Nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng bền vững tại Công hoà Liên bang Đức
Theo lời mời của Viện Friedrich Ebert Stifting (FES), Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội và Kỹ thuật Việt Nam đã có chuyến nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững tại Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 04/7 đến ngày 09/7/2022. Tham gia Đoàn còn có đại diện lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công thương thuộc Bộ Công thương, Học viện Báo chí và Tuyên
Trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu, Đoàn công tác đã làm việc và gặp gỡ với rất nhiều các Bộ, ngành, Cơ quan, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp khác nhau trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng của Đức. Sau buổi làm việc đầu tiên tại trụ sở của FES, Đoàn Công tác đã có buổi họp với Viện Nghiên cứu Năng lượng Agora, Viện Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, Viện KEK, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu, Liên hiệp Công đoàn và một số doanh nghiệp của Đức trong lĩnh vực truyền tải điện, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nghiên cứu công nghệ mới trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, Đoàn công tác đã tham quan thực địa tại ngôi làng Feldheim, nơi mà toàn bộ nguồn năng lượng sử dụng của người dân trong làng được cung cấp bởi năng lượng gió, mặt trời và sinh khối; thành phố Cottbus, nơi dự kiến sẽ đóng cửa toàn bộ các mỏ than lộ thiên vào năm 2032 và chuyển đổi thành khu du lịch sinh thái; thăm quan và tìm hiểu về hoạt động của Quốc hội Liên bang Đức; và nhiều hoạt động trải nghiệm khác về văn hoá Đức.
Đoàn công tác làm việc tại Viện FES
Tại các buổi họp làm việc, các chuyên gia và đại diện cho các tổ chức đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của Đức về quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Theo đó, Chính phủ Liên bang Đức đặt ra mục tiêu đến năm 2038 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc khai thác các mỏ than đá và chuyển sang các loại hình năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối thuỷ điện và các loại công nghệ năng lượng mới. Để thực hiện được chiến lược đó, Chính phủ Đức đã phê duyệt kinh phí khoảng 40 tỷ EUR từ ngân sách Liên bang, nhằm hỗ trợ thực hiện các công việc nghiên cứu công nghệ mới, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đánh giá thị trường và các công nghệ mới, tính ứng dụng và hiệu quả của các công nghệ mới trong thị trường, đào tạo nguồn nhân lực trong ngành thị trường năng lượng mới, hỗ trợ cho những doanh nghiệp và người lao động trong khu vực bị ảnh hưởng bới chiến lược này. Trong bối cảnh hiện nay, với rất nhiều khó khăn về nguồn cung cấp nhiên liệu, Chính phủ Đức đã phải cho tái khởi động lại một số nhà máy nhiệt than. Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn cam kết sẽ giữ nguyên mục tiêu sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo vào năm 2038.
Đoàn công tác làm việc tại Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức
Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng bền vững, Hiệp hội Công đoàn của Đức cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, làm việc chặt chẽ với Chính phủ và các bên liên quan nhằm đảm bảo chất lượng đời sống của công nhân ngành than điện cũng như đảm bảo an sinh xã hội trong các khu vực mỏ than không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về phía đoàn công tác, ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng thư ký đã chia sẻ với các đối tác về mô hình hoạt động, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp của Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như của các tổ chức xã hội trong hệ thống trong tiến trình chuyển đổi năng lượng bền vững tại Việt Nam. Các thành viên của Đoàn công tác cũng có những trao đổi, chia sẻ thêm với phía bạn về các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiến tới chuyển đổi năng lượng bền vững.
Đoàn công tác tham quan thực địa tại trang trai điện gió, làng Feldheim
Viện FES được thành lập năm 1925, là tổ chức chính trị lâu đời nhất, mang tên của vị Tổng thống đầu tiên của Đức. FES đã có 30 năm hoạt động tại Việt Nam, trong đó chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững là một trong hai chương trình chính của FES tại Việt Nam, với mục tiêu chuyển đổi sinh thái xã hội thúc đẩy nền kinh tế phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới hòa nhập xã hội; thúc đẩy chuyển dịch công bằng, đảm bảo sự bình đẳng đối với người lao động trong ngành nhiên liệu hóa thạch và các nhóm đối tượng khác chịu ảnh hưởng của quá trình này.
Trong thời gian làm việc tại Đức, Đoàn công tác cũng đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tiếp đón thân mật, cùng trao đổi một số nội dung liên quan về cộng đồng người Việt Nam tại Đức, đề xuất một số định hướng về sự hợp tác giữa các tổ chức của Đức tại Việt Nam với các tổ chức xã hội trong nước.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình chuyển đổi năng lượng bền vững, phù. hợp với các điều kiện, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về ứng phó với những thách thức toàn cầu của các nước trên thế giới, đặc biệt là quốc gia phát triển như Cộng hoà Liên bang Đức, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam. Chuyến nghiên cứu, học tập cũng là dịp để Liên hiệp Hội Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là việc tìm hiểu và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp.