu tình hình ngược lại, người đứng đầu cơ quan sẽ lạm quyền, lơ là từ khâu tuyển người, sử dụng người và tổ chức công việc của cơ quan…

- Thời gian càng trôi đi mà hiện tượng trên không được khắc phục, lại được chấp nhận như là "đương nhiên" thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng nguy hại hơn.

3. Giải pháp và kiến nghị giảm ô nhiễm môi trường Hà Nội

3.1. Phải bắt đầu từ đảm bảo tính khách quan trong các đánh giá thực trạng

Cần chấm dứt cách đánh giá kiểu xoa dịu, đại loại như: "công tác này đã ngày càng được chú trọng" hay "Hà Nội cũng đã làm được nhiều việc; tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ngày càng xấu đi và việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập",… Cần nhấn mạnh rằng, nếu các cơ quan có trách nhiệm đã chú trọng thật, nếu họ đã làm được nhiều việc thật… thì môi trường nhiều việc thật,… thì môi trường Hà Nội đã không xuống dốc không phanh như những năm qua. Chắc chắn các cơ quan có trách nhiệm đã làm đại khái, qua loa, không đến nơi, đến chốn. Việc chỉ ra thực trạng thì cho đến nay các nhà khoa học cũng đã làm được ở mức độ nhất định (đã chỉ ra được nhưng chưa phân tích sâu sắc) song việc truy tìm nguyên nhân thì chưa khoa học. Nếu tìm không đúng nguyên nhân, chắc chắn không có giải pháp đúng.

Việc đánh giá thực trạng môi trường và tìm nguyên nhân ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng còn nhiều vấn đề. Muốn khắc phục nó phải có giải pháp về mặt luật pháp chấm dứt tình trạng làm báo cáo và đưa ra trình bày trước các hội nghị tùy tiện theo kiểu: "đã có nhiều thành tự… mặc dù đã có nhiều cố gắng song vẫn còn những thiếu sót"… còn cho phép (ở mọi góc độ: chế tài của pháp luật, giám sát của người dân, xử lý của người có trách nhiệm…) duy trì cách báo cáo này, còn không truy tìm được tận gốc rễ nguyên nhân để xử lý vấn đề.

Cần lưu ý, đánh giá tùy tiện thực trạng khách quan không chỉ là "bệnh thành tích" mà là một kiểu trốn tránh trách nhiệm của nơi phải chịu trách nhiệm. Càng duy trì cách làm này bao nhiêu, càng tạo thói quen tư duy không khoa học bấy nhiêu. Khi đã thành nếp thì ngay việc thay đổi tư duy này ở phạm vi xã hội cũng vô cùng khó khăn và mất rất nhiều năm chứ chưa nói đến việc làm sao để làm cho tốt.

Cần dành kinh phí thích đáng để nghiên cứu và đánh giá chính xác:

- Môi trường nước, không khí Hà Nội đã ô nhiễm đến mức độ nào so với một năm mốc đã có trong thời kỳ chưa phát triển mạnh công nghiệp hoặc so với tiêu chuẩn.

- Mức độ ô nhiễm đó tác động như thế nào đến sức khỏe người dân.

- Cần làm gì và chi ra bao nhiêu tiền để có thể làm "sống lại" môi trường Hà Nội tương đương mức ở năm mốc đưa ra nghiên cứu.

3.2. Thay đổi nhận thức về phát triển: không chỉ đòi hỏi phát triển mà cần và chỉ cần phát triển bền vững

Phát triển bền vững là phạm trù đã xuất hiện từ lâu ở các nước phát triển. Theo đuổi mục tiêu này, các nước phát triển đã tạo ra được môi trường khá thân thiện với con người mặc dù ở các quốc gia đó, CN đã rất phát triển.

Ở nước ta, các giáo trình, xuất bản phẩm đã nhắc đến cụm từ phát triển bền vững, song, đáng tiếc là tư duy này mới chỉ có trong sách vở, trong nhận thức của các sinh viên sắp phải trả bài chứ chưa lan truyền đến các nhà quản lý xã hội, các nhà quản trị kinh doanh cũng như trong đời sống xã hội.

Nhận thức này trước hết cần có ở các nhà quản lý xã hội, những người mà tiếng nói của họ có trọng lượng trong quy hoạch, trong cấp phép kinh doanh và cấp phép cho DN được triển khai hoạt động. Nhận thức này không thể thiếu ở các nhà chuyên môn.

Vì thế, rất cần tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phải có các cuộc sát hạch, thi cử để loại những người không đủ tiêu chuẩn này ra khỏi bộ máy công quyền.

Tiêu chuẩn quy hoạch, cấp phép phải được xây dựng trên cơ sở tư duy phát triển bền vững (liên quan đến tiêu chuẩn kết quả, thành tích ở giải pháp thứ tư). Cần loại bỏ tư duy "ăn xổi, ở thì", xét duyệt và đánh giá thành tích theo số lượng ra khỏi đời sống xã hội. Thiết nghĩ, ví dụ còn đang nóng hổi: nếu làm phép so sánh giữa thiệt hại do công ty Vedan gây ra cho bà con nông dân ở hai bên sông Thị Vải và số tiền họ nộp ngân sách trong những năm Vedan hoạt động thì chắc chắn số tiền thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Lại cần lưu ý rằng, dù có bồi thường thiệt hại cho bà con nông dân thì dòng sông Thị Vải cũng đã chết và không thể cứu sống lại được nếu không đổ thêm vào đó hàng núi tiền. Còn ở Hà Nội, nếu ai đó làm phép tính so sánh giữa số tiền thu được từ bán đất lấp các hồ mà Hà Nội đã có đến thập niên 60 với số tiền bỏ ra cho các dự án thoát nước mấy năm qua và số tiền thiệt hại do trận lụt năm 2008 gây ra, (chưa kể tình trạng mưa to là lụt) thì chắc sẽ thấy hậu quả của lối làm ăn tùy tiện, vì lợi ích cục bộ trước mắt tại hại đến nhường nào.

Thiết nghĩ, nếu đó thực sự là những bài học cho các nhà quản lý xã hội, các cán bộ công quyền qui hoạch, cấp phép kinh doanh… thì từ nay người dân mới có thể có cơ hội sống trong môi trường đỡ ô nhiễm hơn môi trường họ đang phải gánh chịu. Nguyên tắc ứng xử rất đơn giản: đừng vì đồng tiền "còm cõi" trước mắt mà phá đi môi trường "đã đến mức báo động đỏ" của chính chúng ta và con cháu mai sau!

3.3. Hoàn thiện luật pháp

Nếu không có luật pháp thì nhận thức mãi mãi vẫn chỉ là nhận thức. Như phân tích ở trên, để giảm thiểu "sự tham tiền" dẫn đến các hành vi hủy hoại môi trường cần một nền tảng luật pháp: đủ, rõ ràng và trừng trị thích đáng các hành vi vi phạm! Điều này hoàn toàn dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc. Thực tế ở các nước thành công cũng chỉ ra điều đó: mọi chế tài phạt các hành vi vi phạm pháp luật đều phạt cao hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà cá nhân hay tổ chức nào đó gây ra.

Thiết nghĩ, môi trường chỉ không bị ô nhiễm hơn và tiến đến dân khôi phục lại được nếu chế tài luật pháp cần thay đổi theo hướng:

- Tăng nặng hình phạt (ở nhiều nước thường quy định mức phạt gấp nhiều chục lần so với mức thiệt hại do vi phạm pháp luật gây ra):

+ Đối với người cấp phép không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường thân thiện.

+ Đối với cơ quan có trách nhiệm nhưng chậm phát hiện hoặc kết luận không chính xác về mức độ ô nhiễm môi trường.

+ Đối với DN làm ô nhiễm môi trường.

- Phải có và chỉ có một cơ quan/cá nhân duy nhất chịu trách nhiệm về công việc cụ thể liên quan đến môi trường.

3.4. Thay đổi quan điểm về tiêu chuẩn đánh giá kết quả, thành tích

Đánh giá kết quả, thành tích đã (sẽ) thu được của mọi cá nhân, tập thể dù là cơ quan quản lý nhà nước hay DN đều phải trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn về duy trì môi trường bền vững:

- Thay vì chỉ chú ý đến số lượng, phát triển theo chiều rộng, cần xây dựng các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, phát triển theo chiều sâu.

- Thay vì chỉ đánh giá kết quả theo các chỉ tiêu về lượng như tăng số lượng DN, KCN, doanh thu, lợi nhuận… càn xây dựng thêm các chỉ tiêu đánh giá về chất như mức độ gây ô nhiễm môi trường, chi phí xã hội phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm môi trường….

3.5. Thay đổi cách thức làm việc

Đã đến lúc không thể tiếp tục duy trì cơ chế quản lý kiểu "cùng làm, cùng chịu trách nhiệm". Một cách tổ chức rất khoa học và tự nhiên là mỗi người đảm nhiệm và phải chịu trách nhiệm về việc đó. Vì thế, thay vì tổ chức chồng chéo như hiện nay, cần chuyển sang cách thức tổ chức quản lý theo quá trình công việc và thực hiện một cửa "thực sự" và quá trình này phải không được diễn ra dài dài.

Thay đổi quy trình cấp phép (bắt buộc): dù có giấy phép kinh doanh nhưng chưa có giấy phép hoạt động thì DN hay KCN vẫn không được hoạt động. Nếu DN hoạt động mà phát hiện vẫn chưa đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp phép hoạt động.

Thay đổi quy trình xây dựng (bắt buộc): mọi DN đều phải xây dựng cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn trước mới được phép xây dựng các công trình nhà ở… Điều này không dẫn đến DN thiếu tiền xây dựng mà chỉ dẫn đến chấm dứt cảnh xây dựng ồ ạt, lộn xộn mà không đủ tiêu chuẩn môi trường như đang diễn ra.

Thay đổi mức phạt: gấp nhiều chục lần thiệt hại gây ra và thủ tục phạt phải công khai, đơn giản, do một cơ quan đảm nhiệm.

Chú thích:

1. Xem bảng 1

2. Xử lý ô nhiễm mô trường Hà Nội: Đã rất cấp bách! Tinmoi.vn 11:24 ngày 08/04/2009

3 Theo tiểu chuẩn vệ sinh nước ăn uống dựa trên Quyết định 1329 của Bộ Y tế, nước sinh hoạt đạt chuẩn ở mức hàm lượng amoni: 1,5 mg/l, độ oxy hóa: 2 mg/l.

4. Đoàn Loan: Nhiều khu vực nước ngầm Hà Nội đã ô nhiễm nặng, VnExpress Thứ tư, 25/6/2003, 05:54 GMT+7

5 Báo động đỏ về ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội: VOV, Cập nhật lúc 9:53 AM, 29/12/2008

6. Hà Nội: nguy cơ ô nhiễm môi trường từ 150 xí nghiệp, Cập nhật lúc 02:13, Thứ sáu, 20/8/2004 (Theo Lao động).

7. Bức tranh "xám" về môi trường Hà Nội: Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử: Thứ năm 01/07/2010.

8. Trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường: gian nan quản lý chất thải rắn Hà Nội, 17:23 08/07/2010.

9. Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Cần có cái nhìn đúng đắn từ phía doanh nghiệp, Go green: 03/Nov/2008 lúc 10:22

10. Trần Minh: Môi trường Hà Nội bao giờ "sạch"? Báo Kinh tế hợp tác Việt Nam , Thứ sáu ngày 17 tháng 4 năm 2009.

11. Văn bản Quản ly môi trường KCN- nhiều nhưng thiếu (14:56 13/07/2010).

Tài liệu tham khảo:

1. Báo động đỏ về ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Hà Nội: VOV, cập nhật lúc 9:53 AM, 29/12/2008

2. Bức tranh "xám" về môi trường Hà Nội: Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử: Thứ năm 01/07/2010.

3. Đoàn Loan: Nhiều khu vực nước ngầm Hà Nội đã ô nhiễm nặng, VnExpress 25/6/2003, 05:54 GMT+7

4. Hà Nội: nguy cơ ô nhiễm môi trường từ 150 xí nghiệp, Cập nhật lúc 02:13, Thứ sáu, 20/8/2004 (Theo Lao động).

5. Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Cần có cái nhìn đúng đắn từ phía doanh nghiệp, Go green: 03/Nov/2008 lúc 10:22

7. Trần Minh: Môi trường Hà Nội bao giờ "sạch"? Báo Kinh tế hợp tác Việt Nam , Thứ sáu ngày 17 tháng 4 năm 2009

8. Văn bản Quản ly môi trường KCN- nhiều nhưng thiếu (14:56 13/07/2010).

Xem Thêm

Tin mới

Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Trong hai ngày 7-8/5, TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận (đơn vị bầu cử số 2) đã có buổi tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).