Ngày Môi trường thế giới: Từ nhận thức đến hành động
Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Năm 2014, Ngày Môi trường thế giới có chủ đề "Hãy hành động để ngăn chặn nước biển dâng".
Có một sự trùng lặp là năm nay Việt Nam đã công bố "Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Chiến lược thể hiện quan điểm đổi mới tư duy phát triển biển, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động, hiểu biết về tiềm năng, lợi thế và tác động bất lợi từ biển; kết nối không gian phát triển đất liền với các vùng biển, hải đảo và vùng biển quốc tế. Cùng với đó, tài nguyên - môi trường biển được khẳng định có ý nghĩa hết sức quan trọng, gắn liền với chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế, an ninh quốc phòng. Đối với vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược nhấn mạnh dựa trên hệ sinh thái, khai thác tài nguyên trong giới hạn phục hồi, bảo đảm hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế, xã hội, môi trường; hạn chế xung đột giữa bảo vệ, bảo tồn biển đảo với khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế… là những nguyên tắc cơ bản để phát triển bền vững.
Theo TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên - Môi trường, những thách thức đối với tài nguyên, môi trường biển hiện nay là việc khai thác quá mức khiến tài nguyên biển cạn kiệt, suy thoái nhanh. Trong khi đó, nguồn thải từ đất liền ngày càng lớn, ô nhiễm trên biển gia tăng, thậm chí một số khu vực đến mức báo động. Các hệ sinh thái biển chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế, từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiểu biết về biển chưa đầy đủ, thiếu toàn diện, thiếu cơ chế quản lý tổng hợp, thống nhất được vận hành thông suốt… Vì vậy trong các mục tiêu, giải pháp cụ thể đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải giảm suy thoái tài nguyên, kiểm soát được ô nhiễm, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và duy trì chức năng sinh thái của hệ sinh thái biển. Việt Nam cũng lập quy hoạch tổng thể, điều tra, xác định rõ khả năng xảy ra tai biến tự nhiên, sự cố, thảm họa môi trường; lập bản đồ hệ sinh thái, bản đồ địa hình đáy biển; hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn biển, hiện đại hóa các trạm quan trắc khí tượng hải văn biển, thiết lập hệ thống cảnh báo sóng thần, bổ sung hệ thống giám sát, phát hiện sự cố môi trường biển… Liên quan đến hoạt động khai thác, Việt Nam sẽ xây dựng định hướng phát triển không gian biển, thiết lập cơ chế kiểm soát khai thác, phân bố lợi ích thu được bảo đảm yêu cầu về môi trường; thiết lập cơ chế đồng quản lý, quyền khai thác và hưởng lợi…
Là quốc gia có bờ biển dài hơn 3.200km, hơn 1 triệu kilômét vuông vùng đặc quyền kinh tế, khoảng 3.000 đảo ven bờ, Việt Nam có nguồn tài nguyên đặc biệt từ biển. Việc khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển bền vững, hiệu quả, cùng với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để cụ thể hóa, từ năm 2010, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phát động "Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam" cùng với việc kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới 8-6, nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của biển và hải đảo cũng như tôn vinh giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại. Năm nay, "Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam" được tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 6 đến 8-6, với chủ đề "Chung tay bảo vệ đại dương xanh". Dự kiến sẽ có các hoạt động như diễn đàn thương hiệu biển, ra quân tình nguyện làm sạch môi trường bãi biển, phát động phong trào ủng hộ ngư dân bám biển sản xuất, khẳng định chủ quyền biển - đảo Tổ quốc.
Không phải là thành phố ven biển nhưng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề "Hãy hành động để ngăn chặn nước biển dâng" cũng được Hà Nội tổ chức bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như phát động chương trình truyền thông kêu gọi cộng đồng sử dụng nguồn năng lượng, công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng nguyên liệu phát thải gây hiệu ứng nhà kính; ra quân tình nguyện làm sạch sông, hồ, kênh mương, các khu dân cư, khu vực công cộng, trồng cây tại tổ dân phố, thôn, xóm…