Liên hiệp Hội địa phương hiện nay – anh là ai?
Ngoài Hội chuyên ngành cấp Trung ương thì hiện nay 63 tỉnh, thành phố đã có tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam với hơn 3 triệu trí thức. Sự ra đời của Liên hiệp hội cùng với đóng góp trí tuệ của đội ngũ trí thức của tổ chức Liên hiệp hội đã góp phần phát triển tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh, thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Các đại biểu đến từ hội ngành, Liên hiệp hội địa phương trao đổi bên hành lang Đại hội VIII LHHVN 25/12/2020
Do khách quan nên sự ra đời Liên hiệp hội của các tỉnh, thành phố (Liên hiệp hội địa phương)thời gian khác nhau, cơ chế hoạt động cũng khác nhau cho nên thực tế hoạt động Liên hiệp hội địa phương vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Bất cập từ thực tế
Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp Hội Việt Nam (Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất 18-5-1963) tính đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội.
Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực như: tập hợp, vận động đội ngũ trí thức, hoạt động KH&CN, phổ biến kiến thức, Hội thi, Cuộc thi sáng tạo, tôn vinh, đặc biệt là tư vấn phản biện được đảng nhà nước và xã hội đánh giá cao.
Ngoài các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,Thanh Hóa…). Trên bình diện chung về hoạt động của Liên hiệp hội địa phương, đặc biệt là các tỉnh nhỏ và vùng miền núi chỉ thực hiện “tròn vai” trong các lĩnh vực chuyên môn và vẫn còn nặng hình cơ chế “xin-cho”. Cơ chế này tùy thuộc vào năng lực của lãnh đạo Liên hiệp hội (năng động thì có nhiều hoạt động và ngược lại).
Điều lệ Hoạt động Liên hiệp Hội Việt Nam qua các kỳ Đại hội đã khẳng định: “ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội” nhưng thực tế cơ chế và chủ trương thì Liên hiệp Hiệp hội là tổ chức Hội đặc thù (Theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg Thủ tướng có 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước). Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động Liên hiệp hội địa phương, nhất là về biên chế nhân sự. Có tỉnh thì 05 biên chế, có tỉnh 07 biên chế kể cả có tỉnh chỉ 03 biên chế còn lại thì tùy tình hình hỗ trợ ngân sách của từng tỉnh để Liên hiệp hội kí các hợp đồng lao động (thuê khoán công việc có thời hạn).
Về tổ chức hệ thống Liên hiệp hội chỉ dừng lại 02 cấp: Trung ương và tỉnh, thành phố. Chưa có hệ thống 4 cấp như các tổ chức xã hội – Chính trị khác (Công đoàn, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niện và Cựu Chiến binh) trừ một vài tỉnh có mô hình Liên hiệp hội cấp huyện ( Hà Tỉnh, Thanh Hóa). Hệ thống Liên hiệp hội dừng lại ở 02 cấp đã hạn chế chung đến tổ chức, đơn cử có nhiều địa phương khi nói đến Liên hiệp hội thì nhiều lãnh đạo cấp xã chưa hiểu mà còn ngộ nhận tổ chức Liên hiệp hội là ở Sở Khoa học và Công nghệ.
Cơ cấu bộ máy nội tại từng cơ quan Liên hiệp hội thì còn nhiều bất cập, như các lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch) mỗi Liên hiệp hội địa phương cơ chế khác nhau. Có tỉnh thì chuyên trách trong độ tuổi quy định, có tỉnh thì cơ cấu lãnh đạo còn 02 hoặc 03 năm đến tuổi nghỉ hưu về nhận nhiệm vụ hoặc có tỉnh chức danh Chủ tịch hay Phó Chủ tịch kiêm nhiệm (làm tiền đề gần tuổi hưu thì chuyển hẳn qua Liên hiệp Hội) và rất ít trong số lãnh đạo đó không có chuyên môn về khoa học kỹ thuật thì cũng rất khó cho việc lãnh chỉ đạo chung.
Trăn trở hơn về cơ cấu hệ thống mỗi Liên hiệp hội địa phương đều thành lập: Văn phòng; Ban KHCN; Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức. Nhưng có nơi với nhân sự biên chế ítcũng có Trưởng ban (không có Phó Ban và không có cán bộ) hoặc chỉ có Văn phòng thì có: Văn thư, thủ quỹ, kế toán…
Nhưng thực tại các hoạt động như: phản biện, hội thảo, tổ chức Hội thi và Cuộc thi thì hầu như đều rơi vào các Ban này, thiết nghĩ một Ban chỉ có 01 người và trên đó có một Phó Chủ tịch lãnh đạo trực tiếp thì hoạt động không tránh khỏi khó khăn và hạn chế nhất định.
Về cơ sở vật chất.hiện nay ngoài các tỉnh, thành phố được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì được trang bị cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện về trụ sở làm việc, xe ô tô, trang thiết bị văn phòng… ( TP. Hồ Chí Minh;Bình Phước; Phú Yên; Bình Định; Đà Nẵng; Đắk Lắk; Thanh Hóa; Hải Dương; Hải Phòng Hà Nội…) đa số các Liên hiệp hội còn lại còn rất khó khăn về vấn đề này.
Vấn đề phụ cấp công vụ 25% cũng là nỗi trăn trở của biết bao cán bộ lãnh đạo Liênhiệp hội địa phương, có tỉnh thực hiện có tỉnh không thực hiện. Đặc biệt có tỉnh lãnh đạo Liên hiệp hội được điều động từ các Ban đảng, Đoàn thể chính trị -xã hội về công tác thì được nguyên quyền lợi chế độ 55% công vụ cho nên có sự thiệt thòi thu nhập lương cơ bản hàng thángít nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác…
Khen thưởng cũng là một “câu chuyện” đáng quan tâm. Luật Thi đua khen thưởng qua nhiều lần bổ sung vẫn quy định hệ số tiền thưởng kèm theo…nhưng lâu nay Bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam tặng cho tập thể và cá nhân không có kèm theo tiền thưởng cho nên dẫn đến tư tưởng của cán bộ CNVC không mặn mà với công tác này.
Ông Nguyễn Hồng Diên – UVTW Đảng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, PCT LHHVN phát biểu tại hội thảo Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội do Qũy Vifotex LHHVN tổ chức tại Bình Định 3/ 12/2020
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Để vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam nói chung và Liên hiệp hội địa phương nói riêng được khẳng định hơn nữa trong xã hội thì cần tháo gỡ những “ nút thắt” cơ bản như sau:
Công tác tổ chức:
Chọn Liên hiệp Hội một số tỉnh,thành phố xây dựng làm thí điểm mô hình Liên hiệp hội 03 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện). Tiếp tục triển khai thực hiện lại Đề án hoạt động Liên hiệp Hội và Luật Hội (Đề án xây dựng mỗi Liên hiệp Hội địa phương có từ 10 - 15 người)
Liên hiệp Hội địa phương sử dụng Điều lệ, Biểu trưng của Liên hiệp Hội Việt Nam như các tổ chức chính trị - xã hội khác (Công đoàn, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niện và Cựu Chiến binh). Công tác chuẩn y Ban chấp hành, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ hiệp thương (hiệp y) danh sách để UBND tỉnh, thành phố ban hành Quyết định công nhận. Lâu nay một BCH nhiệm kỳ mới Liên hiệp Hội có 02 Quyết định (Liên hiệp Hội Việt Nam và UBND tỉnh).Ngoài ra Liên nhiệp Hội Việt Nam sớm ban hành biểu trưng(lô gô) mới.
Công tác chuyên môn:
Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục quán triệt Quyết định 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 733/HD-LHH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quy định rõ tư vấn, phản biện xã hội các đề án, dự ánphải có sự tham gia của Liên hiệp Hội địa phương.Hiện nay hiệu quả của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn chưa cao, chưa rộng so với tiềm năng. Trong khi đó, một số vấn đề quan trọng ở cấp quốc gia, ngành và địa phương cần có ý kiến tư vấn, phản biện xã hội của Liên hiệp hội, các hội thành viên vẫn chưa được các Bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm và chủ động đặt vấn đề.
Hàng năm Liên hiệp Hội Việt Nam cần tập huấn hướng dẫn cho cán bộ Liên hiệp hội các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ và giới thiệu các chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan để thuận lợi cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội khi cần thiết, và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm tạo điều kiện, giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm thực hiện tốt vai trò giám sát xã hội của các tổ chức thành viên thuộcMặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Công tác phong trào và thi đua khen thưởng:
Ngoài khen thưởng đột xuất, chuyên đề...về khen thưởng cá nhân cuối năm thì Liên hiệp Hội Việt Nam cần quy định mỗi Liên hiệp hội địa phương bao nhiêu Bằng khen. (tỷ lệ % thực hiện theo Luật Thi đua-Khen thưởng) và tổ chức Cụm thi đua theo vùng theo đó quy định mỗi Cụm bao nhiêu cờ, bao nhiêu Bằng khen.
Ngoài Hội thi; Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật; Vinh danh “Trí thức tiêu biểu”…Liên hiệp Hội Việt Nam cần phát động các Cuộc thi viết về tìm hiểu, như: “Lịch sử Liên hiệp Hội Việt Nam xây dựng và phát triển” ; “Chân dung trí thức khoa học kỹ thuật”…
Tin rằng Liên hiệp Hội Việt Nam với năm mới, nhiệm kỳ mới, tâm thế mới sẽ khởi sắc, đúng với tinh thần phương châm Đại hội Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VIII "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển" và khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu tại Đại hội Đại biểu Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VIII (2020-2025) “…Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là nơi hội tụ những trí tuệ được kết tinh cả đời lao động, khát khao được tiếp tục góp sức, chung tay đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, xây dựng nền tảng trí thức. Hàng nghìn nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong hệ thống của Liên hiệp Hội là tài sản quốc gia quý báu. Tất cả chúng ta sẽ là những “viên gạch” nhỏ hoặc những “công trình” đồ sộ để đóng góp xây dựng Tổ quốc Việt Nam thân yêu….”
Tác giả bài viết: Huỳnh Đức Thế(Liên hiệp Hội Phú Yên)