Nhân nuôi kiến công nghiệp - Một hướng đi mới?
Kiến - vị thuốc cải lão hoàn đồng
Lâu nay, ở nước ta, kiến mới chỉ được sử dụng trong dân gian. Sách thuốc của lương y Tuệ Tĩnh có ghi loài kiến có tác dụng chữa bệnh viêm tai, suy giảm chức năng sinh dục, tăng cường sinh lực, giải độc, điều trị rắn cắn...
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát khả năng sử dụng kiến làm thuốc trong dân gian ở Khánh Hòa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn... Kết quả cho thấy nước ta có nhiều loài kiến được sử dụng trong ẩm thực và các bài thuốc y học cổ truyền, đó là kiến đỏ, kiến nâu, kiến khâu, kiến bọng..., phổ biến nhất vẫn là kiến gai đen.
Kiến gai đen hay còn gọi là hắc mã nghicó vị mặn, cay. Ở một số tỉnh phía Bắc, đồng bào dùng trứng kiến chế biến các món ăn đặc sản trong lễ hội như xôi trứng kiến, bánh kim cương, mướp đắng xào trứng kiến... Họ cho rằng "ai muốn sống lâu thì ăn kiến", kiến có tác dụng cải lão hoàn đồng. Còn ở một số tỉnh miền Trung, người ta dùng kiến để nuôi chim. Loại thức ăn đặc biệt này giúp chim cảnh học hót nhanh và nhớ rất lâu.
Kiến - thương phẩm
Ở Trung Quốc, kiến và trứng kiến gai đen đã được sử dụng trong y học và được bán như một thương phẩm với giá khá đắt, 200g kiến đen khô có giá 500 nhân dân tệ (tương đương 700 nghìn đồng), 1kg trứng kiến bán tới 4.500USD. Họ cũng xây dựng nhiều cơ sở nhân nuôi kiến công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ở ta, kiến gai đen do chỉ được sử dụng rải rác trong dân gian nên hàng năm, có một lượng lớn kiến và trứng kiến gai đen được chuyển qua cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc. Một nghiên cứu của Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế cho thấy nguồn kiến này do cư dân ven rừng thu lượm trong rừng rồi bán cho các thương lái với giá rẻ mạt. Sau khi chế biến, chúng tái xuất qua đường Quảng Ninh đi nước khác giá thành khá cao.
TS. Vân Thái cho biết: "Giá trị dinh dưỡng của kiến và trứng kiến đã rõ, hàm lượng các axit amin có thể cải thiện bằng thức ăn và môi trường sinh thái, nhưng quan trọng là ta phải xây dựng được quy trình nhân nuôi kiến gai đen, góp phần xây dựng làng nghề nhân nuôi kiến". Tạo được những làng nghề này, một phần xoá đói giảm nghèo cho dân cư ven rừng, một phần lưu giữ được các kiến thức y học dân gian đang dần mai một.
Kiến nhân nuôi công nghiệp sẽ cho chất lượng mong muốn
Nghiên cứu đối chứng thành phần của kiến gai đen nuôi công nghiệp ở Trung Quốc và kiến gai đen tự nhiên thu thập được ở Nha Trang, Khánh Hòa cho thấy, kiến gai đen có 28 loại axit amin tự do trong đó có tám loại không thể thay thế, rất cần cho cơ thể người.
Tổng hàm lượng axit amin toàn phần trong cơ thể kiến Nha Trang thấp hơn kiến Trung Quốc, song hàm lượng một số chất lại cao hơn như hàm lượng lysine gấp 1,2 lần. Đặc biệt, hàm lượng Isoleucine cao hơn 0,15g%, hàm lượng Leucine cao hơn 0,32g%. Isoleucine và Leucine vốn là hai loại axit amin quan trọng đối với vận động viên trong quá trình sinh tổng hợp protein của cơ bắp, chống mệt mỏi. Hàm lượng kali, phốt pho, lưu huỳnh ở kiến đen Nha Trang cũng cao hơn kiến đen Trung Quốc.
TS. Vân Thái cho rằng, hàm lượng một số axit amin trong cơ thể kiến đen Việt Nam thấp hơn so với kiến đen Trung Quốc là do nguồn thức ăn, điều này có thể điều chỉnh được khi kiến được nhân nuôi công nghiệp.
Hiện TS. Vân Thái vẫn theo đuổi đề tài này, đi sâu nghiên cứu hoạt tính sinh học của các chất chiết tách được từ kiến. Dự kiến vào năm 2006, những ứng dụng đầu tiên sẽ được thử nghiệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, điều trị chứng suy giảm trí nhớ và suy giảm chức năng sinh dục.
Nguồn: www.nhandan.com.vn ngày25-02-2005