Kỹ thuật nuôi vỗ cá Chẽm
1. Kỹ thuật vận chuyển cá bố mẹ
Cá chẽm là loài cá dữ, kích thước lớn nên việc vận chuyển sống gặp nhiều khó khăn. Cá thường bị sốc, giãy giụa rất mạnh thường dẫn đến mất nhớt, xây xát ảnh hưởng đến sức khoẻ, đây là nguyên nhân dẫn tới một số bệnh cơ hội xâm nhập vào cơ thể cá. Tùy từng vị trí trại sản xuất mà chúng ta có thể chọn cách vận chuyển khác nhau như vận chuyển hở đối với nguồn cá bố mẹ gần trại sản xuất, vận chuyển bằng phương pháp gây mê đối với những trại sản xuất ở xa nguồn cung cấp cá bố mẹ, thông thường nhiệt độ khi vận chuyển nên duy trì ở mức 18-20 độ C, như vậy chúng ta có thể hạn chế đến mức tối đa các yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá bố mẹ trong quá trình vận chuyển.
2. Thuần dưỡng cá bố mẹ
Cá bố mẹ trước khi đưa vào nuôi vỗ cần có thời gian thuần dưỡng để cá dần dần thích nghi với điều kiện sống nhân tạo đặc biệt đối với cá có nguồn gốc ngoài tự nhiên. Cá được thuần dưỡng trong bể ximăng có dung tích từ 10–20m3, nước biển trong bể nuôi thuần dưỡng cần được điều chỉnh độ mặn tương đồng với môi trường tự nhiên, trong quá trình thuần dưỡng khí được cung cấp đầy đủ, hàng ngày nước được thay 100 – 200% bằng phương pháp cho nước chảy vào ra và thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá. Mật độ nuôi thuần dưỡng là 1 con/m3. Hàng ngày cho cá ăn bằng các loại cá tạp có chất lượng tốt. Khi cá hồi phục sức khoẻ và thích nghi với điều kiện nuôi nhân tạo thì tắm cá bằng nước ngọt trong vòng 10 – 15 phút để phòng bệnh trước khi chuyển sang bể nuôi vỗ cá bố mẹ. Thông thường thời gian thuần dưỡng cá bố mẹ khoảng 7 – 15 ngày tùy theo từng nguồn cá đã tuyển chọn.
3. Nuôi vỗ cá bố mẹ
Nuôi vỗ cá bố mẹ là một trong những khâu quan trọng trong quyết định sự thành công trong sản xuất giống nhân tạo.
a) Nuôi vỗ cá bố mẹ bằng lồng trên biển
- Vị trí đặt lồng: Lồng nuôi vỗ cá bố mẹ thường được đặt ở những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ và liên tục, xa nguồn nước thải, mực nước thuỷ triều lên xuống ổn định và gần trại sản xuất giống. Ngoài ra còn chú ý đến vị trí thuận tiện giao thông để thuận tiện quá trình vận chuyển.
- Lồng có hình vuông, tròn thông thường sử dụng những lồng có kích thước: 3x3x3m, 4x4x4m, 5x5x5m, kích thước mắt lưới 2a = 4cm, mật độ nuôi vỗ 1 – 2 con/m3 Quản lý và chăm sóc.
- Thức ăn: Tốt nhất là sử dụng các loại thức ăn như cá tạp, mực… còn tươi, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất, hàng ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Khẩu phần cho ăn là 3-5% trọng lượng thân.
- Theo dõi hoạt động của cá hàng ngày để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường, khi cho cá ăn phải kiểm tra đáy lồng để loại bỏ thức ăn dư thừa. Định kỳ kiểm tra lưới lồng và vệ sinh xung quanh lồng, đảm bảo nước lưu thông. Khi có gió bão cần di chuyển lồng đến nơi an toàn, kín gió.
- Phòng bệnh: Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá trong quá trình nuôi vỗ để biết được tình trạng sức khoẻ cá, định kỳ 1 tháng tắm cá bằng nước ngọt để phòng bệnh. Khi phát hiện cá có dấu hiệu bất thường phải bắt ra xử lý riêng, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, sau đó cách ly cá bệnh cho đến khi cá hoàn toàn khoẻ mạnh.
b) Nuôi vỗ trong bể ximăng
- Nguồn nước: Nguồn nước cung cấp vào bể cá bố mẹ được lọc qua hệ thống lọc cơ học, sinh học để loại bỏ các chất vẩn và mầm bệnh. Nước được cung cấp vào bể phải đảm bảo các thông số môi trường như: Nhiệt độ 27 – 28 độ C, độ mặn 30 – 32‰, NH3 < 0,1mg/l, NO2< 0,05mg/l , pH 7,5 – 8,2.
- Chuẩn bị bể nuôi vỗ: Bể nuôi vỗ thường có kích thước lớn, hình tròn hoặc hình vuông tuỳ theo thiết kế. Dung tích bể thường từ 100 – 200m3. Bể được vệ sinh sạch, khử trùng bằng chlorine nồng độ 40ppm sau đó rửa sạch lại bằng nước ngọt trước khi cấp nước biển sạch vào. Mật độ nuôi vỗ thông thường từ 1 – 2kg/m3 hoặc 1 con/2m3.
- Quản lý và chăm sóc: Hàng ngày cho cá ăn bằng các loại thức ăn như cá trích, cá nục, cá ngân, mực… có bổ sung vitamin và các chất khoáng. Khẩu phần cho ăn hàng ngày khoảng từ 3 – 5% trọng lượng thân. Cho ăn vào chiều muộn (16 -17h). Sau khi cho ăn 2 giờ tiến hành kiểm tra, nếu còn thức ăn thừa trong bể phải vớt ra để đảm bảo cho môi trường nuôi thường xuyên sạch, không gây ra dịch bệnh cho cả đàn cá trong bể. Hàng ngày thay từ 100 – 200% nước trong bể bằng phương pháp cho nước chảy vào ra. Định kỳ 15 ngày vệ sinh bể nuôi vỗ bằng cách chà rửa, mục đích là loại bỏ những mầm bệnh từ bên ngoài.
- Phòng bệnh và trị bệnh: Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của cá, khi phát hiện cá có dấu hiệu bị bệnh, thì phải cách ly để xử lý kịp thời, sau khi cá khoẻ mạnh chuyển cá lại bể nuôi vỗ. Trong khi đó phải phòng bệnh cho những con còn lại bằng cách tắm cá trong nước ngọt, thời gian tắm cá khoảng từ 10 – 15 phút.
4. Kiểm tra sự thành thục của cá
Định kỳ 15 ngày kiểm tra sự thành thục của tuyến sinh dục bằng que thăm trứng (đường kính 0,8 – 1,2mm) đối với cá cái và vuốt tinh dịch đối với cá đực. Khi cá đạt tiêu chuẩn về sự thành thục thì tiến hành kích thích sinh sản.