Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 02/06/2009 15:36 (GMT+7)

Lịch của dân

Ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (1884), Ưng Lịch tức vua Hàm Nghi được các quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyên Văn Tường lập lên nối ngôi, sau khi vua Kiến Phúc mất đột ngột. Kể từ sau thời điểm đó, theo thông lệ, các biên niên đều ghi là Hàm Nghi nguyên niên (năm Hàm Nghi thứ nhất). Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công đồn Mang Cá và đồn Pháp gần Toà Khâm sứ Huế. Quân ta tấn công rất dũng mãnh, song vì vũ khí quá thô sơ, phương tiện thông tin liên lạc kém hiệu quả, nên chỉ mấy giờ sau khi bị thất bại. Kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết ra lệnh thu quân, đón vua ra cửa Chương Đức và đưa cả triều thần cùng Tam Cung ra Quảng Trị. Ở đó nhà vua đã ban Hịch Cần Vươngkêu gọi sĩ phu cả nước đứng dậy kháng chiến. Sau đó nhà vua được đưa ra đến Hà Tĩnh, quân Pháp đuổi theo quyết bắt sống cho được nhà vua.

Ba tháng sau, tháng 8 năm Ất Dậu (1885) người Pháp đưa Chánh Mông lên làm vua, tức vua Đồng Khánh. Đồng Khánh là vị vua thân Pháp, vì thế lòng dân mãi hướng về vua Hàm Nghi đang kháng chiến ở chốn núi rừng. Bấy giờ dân gian có câu:

Ngẫm xem thế sự mà rầu.

Ở giữa Đồng Khánh hai đầu Hàm Nghi”.

Trong khi ở giữa là tại kinh đô Huế, triều đình đã có vua mới, nhưng ở “hai đầu”, tức hai hướng Bắc Nam, sĩ phu cả nước vẫn coi Hàm Nghi là vua của họ.

Để ghi lại các mốc thời gian trong giai đoạn đặc biệt này, sách Đại Nam thực lụcsoạn dưới thời Duy Tân đã minh định rõ như sau:

Phần lệ phụ biên ở kỷ đệ ngũ, trong đó có một điều chép rõ, từ ngày 23 tháng 5 năm Hàm Nghi nguyên niên, sau khi Kinh thành có việc, đến ngày 10 tháng 8 trở về trước, xe vua đã dời đi, trong ngoài không hệ thuộc được và kể từ ngày 10 tháng ấy trở về sau đến cuối tháng 9, Cảnh Tông Hoàng Đế ta (tức Đồng Khánh TTT) tuy đã nối ngôi, nhưng tuyên bố dụ bảo, sự chưa biết được khắp, niên hiệu vẫn còn chép là Hàm Nghi; về việc Nam Bắc có vâng dụ của vua Hàm Nghi, mà khởi việc Cần Vương thì đều hãy chép làm khởi binh, để có cớ mà nói. Còn từ mồng 1 tháng 10 năm Đồng Khánh Ất Dậu trở về sau, ngôi lớn định đã lâu. Dụ bảo chắc đã biết khắp cả, mà còn làm liều, thì ở Kỷ đệ lục sẽ lại chép là nghịch, đã chuẩn cho lục ra để chép vào.

Nay, hai tháng 8 và 9 năm Hàm Nghi nguyên niên, là còn thuộc phận tháng của kỷ ấy, cũng vẫn chép theo thế chép là khởi binh; còn từ mồng 1 tháng 10 là năm Đồng Khánh Ất Dậu trở về sau, thì mới chép là nghịch” ( Đại Nam thực lục, sđd, trang 163).

Như thế có nghĩa là niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên (Hàm Nghi năm thứ nhất) chỉ tồn tại cho đến hết tháng 9 năm Ất Dậu 1885, sau đó, kể từ tháng 10 năm ấy trở về sau, tất cả các văn bản, tài liệu đều chép là Đồng Khánh Ất Dậu. Thế nhưng đối với một số sĩ phu cả nước họ vẫn tiếp tục gọi năm đó là Hàm Nghi nguyên niên, các năm kế tiếp là Hàm Nghi nhị niên… Hàm Nghi lục niên… (năm Hàm Nghi thứ hai, Hàm Nghi thứ sáu).

Ngày 14 - 4 - 1890, một lãnh tụ phong trào Cần Vương, đồng chí của Tống Duy Tân là Cao Điền đã viết một bức thư gởi cho binh sĩ người Việt đang đồn trú ở đồn Thị Long (Thanh Hoá) của Pháp, bức thư có nội dung như sau:

Niên hiệu Hàm Nghi thứ 6, tháng 2 ngày 24.

Tôi là Cao Điền, Đề đốc chỉ huy nghĩa quân rất hân hạnh được gởi mấy lời này với anh em quân đội đồn Thị Long:

Tôi được lệnh đi tiểu trừ gian phi. Lương, giáo chúng ta cùng con một nước, không nên sát hại nhau.

Vậy nên tôi viết thư này báo đến anh em biết rằng: lâu nay anh em hành động chống lại quốc dân, các anh em nên trở về gia đình làm ăn yên ổn, hoặc đánh lại giặc, cướp lấy súng nộp cho nghĩa quân thì không những được tha tội mà còn được lãnh thưởng. Mỗi khẩu súng là một thoi bạc và được nghĩa quân trọng đãi. Các anh em có thể được tự do trở về làm ăn với gia đình. Chúng tôi sẽ được cấp giấy chứng nhận để các anh em dùng sau này…”.

(Thi ca Việt Nam … sđd, tr 23)

Cũng trong thời gian này, đã xuất hiện nhiều văn bản ghi là Hàm Nghi lục niên.

Trong tập san Sử địasố 26, xuất bản tại Sài Gòn ngày 1 - 3 - 1974, tác giả Nguyễn Quang Tộ đã công bố một số tư liệu có cách viết niên lịch cũng giống như thế:

Trong kỳ thi Hương khoa Ất Dậu (1885), vì có biến động lớn ở Kinh thành nên có nơi không tổ chức, có trường tổ chức thi nhưng bất thành. Riêng tại trường thi Bình Định năm đó, trong khi các sĩ tử đang làm bài thi, thì được tin Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, tất cả các sĩ tử đã cùng nhau xô đổ lều chõng, phá trường thi, vất bút nghiên chạy đi tìm khí giới gia nhập nghĩa quân…

Sang năm Bính Tuất (1886) (Đồng Khánh nhị niên), triều đình đã cho tổ chức thi lại (ân khoa). Trong khoa thi này, tại trường thi Nghệ Tĩnh, một số đông sĩ tử khi viết ngày tháng (niên hiệu) vào quyển thi, đã không viết Đồng Khánh nhị niên (Đồng Khánh năm thứ hai); mà lại ghi là Hàm Nghi tam niên! Kết quả là tất cả các quyển thi đó đều bị loại và các sĩ tử đều bị trị tội.

Cũng ở tại Hà Tĩnh, Tiến sĩ Võ Khắc Triển (người huyện Phong Đăng, tỉnh Quảng Bình, đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Mùi (1919) trong thời gian giữ chức Tri Phủ huyện Đức Thọ cho biết, có một bản chúc thư chia ruộng đất cho con đề niên hiệu là “Hàm Nghi tứ niên!” lúc đó, nhà vua đã bị thực dân Pháp bắt lưu đày!

Theo một tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương được tiết lộ vào năm 1945, cũng dưới thời Thành Thái thứ ba, (1890), có một tờ trình của quan Lãnh Binh tên là Nguyễn Vũ Trinh, đóng đồn ở Ngu Nhuế (Bắc Ninh) gởi cho Kinh lược Bắc kỳ Hoàng Cao Khải, trong đó có kèm một đạo bằng của Tổng Đốc Hải An sung Hiệp đốc Bắc kỳ quân vụ đại thần, chấn trung tướng Nguyễn… cấp cho Phó Hiệp quản Nguyễn Năng Nhà, đạo bằng đề ngày 10 tháng 6 niên hiệu Hàm Nghi thứ 6;

(Trích trong tạp chí Sử Địa,tập 26, tr 31).

Thự Hải An Tổng đốc sung Hiệp Đốc Bắc kỳ quân vụ đại thần chấn trung tướng Nguyễn… vi bằng cấp sự, sát hữu Siêu loại huyện Liễu Khê xã Nguyễn Năng Nhàn, tòng thứ nhật cửu, phả hữu gian lao, kinh y thứ phó đề đốc Thái sát cử sở ứng thăng trạc thị khuyến, trừ lánh phụng lập đệ ngoại hợp hàng bằng cấp thưởng thụ Cửu phẩm bá thạch quyền sung y thứ Phó Hiệp quản, quản suất binh dũng lệ thứ bổ vụ yếu nghi phấn dũng hướng tiền, tảo lập chiến công, dĩ yêu hậu thưởng, nhược giải đãi phát kiền hữu quân chính tại. Tu chí bằng cấp giả, Hữu bằng cấp:

Thưởng thụ cửu phẩm bá thạch quyền sung Bắc thứ phó Hiệp quản Nguyễn Năng Nhà chấp chiếu.

Hàm Nghi lục niên nguyệt sơ thập nhật”.

Dịch nghĩa:

“Thự Hải An Tổng đốc sung Hiệp Bắc kỳ quân vụ đại thần, chấn trung tướng Nguyễn…

Nay cấp cho Nguyễn Năng Nhàn, ở xã Liễu Khê, huyện Siêu Loại, từng lâu ngày phục vụ tại quân thứ, đã phiêu công lao, lại được Phó đề đốc y quân thứ là Thái sát cử thăng thưởng để khích lệ. Cấp bằng thưởng thụ cửu phẩm bác thạch (bá hộ) quyền sung phó hiệp quản quân thứ; quản suất binh lính phấn dũng cố gắng phục vụ; sớm lập chiến công để được hậu thưởng. Nếu lười biếng trễ nãi, sẽ bị nghiêm trị theo quân luật.

Vậy cấp phát văn bằng thưởng thụ cửu phẩm bá thạch, quyền sung bắc thứ phó hiệp quản Nguyễn Năng Nhàn để chấp chiếu.

Hàm Nghi năm thứ sáu, tháng sáu, ngày mồng mười”.

Đây được coi là hành động phản kháng lại triều đình mới Đồng Khánh, một vị vua thân Pháp của một số sĩ phu yêu nước ở các tỉnh miền Trung. Họ không công nhận vua mới. Trong lòng họ, chỉ có vị vua yêu nước Hàm Nghi, họ đã hưởng ứng Hịch Cần Vươngđể tham gia kháng chiến, đồng thời tự thể hiện bằng hành động “viết lịch của mình” để biểu lộ chí khí…

Tài liệu tham khảo:

- Đại Nam thực lục, tập 9, Quốc sứ quán triều Nguyễn, Nxb, Giáo dục, 2007

- Tập sanSử địa tập 26, Sài Gòn 1974.

- Thi ca Việt Nam thời Cần Vương, Phan Canh - Đào Đức Chương, Nxb Văn học, 1997.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...