Kỹ thuật ghép tiêu để phòng chống bệnh chết nhanh
Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu là một nổi ám ảnh, khiếp sợ đối với người trồng tiêu. Những giống kháng, các loài tương thích liên quan hoặc giống lai được nghiên cứu và sử dụng như gốc ghép cho các mục đích phòng chống bệnh này. Theo các tài liệu khoa học ở Ấn Độ giống tiêu dại có tên khoa học là Piper colubrinum Link là một trong những loài hữu ích tương thích trong sử dụng làm gốc ghép với cây tiêu trồng cho mục đích phòng chống bệnh chết nhanh. Cũng theo bài báo đăng trên tờ The Hindu (2002) của Ấn Độ thì cây tiêu dại đã phát hiện miễn dịch đối với bệnh thối gốc gây ra bởi nấm Phytophthora capsici và kháng nhiều tuyến trùng gây bệnh bướu rễ đối với cây tiêu và họ đã áp dụng tiêu ghép cách đây hơn chục năm.
Tiêu dại Piper colubrinum Link là một trong những cây thích bóng râm, mọc trong các môi trường đầm lầy, thân nó mọc ra rất nhiều rễ trên không và đi xuống xâm nhập vào đất. Sự đọng nước không gây bất lợi cho nó miễn là chồi mọc trên mực nước. Do có ái lực với nước, nó chỉ có thể được sử dụng ở vùng có tưới đủ nước.
Bài báo cho rằng việc ghép chồi tiêu trồng trên gốc tiêu dại Piper colubrinum Link đã được thử nghiệm nhưng sự sống sót của cành ghép kém trong thời gian dài. Các nghiên cứu giải phẩu học cho thấy chỗ dày đặc bất thường tại điểm tiếp hợp cành ghép cùng với sự tăng trưởng của cành ghép là tiêu trồng phía trên với sự nứt thân, và hình thành một lớp màu đen tại vùng tiếp xúc tầng phát sinh gỗ (tượng tầng) là nguyên nhân thất bại của việc ghép cây tiêu.
Nỗ lực của Nông trại Peruvannamuzhi, Calicut thuộc Viện Nghiên cứu Các loài của Ấn Độ (Indian Institute of Species Research), đã cho thấy rằng, cây ghép có thể sống sót kéo dài 9 năm với điều kiện đảm bảo tưới nước hàng ngày, như vậy chứng tỏ rằng tưới nước là rất quan trọng cho sự sống còn. Họ cho rằng cây ghép có thể sản xuất nhiều năm nếu được chăm sóc, quản lý tốt.
Cây con của tiêu dại colubrinum có thể dễ dàng nhân giống bằng trồng cành giâm hoặc trồng bằng hạt. Hạt nên dùng hạt tươi khi gieo trồng vì khả năng nảy mầm được rất thấp. Hạt được gieo trong cát và có thể nảy mầm dễ dàng và sau giai đoạn bốn lá được chuyển sang trồng trong túi bầu chứa đầy với giá thể phù hợp.
Khi cành giâm được cắt, chỉ thu thập những cành từ chồi chính và tránh những cành bên có mang trái, vì ghép những cành như vậy có thể thất bại nhanh chóng. Chỉ nên chọn những chồi có màu xanh ôliu hoặc xanh đen và những chồi có màu vàng, hoặc nâu hoặc đổi màu nên tránh không dùng để ghép.
Cánh giâm có 3 đốt, nếu trồng trong túi nilon với giá thể trồng phù hợp sẽ cho ra rễ trong 1 tuần. Do cây tiêu dại thích bóng râm, nên gốc ghép nên trồng dưới bóng râm, dùng lưới che hoặc nhà lưới có 50% bóng râm và tưới nước hàng ngày.
Mất khoảng thời gian 5 tháng mới đạt tiêu chuẩn gốc ghép, sau khi trồng cây con hoặc trồng cành giâm, khi có chiều cao gốc ghép khoảng 50 cm hoặc cao hơn. Ghép ở chiều cao 50 cm là cần thiết để tránh sự bắn tung tóe đất, hoặc mãnh vụn … có chứa bào tử nấm nhiễm cây tiêu và cũng cho nhiều rễ khí mọc vào đất.
Có nhiều phương pháp ghép như ghép nêm, yên xe, nối, lưỡi, tiếp cận... Sự thực hành tốt nhất được nhìn thấy ở phương pháp gốc ghép đôi. Chồi lấy từ dây tiêu bò trên mặt đất phát sinh từ cây tiêu trưởng thành được sử dụng như chồi ghép. Mỗi chồi ghép bao gồm hoặc là một đốt với lá hoặc 2-3 đốt mà không cần lá. Lá được giữ lại che phủ các chồi với túi bầu nilon để tránh làm khô là chủ yếu. Thời kỳ tốt nhất cho việc ghép là trong mùa mưa. Cũng có thể cung cấp độ ẩm bằng cách tưới nước quanh năm. Sự mọc chồi quan sát thấy ở 20 ngày sau khi ghép và khớp nối hoàn thành sau 3 tháng khi miếng bọc bằng plastic quanh khớp nối có thể bóc ra. Trong khi ghép, phần non của gốc ghép nên cắt bỏ và ghép tại phần già hơn.
Tại Trang trại của Viện Nghiên cứu Các loài của Ấn Độ (Indian Institute of Species Research) cây ghép thành công được tạo ra và được theo dõi, đánh giá. Hầu hết cây ghép cho quả vào năm thứ ba. Những cây này được trồng với trụ bằng bê tông với khoảng cách 3 mét. Song cũng có thể trồng với trụ sống như các loại cây vông nem ( Erythrina indica), hoặc gỗ sồi (silver oak)… Mỗi hố trồng được bón 5 kg phân chuồng hoặc phân trộn và phủ đất lúc trồng. Về sau không được đào thêm vì hệ thống rễ đã phát triển ra ngoài biên.
Tất cả rễ mọc tử các đốt được cho phép đi vào đất để cây vững chắc và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Phân hữu cơ và phân vô cơ đựơc bón gốc sau khi làm cỏ và lấp vào đất và không đào đất. Che phủ gốc với 15 kg lá cây xanh trong tháng 6 và tháng 9.
Lịch trình bón phân với 10 kg phân hữu cơ/phân trộn, 230 g urê, 250 g supe lân và 240 g kali được áp dụng mỗi năm cho một trụ tiêu 3 tuổi với liều lượng chia ra bón nhiều lần.
Bánh neem đã được nhận xét bất lợi và không cần phải sử dụng. Không áp dụng hỗn hợp boocđô hoặc bất cứ thuốc trừ tuyến trùng nào cho việc bảo vệ cây trồng. Bọ cánh cứng tên gọi Pollu có thể được kiểm soát với endosulfan 1,5 ml/lít áp dụng trong tháng Sáu và tháng Tám hoặc tháng Chín.
Chồi bên phát sinh có thể cho phép phát triển hoặc cắt bỏ bớt. Khi dây tiêu phát triển những chồi này cần phải được gắn liền với sự hỗ trợ định kỳ. Bóng râm cần được điều chỉnh để cung cấp 50 phần trăm bóng râm cho trụ tiêu. Tưới nước cung cấp bằng vòi phun tia nhỏ, bằng phương pháp tưới gốc hoặc tưới nhỏ giọt cung cấp khoảng 15 lít nước mỗi ngày cho mỗi trụ tiêu.
TS. Nguyễn Công Thành (Theo P. A. Mathew, K. V. Peter. Calicut-673012, Kerala. The Hindu, online edition of India's National Newspaper, Thursday, Jan 24, 2002).