Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 12/11/2008 14:42 (GMT+7)

Nguyễn Trường Tộ một trí thức công giáo thế kỷ XIX

Những nét ngoại lai và giả tạo của Kitô giáo Việt Nam đã được nhiều tác giả nêu lên một cách hợp lý: sự hợp tác của các thừa sai với quân đội Pháp trong giai đoạn chinh phục, việc hình thành những đạo quân “bản xứ” đầu tiên vào năm 1860, chủ nghĩa thời cơ của một số người trở lại đón nhận đức tin như nhận một nghề nghiệp, như trường hợp một người đầy tớ đã tuyên bố một cách ngây thơ rằng: “Tôi không làm vườn nữa, bây giờ tôi làm người Công giáo”. “Trong những hoàn cảnh như thế, như vị linh mục tường thuật lại câu chuyện trên đã ghi nhận, người ta đứng khi thì trước bối cảnh Kitô giáo, khi thì trước những người Kitô hữu của bối cảnh”. Trong hướng trái ngược, rất nhiều tác phẩm chứng minh một cách cũng rất chí lý, đức tin sâu sắc và sự bén rễ vững chắc của những người Công giáo Việt Nam trên mảnh đất quê hương họ. Người ta nghĩ ngay đến danh sách hàng bao nhiêu vị tử đạo Việt Nam hoặc nghĩ đến công trình đặc sắc của cha Trần Văn Lục ở Phát Diệm. Không hề tiến hành một cách võ đoán hoặc do tinh thần phe nhóm, những cách nhìn mâu thuẫn trên nói lên một thảm kịch sâu sắc mà ngày nay cũng chưa phải là đã kết thúc. Có ba nhân tố quyết định đối đầu với nhau trong lĩnh vực này: một tinh thần yêu nước đã có từ lâu đời, một niềm tin tôn giáo vừa mới mẻ lại vừa nhiệt thành và nhu cầu cấp bách phải thay đổi xã hội mà các tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã lần lượt áp đặt cho tất cả các nước trên thế giới.

Tấm thảm kịch ấy như được nhập thể trong con người Nguyễn Trường Tộ, vừa do tính cách độc đáo của cuộc đời ông vừa do số phận sau khi chết của nhân vật và tác phẩm, thường được bao trùm bởi những lời tán tụng nhưng lại chưa được phổ biến, quả là ngược đời, vì tác phẩm được viết bằng chữ Nho, tiếng chính thức của nước Đại Nam thời bấy giờ. Nhưng có lẽ cũng vì những lý do đụng tới những vấn đề vừa phức tạp lại vừa nóng bỏng mà nó còn thể khơi lên ngay trong ngày hôm nay.

Nguyễn Trường Tộ là ai? “Chắc chắn đó là con người học thức cao nhất và sáng suốt nhất của thời đại ông ta”, Đào Duy Anh đã viết về ông như thế. Võ Đức Hạnh đã lặp lại với rất nhiều chi tiết: “Nhân vật Công giáo này, cùng một lúc, là thi sĩ, nhà chiến lược, giáo sư, kiến trúc sư, nhà ngoại giao, lý thuyết gia chính trị, lý thuyết gia kinh tế, kỹ sư cầu cống và chuyên gia các thể chế quốc gia. Mọi lĩnh vực đều làm ông lưu ý”. Philippe Langlet với sự lùi lại trong thời gian tỏ ra dè dặt: “Dù sao cũng không nên coi Nguyễn Trường Tộ như một người rất độc đáo: Nguyễn Ánh (Gia Long) đã giao phó con của mình cho Giám mục Pháp Pigneau de Béhaine; vua Minh Mạng đã lo lắng về nền giáo dục chính thức nặng hình thức và tinh thần hẹp hòi”. Quả đúng Nguyễn Trường Tộ là một trong những người Việt Namđầu tiên đến Paris vào giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên tiểu sử của ông đã không thành đối tượng của một nghiên cứu danh tiếng nào trong tài liệu lưu trữ Pháp, trong đó người ta phải tìm ra dấu vết của chuyến ghé qua Paris của ông. Một số tình tiết ít quan trọng của đời ông còn chưa rõ. Nhưng điều đó có hệ chi? Trước hết Nguyễn Trường Tộ là tác giả của 43 bản điều trần gởi vua Tự Đức để khuyến khích việc canh tân. Trước khi đề cập đến tác phẩm của ông và những tiếng vang của tác phẩm ấy, tôi sẽ tường thuật nhanh gọn cuộc đời ông, vì chưng nếu có một trường hợp trong đó tính biến cố, tính tiểu sử và lịch sử lý thuyết (thể chế, não trạng, xã hội học…) quyện chặt vào nhau, thì đó chính là trường hợp của Nguyễn Trường Tộ.

Một cuộc hành trình lạ lùng về địa dư và ý thức hệ

Nguyễn Trường Tộ sinh vào năm 1828, trong một gia đình Công giáo thuộc một làng gần thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cha ông, một thầy thuốc do nguồn đào tạo cổ truyền, đã cung cấp cho ông một nền giáo dục bằng chữ Nho theo kiểu đạo Khổng truyền thống. Sau đó Nguyễn Trường Tộ lập gia đình và có hai người con mà một người đã trở thành linh mục. Có hai nhà trí thức lớn trong tỉnh quê quán ông đã giúp ông hoàn thiện chuyện học hành, nhưng chẳng bao giờ ông có được danh hiệu tiến sĩ hoặc bởi vì ông không được phép dự các cuộc thi (theo Văn Tân) hoặc vì ông bị gạch tên trong danh sách vì lý do tôn giáo của ông mặc dầu ông đã đỗ thủ khoa (theo Thái Văn Kiểm).

Một linh mục chánh xứ đã mời ông dạy chữ Nho trong xứ đạo của ngài, và tại đây Nguyễn Trường Tộ đã làm quen với vị Đại diện Tổng toà xứ Nam Đàng Ngoài, Giám mục Gauthier (tên Việt Nam là Ngô Gia Hậu). Cuộc gặp gỡ này đã định hướng cuộc đời ông. Ngạc nhiên vì trí thông minh đặc biệt của ông, vị Giám mục đã che chở cho ông, dạy cho ông tiếng Pháp, tiếng La tinh và giúp ông đi vào lãnh vực khoa học và triết học. Tin tưởng ở khả năng của ông, ngài đã giao trách nhiệm cho ông đi Hồng Kông và Singapore . Vì Kitô giáo lại bị cấm sau khi người Pháp bắn phá Tourane lần thứ ba vào năm 1858 và vì căng thẳng ngày càng tăng trong vùng Nghệ An, nên Giám mục Gauthier đi Âu châu, có Nguyễn Trường Tộ đi theo, vì thế ông được đến thành Roma và được đức Piô IX cho triều yết, rồi sau đó đến Pháp và ở lại đây gần 3 năm trời, chứng tỏ một tính hiếu học không hề biết chán. Không hài lòng chỉ lui tới các thư viện, ông đến tận nơi để tham quan các nhà máy sợi, các hầm mỏ phía bắc và các nhà máy luyện kim phía đông (nước Pháp).

Trên con đường về nước, ông đã ghé Hồng Kông (và/ hoặc vùng Ấn Độ thuộc Hà Lan) tại đây một Giám mục đã tặng ông 300 tác phẩm mà sau đó bọn hải tặc đã cướp mất của ông. Ông đẩy cuộc hành trình đến tận Quảng Đông để mở rộng nhãn quan. Khi trở lại Việt Nam thì người Pháp củng cố vững chắc chỗ đứng của họ ở Gia Định, ông chấp nhận, vào tháng 2 năm 1861, những đề nghị mà người ta đưa ra cho ông là làm việc cho người Pháp với tư cách là thông dịch viên trong khi lúc trước ông đã từ chối. Xác tín rằng việc ký kết một thoả ước là chiến lược duy nhất có tính thực tế trong tức thời, ông cho rằng nhờ đó mà có thể kéo đất nước của mình ra khỏi chỗ bế tắc. Trong khi thi hành chức vụ, ông quan tâm làm cho bớt những gây cấn, tìm cách cứu vãn thể diện của các nhà thương thuyết của triều đình Huế và đóng vai trò mà người ta dễ cho là trò chơi hai mặt nếu từ này không mang một âm hưởng xấu, không thể phù hợp với thái độ vô vị lợi như thái độ của ông. Ông thông tin cho phía Việt Nam những tin tức quan trọng về những ý muốn của người Pháp, đặc biệt về sự hỗ trợ mà người Pháp định dành cho những người nổi loạn ở Đàng Ngoài. Ông đã đánh cắp cả một tài liệu bằng chữ Nho mà người ta yêu cầu ông dịch và thay thế nó bằng một tài liệu khác sau khi đã trao lại tài liệu ấy cho người Việt Nam . Có lẽ chính nhờ ở ông hoặc ở một số người đồng hương với ông có một vai trò ít nhiều giống như ông mà nhà chức trách Huế đôi khi nắm được những thông tin chính xác. “Có một việc đáng kinh ngạc, nhưng chắc chắn, J. Silvestre viết, là bao giờ cũng thế, những người An Nam này mà người ta tưởng lầm là rất xa lạ với các vấn đề châu Âu, lại rất thông thạo tin tức không chỉ về những ý muốn của các chính phủ nữa. Họ được ai thông tin? Hẳn là rất khó lại còn tế nhị hơn nữa để nói ra ở đây. Dù sao đi nữa thì từ tháng 7 năm 1863, triều đình Huế đã biết rằng một món tiền chuộc lớn dâng cho Pariscó lẽ có thể chuộc lại xứ Nam kỳ”.

Nội thất nhà nguyện tu viện Dòng Thánh Phaolô do Nguyễn Trường Tộ vẽ kiểu và xây dựng.
Nội thất nhà nguyện tu viện Dòng Thánh Phaolô do Nguyễn Trường Tộ vẽ kiểu và xây dựng.
Vào cuối năm 1861, khi Đô đốc Bonard đến với danh hiệu Thống sứ, Nguyễn Trường Tộ từ nhiệm khỏi các chức vụ thông dịch viên để lao vào công việc của một nhà kiến trúc. Ông xây cất tu viện vànhà nguyện các nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres ở Sài Gòn, mà vẫn không bỏ việc theo dõi và suy nghĩ về những vấn đề trọng đại. Trong khoảng thời gian đó, để có thể trị đám nổi loạn ở Đàng Ngoài,vua Tự Đức phải chấp nhận ký vào tháng 6 năm 1962 một thoả ước nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ.

Vào mùa xuân năm sau, tức tháng 3 năm 1863, Nguyễn Trường Tộ gửi những bản điều trần đầu tiên cho nhà vua qua trung gian những quan chức Việt Nam mà ông có thể tiếp xúc được, đặc biệt là ông Trần Tiến Thành, Thượng thư Bộ Binh, người sau này hỗ trợ mạnh mẽ cho Nguyễn Trường Tộ và ông Phạm Phú Thứ sau này là phụ tá của Phan Thanh Giản trong sứ đoàn được gửi sang Paris sau đó ít lâu. Bốn điều trần đầu tiên của ông làm thành một, toàn bộ được đề bằng một “tuyên xưng lòng tin” (Trần tình khải) trình bày những lý do tại sao ông nhận làm việc trong phái bộ Pháp và sự trung thành sâu xa của ông đối với ngai vàng và với tổ quốc mặc dầu bề ngoài không có vẻ như vậy. Ba bản văn khác là một hoàn cảnh của nền chính trị quốc tế (Thiên hạ đại thế luận), một thuyết lý về tôn giáo (Giáo môn luận) yêu cầu nhà vua có một chính sách khoan nhượng vì lợi ích của chính quốc gia và một phác thảo hành động hướng theo “Sáu trung tâm điểm của mối lợi” (lục lợi tụ). Xác tín rằng việc tiếp diễn chiến sự có thể dẫn tới thảm hoạ, Nguyễn Trường Tộ đề xuất một chính sách mở của mạnh dạn song song với hoạt động ngoại giao mọi phía và hiện đại hoá trong mọi lãnh vực, bắt đầu từ quân đội tạo điều kiện cho đất nước tự khẳng định lại sau khi đã tìm lại được sự hùng mạnh. Không phải là thái độ của kẻ đầu hàng hoặc hèn yếu đối với ngoại quốc, định hướng của ông chứng tỏ một cái óc thực tế rất hiện đại trong phân tích chính trị, nhằm mục đích phục vụ chính nghĩa quốc gia và nền quân chủ. Nguyễn Trường Tộ lưu lại Sài Gòn trong khi một phái đoàn Việt Nam đi Paris để đàm phán, không phải là không có kết quả, về một thoả ước có lợi cho Việt Nam hơn vào cuối năm 1863. Trong thời gian phái đoàn đó lưu lại bên Âu châu ông, nhấn mạnh với Trần Tiến Thành về sự cần thiết phải có quan hệ với các thế lực khác ở Tây phương ngoài nước Pháp. Như Taboulet đã ghi nhận, phái đoàn Phan Thanh Giản (tháng 6 năm 1863 - tháng 3 năm 1864) đã đạt được mục tiêu: “Nước Pháp, từ bỏ việc thiết lập một thuộc địa tại Nam kỳ, bằng lòng với việc có ở đó một chính sách thương cục. Nước Pháp chấp nhận nhường trở lại 3 tỉnh phía Đông, trừ những lãnh địa nhỏ, kiểu như nhượng địa ở Ma - cao, rút gọn xung quanh Sài Gòn, Mỹ Tho và Vũng Tàu. Bù lại việc từ bỏ chủ quyền nói trên, nước Pháp duy trì sự bảo hộ trên toàn 6 tỉnh, một thứ bảo hộ không được xác định rõ ràng, được cụ thể hoá nhất là bằng việc đóng thuế cống vĩnh viễn cho nước Pháp”.

Nhà nguyện tu viện Dòng Thánh Phaolô do Nguyễn Trường Tộ vẽ kiểu và xây dựng
Nhà nguyện tu viện Dòng Thánh Phaolô do Nguyễn Trường Tộ vẽ kiểu và xây dựng
Thành công tương đối đó chứng tỏ rằng việc mở cửa có thể phải trả giá, như chính Nguyễn Trường Tộ cũng đã lưu ý trước. Tuy nhiên ý kiến của ông chỉ được sử dụng một cách giới hạn. Người tanghi ngờ ông rất nhiều. Các nhà trí thức chống Tây, Nho học rất bảo thủ và yêu nước một cách kịch liệt, từ xa là thành phần đông nhất, đều coi ông như một kẻ phản bội đáng chết. Ông cũng không vì thếmà không tiếp tục cùng một trật những công việc thuộc địa hạt thực tế và công trình của nhà chính trị học. Vào năm 1864, trong một bức thư gửi ông Trần Tiến Thành, ông xin phép cho được đi dự cuộchọp của một hiệp hội bác học mời ông sang Anh. Chắc chắn đây sẽ là cơ hội để tìm cách nối kết những tiếp xúc trên cấp độ cao hơn. Bức thư được chuyển lên Tự Đức, nhà vua đã đọc nhưng không cho phépông đi.

Lập trường của Nguyễn Trường Tộ lúc đó là cái gì lạ kỳ. Ở toà Giám mục Xã Đoài, quê quán ông nơi ông trở về, ông đã tái lập một ngôi làng trên chỗ đất phì nhiêu hơn để trồng tại đó một giống cam Tây Ban Nha do các thừa sai mang đến và giống cam này đã nổi tiếng từ đó. Ông thực hiện việc xây cất một ngôi thánh đường hùng vĩ. Nghe biết tài năng ông, quan Tổng trấn Hoàng Tá Viên giao cho ông xây một kinh đào dài khoảng 20 cây số và ông đã hoàn thành xuất sắc, mặc dầu có nhiều khó khăn về đất đai thổ nhưỡng là nguyên nhân thất bại của các cố gắng trước đó. Cùng một lúc ông cho ta cái cảm tưởng là ông rao giảng trong sa mạc và lại được lắng nghe: “Nếu Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì trình lên vua Tự Đức nhưng bản báo cáo của ông, chính là vì tư tưởng của ông không bị gạt bỏ ngay lập tức”, Nguyễn Thế Anh đã viết như thế. Cách hành động của ông, ắt là trong một trường hợp, quả là cho người ta chưng hửng. Người ta tưởng rằng ông tìm cách tới gần với chính quyền bính và người ta nhận thấy rằng ông chạy trốn quyền bính; người ta cho rằng ông đáng được có chỗ trong triều đình và người ta tự hỏi là có phải ông không sợ bị bách hại chăng. Theo Đào Duy Anh, ông có lẽ đã lưu lại ở Huế lần đầu tiên, theo lệnh của vua Tự Đức, vào tháng thứ hai năm 1866, để cùng với Giám mục Gauthier và hai linh mục khác, một Pháp một Việt, lo việc mua một con tàu chạy bằng hơi nước. Thế nhưng cả cái ê kíp này nói hôm trước hôm sau đã biến một cách đột ngột khỏi kinh đô mà không báo cho ai biết cả. Nhà vua khiển trách dữ dội Thượng thư Trần Tiến Thành là người đã dựng nên chuyện mời mọc này. Chắc chắn người ta có thể thoáng thấy qua sự cố trên những áp lực mạnh mẽ trong hậu trường triều đình Huế, chống lại mọi thái độ khoan dung đối với người Công giáo và moi toan tính hợp tác với người Pháp.

Dù sao đi nữa, thì vào năm 1865, Nguyễn Trường Tộ cũng đã đệ tình thêm 3 bản điều trần mới qua ông Trần Tiến Thành và hai bản khác qua ông Phạm Phú Thứ. Hoàng đế đã đọc các bản điều trần đó song không rút ra được những hệ quả thực tế tức thời, nhưng muốn biết về tác giả, nên nhà vua đã hỏi các quan cận thần xem có thể tin cậy ở những người Công giáo đến mức độ nào. Những ý kiến của Nguyễn Trường Tộ đã ghi được một điểm và sẽ bắt đầu áp dụng chút đỉnh trong năm sau. Vào bước ngoặt giữa năm 1865 - 1866, cảm thấy có một sự chuyển biến về phía Bangkok, ông đề xuất những cuộc tiếp xúc với nước Anh và nước Xiêm để chống lại nước Pháp một cách gián tiếp trên đất Cam Bốt. Nhưng chính là trên một kế hoạch khác mà tiếng nói của ông sẽ được người ta nghe theo.

Vào tháng thứ tư năm 1866, Trần Tiến Thành và Phạm Phú Thứ, hai người có thư từ qua lại với ông tại triều đình, đệ lên vua Tự Đức một phương án gồm 4 điểm: cho Pháp và Tây Ban Nha được mở những thương điếm ở Tourane, Ba Lat và Quảng Yên để tránh những rắc rối sau này, mở một toà lãnh sự tại Sài Gòn để duy trì một cách kín đáo những quan hệ với các tỉnh phía Tây Nam kỳ, cho lệnh đo đạc những khu đất đai thuộc các vùng cảng để sau có thể bán cho người nước Ngoài, cho người Tây phương khai thác và thăm dò tài nguyên mỏ của Nghệ An. Dự án này bị nhấn chìm trong những cuộc tranh cãi vô bổ.

Nguyễn Trường Tộ đang chuẩn bị thực hiện những cuộc thăm dò cho chính quyền tỉnh này khi ông được gọi về triều trong mùa hè 1866 để được giao phó một sứ mạng. Tháng 9, ông sang Pháp cùng với Giám mục Gauthier, linh mục Nguyễn Diên và hai quan lại triều đình để mua sắm vật dụng và chiêu mộ các chuyên gia nhằm mục đích mở một trường chuyên nghiệp. Một cố gắng không có ngày mai theo sau màn đạo diễn tháng 6 năm 1867: nước Pháp thôn tính 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Khi Giám mục Gauthier trở lại Huế với Nguyễn Trường Tộ và hai thừa sai chuyên gia ngày 29 tháng 2 năm 1868, mọi chuyện tưởng như tốt đẹp một cách tuyệt vời lúc đầu. Hoàng thượng hết sức quan tâm. Nhưng rất nhanh, một cuộc chống đối mạnh mẽ bùng lên và các linh mục phải rời khỏi kinh đô dưới sự che chở của lính cảnh vệ triều đình để thoát khỏi cơn thịnh nộ của các nhà Nho. “Mưu toan này, Trương Bá Cần viết, là ý định thoáng qua đầu tiên và cuối cùng có tính nghiêm túc của Tự Đức. Thật kinh ngạc mà ghi nhận là nó đã thất bại vào chính lúc mà triều đình Minh TRị bắt đầu bên Nhật”.

Nguyễn Trường Tộ về tỉnh nhà quê của ông. Năm 1870, hoàng đế lại yêu cầu ông sang Pháp một lần nữa để dẫn đầu một nhóm sinh viên được chọn lọc các thứ tiếng. Vì sức khoẻ thật sự yếu kém, Nguyễn Trường Tộ đã từ chối đề nghị này. Nhưng không vì đó mà ông không tiếp tục thảo ra báo cáo về những vấn đề còn cơ bản hơn chuyến đi của một số thông dịch viên tương lai nhiều. Từ cuối năm 1870, ông lưu ý rằng cuộc bùng nổ trong mối xung đột giữa Pháp và Đức tạo nên cơ hội tốt để chúng ta rũ bỏ sự hiện diện của Pháp, bằng hoạt động ngoại giao và hoạt động quân sự quyết liệt một đàng thì dựa vào các thế lực Âu châu khác, một đàn thì dựa vào Xiêm và Cam Bốt. Ông đưa ra nhiều chương trình chính xác và cụ thể trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt ông đề xuất vay tiền của Hồng Kông để chữa trị chứng bệnh thiếu tiền của đất nước, căn bệnh khiến cho mọi cải tổ cơ cấu đều không thể nghĩ tới được. Vào cuối năm 1871, khi viễn tưởng khai thác mối xung đột Pháp - Đức đã biến mất, ông lại tiếp tục trên bình diện chiến lược, đề nghị một kế hoạch xâm nhập lực lượng Pháp, trải dài trong hai năm để khuynh đảo thành Gia Định từ bên trong. Sau đó ít lâu thì ông qua đời, ngày 22 tháng 11 năm 1871, thọ 43 tuổi, do một chứng bệnh trầm trọng mà việc chẩn đoán không được rõ.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...
Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.