Những ý tưởng thiên tài từ đâu ra?
Đó dĩ nhiên không phải là nguyên tắc. Tuy vậy, thật lạ lùng mà nhận xét rằng nhiều khi những ý tưởng thiên tài, nhất là những ý tưởng đặc biệt quan trọng, lại đến với ta theo cách đó. Chúng đột nhiên bừng nở trong tâm trí, nóng bỏng ngọn lửa sáng tạo. Chúng từ đâu đến? Khoa tâm lý học chưa đủ sức giải thích guồng máy của tư duy có ý thức. Và sự sinh nở đột ngột của một ý mới “nhảy vào tâm trí” làm ta xúc động đặc biệt. Bởi vì, cuối cùng, kết quả này phải có nguyên nhân ở đâu chứ? Tạm thời, ta cứ tin rằng những tia chớp thiên tài ấy từ tiềm thức mà ra.
Tất cả chúng ta không nhiều thì ít đều đã cảm thấy sự phát sinh đột ngột của một ý tưởng sáng chói. Tuy nhiên, nơi các vĩ nhân, hiện tượng này dễ quan sát hơn vì nó hiện ra với cường độ to tát hơn. Ta có thể tìm vị dụ trong mọi lãnh vực từ triết học, văn học cho đến nghệ thuật, qua toán học, các hoa học thực nghiệm và phát minh kỹ thuật. Hình như mọi hoạt động thực sự sáng tạo đều tuỳ thuộc ở mức độ nào đó vào những dấu hiệu đến từ tiềm thức. Và chủ đề càng có tính trực giác, các dấu hiệu ấy càng rõ ràng và linh động. Chính khi chơi bida mà Mozart nghĩ ra hoà khúc ngũ âm “Tiếng sáo tiên cung”. Berlioz khi tắm ở sông Tibre bất thình lình thấy mình ngâm khe khẽ một câu nhạc mà mình đã tìm mãi không ra.
Hiện tượng này quen thuộc đến nỗi nhiều nhà tư tưởng đã dùng nó để tạo ra những phương pháp làm việc thích hợp hầu làm nảy nở hay tăng cường cảm hứng. Nhạc sĩ đa tài Haydn, tác giả của 104 bản hợp tấu và hàng trăm bản nhạc khác, đã nói: “Khi công việc của tôi không tiến được, tôi rút lui vào nhà nguyện với chuỗi hạt và đọc bài kinh A ve Maria. Ý tưởng sẽ đến với tôi ngay”.
Người ta nghiệm thấy đi bộ làm phát sinh tư tưởng, Mozart kể: “Khi tôi đi dạo một vòng bằng chân hay bằng xe sau một bữa cơm ngon hay khi tôi không ngủ được, nhiều ý mới đổ xô vào trí óc không biết làm gì cho hết”.
James Watt hiểu rằng người ta có thể tránh hơi nước ngưng đọng trong nồi súp-de bằng cách bọc nó trong một ống hơi. Ông đã phát hiện ra điều đó khi đi bộ đến sân gofl. Nhiều người đem theo những mảnh giấy để kịp thời ghi chép những ý mới lạ có thể đến trong tâm trí cho khỏi quên.
Walter Scott, nhà văn Anh nói: “Ý tưởng đến trong lúc ngủ. Chiều nay tôi không có cảm hứng, không cần! Tôi sẽ có vào sáng mai, lúc thức dậy”.
Các nhà tư tưởng, nghệ sĩ và bác học đều mô tả các yếu tố tạo nên những phát minh của họ. Hãy nghe thi sĩ Anh William Blake kể: “Tôi viết bài thơ này mà không hề suy nghĩ trước, như bất đắc dĩ!”. Van Gogh ghi: “Đôi lúc tôi thấy vô cùng sáng suốt trước cảnh tượng của tạo hoá trong vinh quang tột độ. Những ngày ấy, tôi gần như không ý thức về mình, và các bức tranh của tôi đã đến như trong mộng”.
Hơn thế nữa, những ý mới hiện ra trước khi người ta có thể giải thích chúng. Cũng như phần đông các nhà trực giác khác, Newton thường đạt được các thành quả trước khi có thể chứng minh chúng, thật vậy, một trong những phát minh của ông về “nghiệm của phương trình” chỉ có thể chứng minh 1 thế kỷ sau.
Nhiều khi người ta có thể đương nhiên so sánh sự hình thành của một ý tưởng như sự trưởng thành của một cái cây. Thi sĩ John Keats thường dùng hình ảnh này: “Hãy để cho lá của chúng ta mọc lên! Hãy hé mở và bắt đầu kiên nhẫn nở ra…”.
Nhưng sự hình thành của một cái cây đòi hỏi trước hết một cái hạt. Giai đoạn cốt yếu của sáng tạo là sự cấu thành của các mầm ban đầu, từ đấy mới nảy sinh phần còn lại. Vậy phải bắt đầu tập hợp các yếu tố rời rạc thành một đơn vị mới, tạo trật tự từ cái hỗn độn, tạo hình từ cái vô hình. Trí óc thực hiện cấu tạo ấy bằng cách lựa chọn các yếu tố lộn xộn do kinh nghiệm sinh ra và dồn chứa và ký ức. Trực giác phát sinh từ sự tổng hợp và sự phong phú hoá các kinh nghiệm.
Trong trường hợp ấy, có một sự việc đầy ý nghĩa: trong giấc ngủ, lúc các cơ quan cảm xúc đều yên nghỉ, một phần tự tổng số năng lượng của cơ thể được não bộ tiêu thụ. Như vậy, 10 tỷ tế bào được giữ cho hoạt động và tác động lẫn nhau, chúng thực hiện sự kỳ diệu này: phát sinh một cách tư duy mới. Không có máy tính điện tử nào có khả năng làm được việc đó vì máy móc do tri thức con người điều khiển, trong khi tư duy sáng tạo tuân theo những quy luật còn ẩn giấu.
Ta có thể rút ra từ các ví dụ về các thiên tài lớn đôi kết luận thực tiễn không? Có một “phương pháp tư duy” dùng cho mọi người không? Chắc chắn có nhiều con đường dẫn đến thành công, nhưng trong lĩnh vực của óc tưởng tượng sáng tạo, mỗi người phải tự tìm lấy cách thức lợi dụng những năng khiếu cá nhân của mình.
Dù sao, suy nghĩ về sự thành công của các vĩ nhân, ta có thể rút ra một vài kết luận sơ khởi cho phép ta nêu lên đôi quy tắc của “sự vệ sinh của tiềm thức”.
- Ta có lợi khi quan tâm đến nhiều sự việc: Những yếu tố bất ngờ nhất từ nguyên sơ có thể là những suy diễn quý báu. Sự chuyên môn hoá quá đáng có thể dẫn đến sự khô kiệt.
- Đôi khi có nhiều việc đang làm là có ích lợi: Khi dẫm chân tại chỗ, ta có thể chuyển qua việc khác rồi trở lại việc trước.
- Thư giãn là cần yếu: Ví dụ ta có thể tự biệt lập một vài giờ không bận tâm về một vấn đề gì cả, cứ để tự do cho bất kỳ cái gì đến với trí óc ta.
- Cuối cùng, càng ít nóng vội, kết quả càng nhiều: Những ý muốn đến một cách khó khăn hơn khi trí óc căng thẳng, khi ta nóng nảy đạt đến kết quả mong muốn.