Một tư duy mới với biến đổi khí hậu
TS Hạnh nói: “Mưa, bão, lụt là những hiện tượng thiên nhiên không thể cưỡng lại được. Hãy đừng hoảng loạn và đừng không làm gì cả mà cần có một phương pháp tư duy có tính đột phá, khác với sự hiểu biết thông thường để khai thác những cơ hội từ trong mưa, bão, lụt”.
P.V: Trên thực tế, tại ba thành phố Huế, Đà Nẵng, Hội An, mùa cao điểm của khách du lịch nước ngoài cũng là mùa mưa, bão, lụt. Nếu tận dụng được lợi thế này, đồng thời có sản phẩm du lịch thích ứng với diễn biến thời tiết thì doanh thu du lịch sẽ rất cao, TS có thể cho biết về những lợi thế của ba thành phố này?
TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh: Như bạn đã biết, đối với xứ Huế, “mưa” đã trở thành một nét văn hóa và là nguồn cảm hứng vô tận của rất nhiều thi nhân, thi ca. Mưa Huế dai dẳng rả rích, dìu dịu, lâm thâm trùm lên cả 4 mùa của xứ sở này.
Với cachs nhìn thông thường, “mưa” Huế là một hiện tượng thiên nhiên rất bất lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch. Vào mùa mưa – lụt, các hoạt động du lịch tại Huế hầu như bị ngừng trệ vì vậy mà số lượng khách đến Huế cũng bị suy giảm nghiêm trọng, gây thất thu nhiều cho khách du lịch Huễ. Tuy nhiên, nếu nhìn mưa Huế dưới những khía cạnh khác, sẽ thấy rất nhiều giá trị tiềm ẩn từ “mưa” mà từ trước đến nay chúng ta vẫn còn chưa khai thác.
Nhiều loại hình nghệ thuật có thể trở thành sản phẩm du lịch trong khung cảnh trời mưa ở Huế. Thưởng trà cung đình Huế, chơi và nghe đàn chủ đề mưa, ngắm mưa, thiền mưa, thưởng thức các món ăn Huế ngày mưa, tự làm đồ lưu niệm trong thời gian mưa lụt... Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch ngoài trời như xem múa rối nước, đua xe và lội nước trong ngày lụt, thả đèn hoa đăng, bơi thuyền, câu cá... cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được đối tượng khách là thanh, thiếu niên thích khám phá, mạo hiểm.
Còn nói về Hội An, thì đây là một ý tưởng khá thú vị đó là xây dựng sản phẩm du lịch từ hiện tượng lũ, lụt. Đây là một trong những trở ngại của thiên nhiên mà hầu như năm nào phố cổ Hội An cũng phải chịu đựng vài ba lần. Thế nhưng, lụt Hội An không nguy hiểm như các địa phương khác và người dân Hội An đã quen sống chung với lụt rừ rất lâu. Những ngày lụt ở Hội An có không ít khách bỏ ra nhiều tiền để thuê thuyền xuôi theo dòng nước, loanh quanh trong phố cổ, chụp hình những mái nhà rêu phong chìm trong biển nước, khám phá đời sống cư dân Hội An mùa nước lũ.
Được ngắm cảnh quan tổng thể của mái nhà cổ Hội An khi nước lũ dâng cao, đi thuyền tham quan các ngõ ngách quanh co của Hội An, dừng chân ở các quán cà phê trên tầng 2 của các ngôi nhà cổ để thưởng thức các loại hình nghệ thuật từ mưa sẽ là một chuyến du lịch đặc thù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với nhiều du khách và cả nhiệp ảnh gia, lũ lụt là cơ hội để họ tiếp cận, quan sát và tìm hiểu các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của tầng 2, tầng 3 và tầng mái của các ngôi nhà cổ.
Bên cảnh đó, các sản phẩm du lịch như xem múa rối nước, đua xe và lội nước trong ngày lụt, thả đèn hoa đăng, bơi thuyền, câu cá... cũng được kỳ vọng sẽ thu hút khách là thanh, thiếu niên thích khám phá, mạo hiểm.
Đối với khách du lịch hiện đại, sản phẩm du lịch không chỉ đơn thuần là các dịch vụ vui chơi giải trí hoặc tham quan trong một tour du lịch định sẵn. Hơn thế nhiều, họ mong có được những trải nghiệm sâu sắc trong chuyến đi. Những yếu tố bất ngờ như mưa, bão, lụt luôn tạo cho họ cảm xúc rất mạnh, những giá trị nhân văn sâu sắc khi chứng kiến cảnh tang thương, mất mát của người dân tại điểm đến. Chính vì vậy, loại hình du lịch trách nhiệm và du lịch mạo hiểm đang phát triển rất nhanh tại các nước đã phát triển.
Du lịch trách nhiệm và du lịch mạo hiểm sẽ là hai loại hình du lịch đặc trưng cho Đà Nẵng khi dự án” Công viên bão Đà Nẵng” được triển khai. Hoạt động ngoài trời như cứu trợ, thăm hỏi người dân vùng bào cùng các hoạt động trong nhà như chiếu phim 3D, dựng mô hình ảo, tạo bối cảnh về bão, sét và các hiện tượng thiên nhiên dưới góc nhìn khoa học... sẽ trở thành thương hiệu và bản sắc của du lịch Đà Nẵng.
Các khách sạn và công trình du lịch thích ứng với bão, do Hiệp hội kiến trúc quốc tế trong chiến dịch kiến trúc giảm nhẹ thiên tai là những loại hình kiến trúc độc đáo rất thích hợp với Đà Nẵng.
P.V: Được biết, cách đây 3 năm, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững – STDe đã công bố dự án “Phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với mưa, bão, lụt miền Trung”, TS có thể cho biết việc triển khai của dự án và xã hội đã đánh như thế nào về dự án này?
TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh: Dự án “Phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với mưa, bão, lụt miền Trung” được đánh giá rất cao vì đây là ý tưởng đột phá, độc đáo. Như ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An coi đây là dự án “Biến họa thành phúc” và ông cho biết, chính quyền Hội An hoàn toàn ủng hộ, mong muốn tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh dự án này.
Cong ông Lê Hữu Minh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: “Mưa Huế được nhiều người đánh giá là nét đặc trưng văn hóa của Huế. Cùng với di sản Huế, ẩm thực Huế, văn hóa Huế, mưa Huế một phần làm nên thương hiệu của du lịch Huế. Từ phía người quản lý, lãnh đạo Huế mong muốn ý tưởng sẽ thành hiện thực”.
Đối với miền Trung hàng năm chịu nhiều trận bão lụt, quan điểm phát triển của dự án đã tạo sự lạc quan cho người dân trong chống chọi với thiên nhiên, tạo tinh thần mới trong đối phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2012, sau một năm dự án được công bớ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định chính thức cho phép Festival Huế 2012 được tổ chức lễ hội mưa Huế như một trong những điểm nhấn chính thức của lễ hội. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang lập dự án xây dựng một khu du lịch chuyên đề về Mưa gọi là “Làng mưa Xứ Huế” tại cồn Huế, trên dòng sông Hương thơ mộng.
Cũng trong năm 2012, tại Hội chợ Khoa học công nghệ Quốc tế - Techmart 2012, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững – STDe đã chính thức ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với thành phố Hội An để thực hiện dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng với mưa, lụt Hội An” do Quỹ Đan Mạch tài trợ.
Trên đây là những thành công bước đầu của dự án nhưng là động lực rất lớn để động viên các nhà khoa học của STDe tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho xã hội những ý tưởng khoa học mang tư duy hoàn toàn mới.
P.V: Xin cảm ơn TS!