Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Tuy nhiên, để không ngừng nâng cao chất lượng công tác TV, PB & GĐXH của LHHVN, cần có những giải pháp cụ thể phát huy tối đa vai trò của giới trí thức, đây là ngững người có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi họ là thành viên. Và mục tiêu cuối cùng của TV, PB & GĐXH là để hoàn thiện cái đang cần phản biện để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Hội nghị lấy ý kiến nhà khoa học LHHVN về Dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi) tháng 2/2023
Tăng cường thảo luận, cọ xát quan điểm
Các phiên họp, toạ đàm, hội thảo của LHHVN nên khuyến khích thảo luận, tranh luận, cọ xát quan điểm, thời lượng phần thảo luận, tranh luận nên mởi rộng và có thời lượng nhiều hơn.
Trước nay các cuộc hội thảo về TV, PB & GĐXH do LHHVN tổ chức thường có nhiều chuyên gia trình bày, chia sẻ ý kiến, và thường thì kết thúc phần tham luận cũng là lúc sắp đến giờ kết thúc hội thảo. Thời gian dành cho phần thảo luận, tranh luận, cọ xát quan điểm hơi ngắn, trong khi đây chính là lúc sôi động nhất, kích thích sự sáng tạo của chuyên gia nhất. Cũng là lúc từng chuyên gia cần làm rõ, bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình trước những quan điểm, ý kiến khác biệt, thậm chí trái chiều.
Thông qua thảo luận, tranh luận nhiều vấn đề sẽ được soi tỏ ở nhiều phương diện, cuộc họp sẽ đóng góp được nhiều ý kiến bổ ích, đề xuất được nhiều giải pháp xác đáng hơn.
Như Luật đất đai (sửa đổi) là một “siêu luật” vì nó quy định quyền và nghĩa vụ của nhà nước, cá nhân, tổ chức đối với nhau về một loại tài sản/tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất của từng con người và xã hội loài người, đó là đất đai. Các vấn đề như quyền sở hữu đất, quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất, thuế bất động sản, thừa kế đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, ‘nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch’ v.v. đều có thể có nhiều quan điểm khác nhau thậm chí trái chiều nhau. Nếu mỗi chuyên gia sau khi nêu tóm tắt ý kiến tham luận còn có thời gian để phân tích làm rõ, trả lời những câu hỏi thắc mắc, bàn luận của những diễn giả khác thì những cuộc hội thảo chắc chắn sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn.
Các nhà khoa học LHHVN phản biện về BOT giao thông - thực trạng và giải pháp năm 2017
Lập danh mục chi tiết các vấn đề cụ thể cần thảo luận
Cần liệt kê, danh mục hoá những tiểu vấn đề nằm trong đại vấn đề cần thảo luận. Chẳng hạn đối với Luật đất đai, cần vạch ra vài chục vấn đề cụ thể và gửi từ trước tới khách mời tham dự hội thảo để tiện cho việc chuẩn bị ý kiến, nêu ý kiến, đối thoại, thảo luận nếu cần.
Ví dụ như Nghị quyết 19 BCHTW Khoá XI năm 2012 chúng ta đã xác định quyền sử dụng đất bao gồm 9 quyền (Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, và được nhà nước bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất). Những quyền này tập hợp lại đã tương đương với quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở các nước hay chưa?
Đối với mỗi tiểu vấn đề, nếu Ban tổ chức hội thảo cung cấp được diễn biến trao đổi, cung cấp những ý kiến những luồng quan điểm khác nhau, thậm chí đang trái ngược nhau, đã có từ trước đến nay, thì việc thảo luận sẽ càng dễ “trúng” hơn, tránh được việc trình bày lại những nhận thức chung mà tuyệt đa số cá nhân, tổ chức liên quan đã nắm vững và đạt đồng thuận từ lâu rồi.
Để làm tốt việc danh mục hoá, chi tiết hoá và cập nhật diễn biến thảo luận này, LHHVN cần có sự phối hợp rất chặt chẽ, chủ động, và tích cực từ cơ quan chủ trì soạn thảo.
Các nhà khoa học LHHVN góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) – tháng 12/2022
Chuyển đổi số để chia sẻ quan điểm của chuyên gia
Để việc thảo luận đạt kết quả cao, mỗi cá nhân tham dự họp trực tiếp (và trực tuyến) cần nắm được càng sớm càng tốt ý kiến, quan điểm mà những diễn giả khác sẽ nêu lên tại cuộc thảo luận. Các chuyên gia được mời tham dự hội thảo nên nhận được quan điểm phản biện của nhau từ một đến hai ngày trước khi hội thảo diễn ra.
Để việc này thuận tiện, nên có một cloud server để lưu trữ và mở quyền tiếp cận cho những diễn giả/tổ chức có tham dự cuộc họp và có đóng góp, trao đổi ý kiến.
Tuy nhiên, việc này có một thách thức là “bản quyền ý kiến” của những cá nhân diễn giả/tổ chức liên quan. Cần làm sao để đảm bảo ý kiến của ai thì người đó sẽ được ghi nhận. Tránh việc sao chép ý kiến của người khác mà không công bố hay không thừa nhận việc sao chép.
Tăng nguồn kinh phí cho công tác tư vấn phản biện giám định xã hội
Có chế độ kinh phí phù hợp để động viên khuyến khích cá nhân/tổ chức thuộc LHHVN dành nhiều thời gian tâm sức cho công tác nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Xây dựng pháp luật là việc rất khó. Một bộ luật hay một văn bản quy phạm pháp luật hữu hiệu sẽ giúp ngành nghề, lĩnh vực liên quan tiến lên rất nhanh, đem lại nguồn lợi ích lớn cho xã hội, đất nước. Nhà nước cần dành nguồn lực xứng đáng cho việc vận động các Hội và Liên hiệp hội tham gia TV, PB & GĐXH . Trên bình diện đất nước, kinh phí cho hoạt động này chính là một dạng chi đầu tư cho phát triển bền vững.
Cụ thể, nhà nước cần đặt hàng thoả đáng, bằng nguồn kinh phí đủ sức hấp dẫn để cá nhân, tổ chức đóng góp ý kiến thanh thản dành đủ nhiều thời gian công sức cho công việc rất khó này. (cũng đồng nghĩa phải hy sinh thời gian, công sức lẽ ra được dành cho những công việc khác).
Các nhà khoa học LHHVN tìm giải pháp cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KHCN đối với đất nước (tháng 12/2022)
Có hình thức sáng tạo để ghi nhận đóng góp của cá nhân/tổ chức tham gia
Kích thích hành vi của một con người, hay một tổ chức, cũng chính là kích thích việc thực hiện giá trị xã hội của con người ấy, tổ chức ấy. Từ cách nhìn này, chúng ta thấy cần có hình thức ghi nhận, biểu dương kịp thời, xứng đáng những sáng kiến, góp ý, đề xuất hữu hiệu trong tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Đất nước còn khó khăn, ngân sách quốc gia còn eo hẹp, việc tưởng thưởng vật chất cho việc này có thể chưa nhiều, chưa nhanh. Song việc ghi nhận công sức, đóng góp một cách nhanh nhạy, chính xác, công bằng cũng là một nguồn động viên rất lớn, mà hầu như không tốn kém.
Chẳng hạn một bộ luật khi được thông qua, thì phần cuối văn bản luật có thể liệt kê họ tên đơn vị công tác của những người có đóng góp những ý kiến hữu hiệu, được cơ quan soạn thảo tiếp thu, được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Thậm chí đóng góp cụ thể, ý kiến cụ thể của cá nhân, tổ chức hữu quan là gì cần được lưu trữ trên không gian internet, có trỏ hyperlink để người đọc có thể xem được ngay.
Cần phải có cách thức ghi nhận và công bố những đóng góp như thế,việc ghi nhận này là xứng đáng. Công việc tưởng chừng đơn giản và không tốn kém nhiều này sẽ kích thích tinh thần đóng góp ý kiến không những của các cá nhân, tổ chức trong LHHVN,trong các Hội thành viên, mà còn tạo ra những phong trào đóng góp ý kiến sôi nổi, tích cực, hữu hiệu, thiết thực trong cả nước.