Nguyễn Khắc Viện - Con người duy lý đến hai lần
Có một lần, Nhà xuất bản Ngoại văn mời giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đến nói chuyện về trường sinh học. Tình cờ tôi ngồi đối diện với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - thủ trưởng cơ quan, thấy ông nghe rất chăm chú. Tan cuộc, tôi lân la đến hỏi bác sĩ về môn khoa học huyền bí đang trở thành mốt này. Nguyễn Khắc Viện bật ra một câu nói của Khổng Tử: “Tố ẩn hành quái, ngô bất vi chi” (những việc bí ẩn quái dị, ta không làm). Rồi ông buông thõng “Trong đời sống cũng như trong khoa học không thể và không nên thiếu những đầu óc mơ mộng kỳ quặc, nhưng nếu ai cũng vậy thì...”.
Tôi biết ông nói vậy không phải để răn đe nhân viên. Một người duy lý như ông không tán thành trường sinh học thì cũng là chuyện đương nhiên. Vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho, từ nhỏ tuy không học chữ Hán, nhưng ông đã nhiễm tư tưởng, lối suy nghĩa của nhà nho một cách vô thức. Nho giáo là một học thuyết cai trị, một tập hợp những ứng xử xã hội lấy tu thân làm gốc, lấy gia đình làm hình mẫu. Khổng Tử đã tự minh định mình bằng câu “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (Học không biết chán, dạy cho người khác không biết mỏi). Nhà nho là người không chỉ muốn giải thích (nhiều khi không muốn cả giải thích nữa), mà muốn cải tạo xã hội, trước hết là cải tạo con người. Ông Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm ý thức điều đó hơn ai hết, đã cho cậu con trai đi học chữ quốc ngữ, vì biết được sự suy tàn của đạo Nho, “ông nghè, ông cống cũng nằm co”. Lĩnh ý cha, Nguyễn Khắc Viện học rất chăm, học thành tài để giúp dân giúp nước. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông không học luật để ra làm quan, mà chọn nghề thầy thuốc là vì vậy.
Con người dòng dõi Nho học đó lại tiếp thụ khoa học phương Tây, mà tinh thần cốt yếu của nó là khoa học thực nghiệm, nhất là thời gian học y khoa ở Pháp từ năm 1937 đến năm 1941 con người duy lý phương Đông lại tiếp tục được tu nghiệp trong nhà trường duy lý phương Tây. Như vậy, Nguyễn Khắc Viện là con người duy lý đến hai lần. Từ năm1942 đến năm 1951, sau khi bị lao phổi phải cắt bỏ một lá và lá kia cũng chỉ còn lại một nửa, Nguyễn Khắc Viện lên núi chữa bệnh, tiếp xúc với chủ nghĩa Mác và tìm ra thuật dưỡng sinh theo phương pháp khí công – yoga. Khỏi bệnh, ông “hạ sơn” và tái xuất vào con đường hoạt động cách mạng, làm chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, viết nhiều sách báo tuyên truyền cho Việt Nam , cho đến khi bị trúc xuất về nước năm 1963. Ở nhà, ông được giao công tác văn hoá đối ngoại, tạo một bước mới về chất, từ nội dung, phong cách đến tầm cỡ những vấn đề đặt ra. Ông còn tích cực tham gia vào đời sống đất nước, luôn có tiếng nói kịp thời về những sự kiện xã hội, từ việc phản biện về chủ trương ép dân bỏ làng lên núi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), khoán nông nghiệp, đến các góp ý về định hướng phát triển đất nước trước các Đại hội Đảng...
Người ta thường nói đời người đi theo đường đạn đạo học. Ra đời là “động vật bốn chân” đến khi về già lại thành “động vật ba chân”. Tôi thấy Nguyễn Khắc Viện không nằm trong thông lệ này. Càng về già, ông càng trở về với chữ tâm: từ duy lý đến đạo lý, từ đạo lý đến tâm lý (thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em) và cuối cùng từ tâm lý đến tâm linh. Đó là một sự hướng thượng.
Nguyễn Khắc Viện đã thực hiện một chương trình nghiên cứu về thờ cúng tổ tiên ở thành phố. Thoạt tiên ông chỉ muốn tìm kiếm và xây dựng một yếu tố cố kết cho những người dân thành phố đang hiện đại hoá. Nhưng dần dần ông thấy ý nghĩa của nó còn hơn thế nhiều. Hoá ra, nhu cầu tâm linh là một chiều đích bản thể của con người...
Người trí thức Đảng viên cộng sản Việt Nam không phải là nhất thanh bất biến, mà luôn biết tự thay đổi, có quyền được thay đổi. Nhưng dù thay đổi đến thế nào đi nữa thì vẫn không xa rời đạo lý, xa rời chữ tâm. Có lẽ, đó là bài học sâu sắc nhất mà cuộc đời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã để lại.
Nguồn: Tài trí Việt Nam , tr 107