Ngộ độc thuốc
Biểu hiện
Về hô hấp: khó thở, ngứa họng, ngứa mũi. Có khi thở chậm (ngộ độc thuốc ngủ, thuốc mê, morphin, heroin, rượu....) hoặc thở nhanh hơn (ngộ độc belladon, cocain, cafein, niketamid, long não); ở người lớn nhịp thở bình thường là 16 - 20 lần/ phút. Hơi thở ra có thể có mùi thuốc.
Về tim mạch: huyết áp có thể hạ xuống 0 hoặc không đo được trong trường hợp nặng: huyết áp có thể tăng trong trường hợp ngộ độc adrenalin, noradrenalin, corticoid... Nhịp tim có thể nhanh (ngộ độc amphetamin, ephedrin, atropin...) hoặc chậm (ngộ độc digital, quinidin...) hơn bình thường (ở người lớn, nhịp tim bình thường là 70 - 80 lần/ phút). Nhịp tim có thể không đều, ngắt quãng.
Về thần kinh: trường hợp nhẹ có thể nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt; trường hợp nặng có thể bị co giật (ngộ độc long não, atropin, cocain, theophtylin, isoniazid, aminazin...), mê sảng (ngộ độc belladon, long não, cocain...), hay hôn mê (ngộ độc rượu, barbitural, opizoic, atropin, insulin...).
Về tiêu hoá: nôn mửa, có thể nôn ra máu (ngộ độc aspirin, thuốc chống đông), khô miệng (độc atropin, belladon...), đau bụng, tiêu chảy.
Các biểu hiện khác: có thể bí tiểu, tiểu máu màu đỏ hồng (ngộ độc aspirin,, thuốc chống đông...) hoặc nước tiểu có màu đen, xanh, vàng tuỳ loại thuốc, trường hợp nặng có thể vô niệu (không nước tiểu). Mờ mắt, ù tai, đồng tử (con ngươi) có thể nở to hoặc co nhỏ lại. Da khô, xanh tím. Có thể sốt cao hay hạ thân nhiệt, chân tay lạnh, vã mồi hôi.
Sơ cứu
- Nếu phát hiện nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, trước tiên phải phục hồi lại chức năng hô hấp, tuần hoàn cho nạn nhân, bằng cách làm hô hấp nhân tạo.
- Loại bỏ chất độc bằng các gây nôn, biện pháp này được áp dụng đối với người ngộ độc thuốc qua đường uống. Có thể móc họng, đè gốc lưỡi để kích thích gây nôn; cũng có thể hoà nước muối thật đặc cho uống để gây phản xạ nôn. Cách thứ hai này an toàn, đơn giản và nhanh chóng. Cũng có thể gây nôn bằng cách cho uống sirô Ipeca 30 ml, sau đó uống 300 - 400 ml nước (trẻ em dùng ½ liều).
Việc xử trí ngộ độc thuốc hết sức phức tạp vì khó xác định loại thuốc gây độc, nhất là khi nạn nhân bị hôn mê, hoặc trẻ em không nói được... Chính vì vậy, trong mọi trường hợp nghi bị ngộ độc thuốc, sau khi đã xử trí sơ cứu phải chuyển ngay nạn nhân đi bệnh viện.
Phòng ngừa
- Cần có tủ thuốc gia đình để cất giữ và bảo quản thuốc đúng nguyên tắc.
- Thuốc dùng cần đựng trong chai lọ hoặc trong hộp có nhãn ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, liều dùng và hạn dùng để tránh nhầm lẫn;
- Không tự chữa bệnh qua kiểu “truyền miệng” hay mách nước.
- Không nên sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ; phải sử dụng thuốc đúng theo đơn chỉ dẫn.
- Chú ý phát hiện sớm những người có biểu hiện rối loạn tâm thần, trầm cảm, bị ức chế tinh thần, tự gây ngộ độc thuốc. Để thuốc xa tầm tay trẻ em.