Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 12/12/2005 23:59 (GMT+7)

Làm gì để chặn đứng ung thư?

Rất hiếm gặp các ung thư chỉ do một nguyên nhân gây ra. Thường ung thư có nhiều nhân tố, gọi là nhân tố gây nguy cơ, mỗi loại ung thư có một nhân tố chính. Các nhân tố này có thể ở bên ngoài cơ thể, chẳng hạn bức xạ radon, tử ngoại, bụi, khói nhà máy, hơi xăng…; hoặc lối sống như nghiện rượu, thuốc lá…Các nhân tố ngoại sinh này thường tương tác với các nhân tố ở bên trong cơ thể (nội sinh) như chuyển hoá chất, hormon…Đối với cơ thể, tác dụng của các nhân tố nội, ngoại sinh kể trên được cộng lại hoặc có thể tăng lên theo cấp số nhân. Các tác nhân này có thể phát động, tạo nên các biến đổi AND trong tế bào hoặc khởi động quá trình tăng sinh tế bào, hệ thống miễn dịch, hệ thống men…, do đó làm khối u phát triển hoặc di căn đến các tạng khác. Ngược lại, cũng có những nhân tố nội, ngoại sinh bảo vệ cơ thể chống lại ung thư. Như thế, sự xuất hiện ung thư là tổng hợp của nhiều cơ chế “bảo vệ” và “chống lại” cơ thể; điều này giải thích tính đa dạng của ung thư, mỗi điều kiện xuất hiện bệnh tương ứng với một tính chất riêng biệt của một loại ung thư.


Nhận biết các nhân tố gây ung thư


Có thể nhận biết các nhân tố này bằng các thực nghiệm trên cơ thể hoặc một bộ phân tách rời khỏi cơ thể, hoặc bằng các điều tra dịch tễ học.


Thuốc lá:
Là nhân tố hằng năm gây tử vong cho 8 triệu người trên thế giới, trong đó có 1 triệu người chết vì ung thư phổi. Ước tính đến năm 2010, số tử vong này có thể tăng tới 13 triệu người.


Rượu:
Là nhân tố gây ung thư ở hốc miệng, họng, thanh quản và thực quản. Rượu cũng có vai trò trong phát triển ung thư vú. Rượu gây xơ gan, có thể chuyển thành ung thư gan, cũng có thể là nhân tố gây ung thư trực tràng và dạ dày.


Các nhân tố nghề nghiệp:
Ước tính ung thư nghề nghiệp chiếm từ 4 đến 10 % tổng số nguy cơ. Đó là các bức xạ, các chất được sản sinh ra từ các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở y tế, nghiên cứu, chẳng hạn như chất amiang (gây ung thư phổi, màng bụng, màng phổi), các chế phẩm nhôm (gây ung thư phổi, bàng quang), các bụi gỗ, bụi ở các mỏ (gây ung thư phổi), benzen, bụi ở da súc vật (gây bệnh bạch cầu), các chất ức chế miễn dịch dùng trong y tế (gây ung thư da, gan…).


Nhiễm virus:
Virus gây viêm gan B và C có vai trò trong ung thư gan nguyên phát, các virus gây u nhú ở cổ tử cung là nhân tố gây ung thư cổ tử cung… Các virus này có sẵn trong môi trường sống của chúng ta và thường phối hợp với các nhân tố gây ung thư khác (như các độc tố aflatoxin, nitrosanmin hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch).


Thực phẩm:
Mới đây các nhà dinh dưỡng học ước tính ung thư do thực phẩm chiếm 30% tổng các ung thư. Tuy nhiên, rất khó phát hiện mối liên quan bệnh học giữa ưng thư và thực phẩm. Trong nhiều khảo sát, người ta chỉ thấy mối liên quan giữa tiêu thụ nhiều thịt đỏ (trâu, bò cừu…) và ung thư đại tràng và tuyến tiền liệt. Một số thực phẩm có thể chứa các nhân tố gây ung thư như thịt, cá bảo quản bằng muối (có độc tố nitrosamin) hoặc hun khói (có các chất hydrocacbua) hoặc do dự trự lâu (có độc tố aflatoxin). Các chất đường tổng hợp như saccarin (ngọt gấp 450 lần saccaro) có thể gây ung thư bàng quang. Các phẩm màu công nghiệp dùng để nhuộm màu bánh, kẹo, siro… có khả năng gây ung thư.


Bức xạ tử ngoại:
Các ung thư da, đặc biệt là u hắc sắc tố tăng lên rõ rệt ở những người trên 30 tuổi, phơi nhiễm lâu với các nguồn phát bức xạ tử ngoại tự nhiên hay nhân tạo. Nguy cơ ung thư phụ thuộc vào tuổi, cường độ, liều bức xạ, loại da (mức độ nhạy cảm) và cách phơi nhiễm.


Các bức xạ ion hoá.
Tác dụng gây ung thư của các bức xạ cũng như các chất phóng xạ đã được chứng minh ở nhiều nghiên cứu: bị phơi nhiễm do bức xạ có sẵn trong môi trường sống như radon, do được chẩn đoán bằng tia X hay tia gamma, do nghề nghiệp hoặc tai nạn. Các bức xạ ion hoá có thể gây ung thư cho tất cả các tạng, nhất là ở da, xương, tuyến giáp, vú và gây bệnh bạch cầu.


Các dược phẩm:
Chỉ riêng sử dụng các estrogen không thôi cũng có khả năng gây ung thư cổ tử cung. Dùng các thuốc estrogen – progestatif để tránh thai cũng có nguy cơ bị ung thư vú nhưng với tần suất nhỏ và chỉ gặp ở phụ nữ uống thuốc trước khi có thai lần đầu. Phụ nữ dùng hormon thay thế để điều trị các triệu chứng sau mãn kinh cũng có nguy cơ bị ung thư vú. Các thuốc dùng trong hoá trị liệu rung thư, các ức chế miễn dịch dùng trong ghép tạng…cũng có khả năng gây ung thư.


Ô nhiễm môi trường:
Ung thư liên quan đến ô nhiễm môi trường chiếm tới 15% tổng các loại ung thư: đó là hơi xăng của các phương tiện giao thông, khói từ các nhà máy, khói thuốc lá, radon và các bức xạ ion hoá.


Phòng ngừa ung thư


Phòng ngừa ban đầu:
Mục đích là loại trừ hay giảm phơi nhiễm trước các nhân tố gây ung thư hoặc bảo vệ cơ thể chống tác dụng của các nhân tố đó (chẳng hạn như giảm bụi, hơi độc từ các hầm lò, nhà máy; dùng các tấm chắn bằng chì để ngăn các bức xạ ion hoá chiếu tới cơ thể…).


Có thể hạn chế phơi nhiễm các nhân tố gây ung thư một cách hiệu quả bằng các luật, các quy tắc bảo hộ lao động kết hợp với giáo dục ý thức của người dân trong sinh hoạt hằng ngày.


Phòng ngừa y tế:
Mục đích là làm giảm tác động độc hại khi phải tiếp xúc với các nhân tố gây bệnh.


Tiêm phòng các cách để chống các ung thư do virus gây ra (hiện nay, văcxin dùng để tránh virus gây viêm gan B đang được thử nghiệm để ngăn ngừa ung thư gan nguyên phát).


Sàng lọc, phát hiện sớm để điều trị là phương pháp dự phòng hiệu quả nhất. Có ba loại ung thư mà công việc sàng lọc - phát hiện sớm có tác dụng làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong:


- Ung thư cổ tử cung: phát hiện bằng cách lấy dịch ở cổ tử cung để xét nghiệm tế bào học (phụ nữ 25-70 tuổi cần làm xét nghiệm 3 năm 1 lần);


- Ung thư vú: phát hiện sơm bằng chụp X.quang vú (phụ nữ trên 50 tuổi cần làm 2 năm một lần);


- Ung thư đại trực tràng: Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (những người trên 50 tuổi nên làm 2 năm một lần).

Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 74 (1792), ngày 16/9/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi
Ngày 19/02, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”.