Những ẩn số trong Ngọc phả Hùng Vương
Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ. Ngọc phả gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, tổng cộng gần 10.000 chữ. Xưa nay chưa thấy ai dịch trọn vẹn. Nay, GS Ngô Đức Thọ đã dịch trọn vẹn văn bản quý báu này.
Đời thứ nhất: Kinh Dương Vương
Đời vua Kinh Dương Vương là đời vua đầu tiên trong 18 đời vua Hùng. Đời vua Kinh Dương Vương có hai sự kiện là chọn đất đóng đô và chọn đô mới để di dời. Về sự kiện chọn đất đóng đô, Ngọc phả chép: "Kinh Dương Vương kính vâng chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía Nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp (tức quốc đô).
Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An. Nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, núi non muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn (xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống).
Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định cho bốn phương triều cống".
Về sự kiện chọn đô mới ở Việt Trì, Ngọc phả ghi như sau: "Ngày sau vua lại đi tuần thú, rong ruổi xa giá xem khắp các nơi sơn xuyên. Đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ... Nghìn non nâng chủ, vạn thủy chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh.
Thu tận hình thế, vua nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ. Bên ngoài lại dựng đô thành Phong Châu (nay là Cựu Đô thành ở thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc) đặt quốc hiệu là Văn Lang...
Rồi vua ngự giá về Cựu Đô ở Hoan Châu... Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô ấp của nước Việt Thường".
Sau khi đã chọn được đô mới, Kinh Dương Vương đã sai Hoàng thái tử là Lạc Long Quân ra đóng tại đô thành mới ở Nghĩa Lĩnh để làm việc nước (còn bản thân nhà vua vẫn ở đô thành cũ). Vua Kinh Dương Vương ở ngôi 215 năm, thọ 260 tuổi".
Đời thứ hai: Lạc Long Quân tức Hùng Hiền Vương
Về đời vua Lạc Long Quân có sự kiện nổi bật là bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai: "Long Quân lên nối ngôi, đổi hiệu là Hùng Hiền Vương. Bấy giờ nàng Âu Lạc (tức Âu Cơ) có thai đã 3 năm 3 tháng 10 ngày, mây ngũ sắc sáng bừng đầu núi Nghĩa Lĩnh.
Giờ ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý (?) cái thai trong bụng Âu Cơ chuyển động, đến giờ ngọ ngày 28 khắp nhà hương thơm tỏa nức, ánh sáng lóe lên trong trướng, Hoàng phi Âu Cơ sinh ra một bọc màu trắng như ngọc...
Thế là vào giờ ngọ ngày rằm tháng giêng trăm trứng an lành nở ra trăm con trai. Khắp Long thành đầy mây ngũ sắc, ánh lành tỏa rạng khắp nơi, hương trời thơm ngát bay tỏa khắp chốn núi sông. Trong khoảng một tháng, các chàng trai không cần bú mớm mà lớn bật lên như người trưởng thành, tướng mạo phương phi, dáng hình kỳ tú, thân cao ba thước bảy tấc, cái thế anh hùng" (Ngọc phả).
Đời vua Lạc Long Quân còn có sự kiện chia 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ lên núi. "Vua bèn đặt quan văn gọi là Lạc Hầu, đặt tướng võ gọi là Lạc Tướng; các vương tử đều gọi là Quan Lang vương, các vương nữ (tức công chúa) gọi là Mị Nương. Các quan hữu ti gọi là Bồ Chính". Lạc Long Quân ở ngôi 400 năm, thọ 420 tuổi.
(Những đoạn để trong ngoặc kép đều trích nguyên văn bản dịch Ngọc phả của GS Ngô Đức Thọ).