Khoa học xã hội hướng tới chuẩn mực quốc tế
Xa từ nhận thức
Theo kinh nghiệm của những nước phát triển, để khoa học xã hội (KHXH) đạt được chuẩn mực quốc tế, trước tiên phải thấy được vai trò, vị thế của ngành đối với sự phát triển bền vững. Đơn cử như tại Pháp, không chỉ khoa học tự nhiên (KHTN) mà KHXH cũng đặc biệt được coi trọng. Quốc gia này đã đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tự thành lập nhiều đơn vị chẳng hạn như Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia CNRS, Trung tâm Nghiên cứu và Quan sát điều kiện sống CREDOC hay hệ thống trung tâm nghiên cứu gắn liền với ngành đào tạo trong đại học PRES. Điều này lý giải vì sao đất nước này có nhiều nhà khoa học nổi tiếng với những lý thuyết, tư tưởng lớn mà bất cứ ai nghiên cứu về KHXH cũng phải tham khảo.
Ở nước ta, mặc dù Nhà nước dành ưu tiên, đầu tư cho KHXH nhưng theo nhiều chuyên gia, ngành KHXH xem ra vẫn lép vế hơn so với KHTN, kỹ thuật. Không ít dự án kinh tế - xã hội, KHXH chỉ được tính đến khi các vấn đề về văn hóa, đạo đức, môi trường đã trở nên bức xúc. Vị thế và chức năng của KHXH cũng chưa được nhìn nhận một cách hợp lý. Điều này được thể hiện khá rõ khi đại đa số người dân không coi KHXH là một ngành khoa học độc lập mà chỉ xem đây là một bộ phận của công tác tư tưởng. Khi nhắc tới nhà khoa học, người ta vẫn thường nghĩ ngay tới nhà toán học, hóa học hay sinh vật học chứ rất ít người biết rằng có những nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực triết học, văn học, ngôn ngữ hay văn hóa. Thậm chí tên Bộ KH - CN hiện nay cũng tạo ấn tượng rằng khoa học chủ yếu là KHTN hay kỹ thuật.
Đối với nhiều người, khoa học đồng nghĩa với sự chính xác, vì vậy họ quan niệm, chỉ có những ngành sử dụng phương pháp định lượng như KHTN mới là khoa học. Trong khi đó, điểm yếu của các công trình KHXH ở ta là còn nặng về lý luận và phán xét, chưa chú trọng sử dụng phương pháp định lượng, khiến cho các bài nghiên cứu ít mang tính hiện đại, xa lạ với các công trình của giới KHXH quốc tế. Rõ ràng, nếu xét dưới góc độ khoa học, chất lượng các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH còn chưa cao. Đây chính là nguyên nhân hình thành nên tư tưởng không xem KHXH là một ngành khoa học và khiến cho mục tiêu đạt chuẩn mực quốc tế trở nên xa vời.
Công bố quốc tế
Một trong những tiêu chí để đưa ngành KHXH hướng tới chuẩn mực quốc tế là số lượng bài nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế (tạp chí ISI). Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, phải tính tới đặc thù của từng chuyên ngành. Nếu như tri thức của ngành KHTN bản thân đã có tính quốc tế với các tiêu chuẩn và thước đo quy củ thì tri thức của ngành KHXH lại mang tính bản địa rất cao. Bởi lẽ, ở bất cứ một quốc gia nào, KHXH đều nhằm phục vụ, giải quyết những vấn đề chính trị - xã hội và văn hóa của nước đó. Đơn cử như ngành văn tự học các chữ viết cổ truyền ở Việt Nam như chữ Nôm Việt, Nôm Dao, Nôm Tày hay chữ Thái cổ gần như không thể đăng tải ở nước ngoài và đa phần chỉ công bố khoa học ở tạp chí trong nước. Có lẽ vì thế mà số lượng bài báo công bố quốc tế của ngành KHXH thấp hơn nhiều so với ngành KHTN. Trong tổng số 1.400 bài báo công bố trên tạp chí ISI năm 2011, chỉ có 48 bài báo trong lĩnh vực KHXH, trong đó có tới 27 bài báo được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, tính bản địa không phải là nguyên nhân duy nhất khiến số lượng bài báo quốc tế về KHXH còn khiêm tốn mà khó khăn thường gặp của các nhà nghiên cứu là số tạp chí, địa chỉ công bố quốc tế ít hơn hẳn so với KHTN, chưa kể có những lĩnh vực mà hệ thống tạp chí quốc tế không thể cập nhật hết được. Mặt khác, muốn công bố quốc tế, các bài báo khoa học phải được dịch sang tiếng nước ngoài nhưng có một thực tế là những nhà nghiên cứu về KHXH đều thuộc thế hệ cũ, thườâng ít thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Chưa kể, hệ thống ngôn ngữ về KHXH có những tầng ngữ nghĩa phức tạp, nếu không chuyển đổi một cách chuyên nghiệp sẽ làm mất đi ý nghĩa của công trình nghiên cứu. Gs Ts Trần Ngọc Vương, Đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) - người từng có một số bài công bố bằng tiếng nước ngoài chia sẻ, có những bài báo mất đến bốn tháng mới dịch xong mà khi công bố vẫn còn nhiều từ gây thắc mắc.
Đây cũng chính là lý do khiến cho các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH do Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ vẫn được hưởng ngoại lệ là chưa phải áp dụng tiêu chí có công bố quốc tế mới được nghiệm thu như đã áp dụng với lĩnh vực KHTN. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, khó khăn không có nghĩa là giữ khoảng trống về công bố quốc tế. Chính việc không đòi hỏi bắt buộc về công bố quốc tế sẽ khiến chất lượng đề tài KHXH cũng như năng lực của các nhà nghiên cứu ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới. Điều đó chẳng khác nào kéo dài thêm con đường hướng tới chuẩn mực quốc tế của ngành khoa học này.
Cùng với việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò của KHXH, cần tìm giải pháp để khắc phục những khó khăn hiện có. Đơn cử như tạo cơ hội hợp tác giữa nhà khoa học với dịch giả có chuyên môn thực sự hay dành khoản kinh phí đáng kể cho nhóm các đề tài KHXH có ràng buộc về điều kiện công bố quốc tế. Những động thái từ cả phía nhà khoa học lẫn nhà quản lý sẽ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH, từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế mà lĩnh vực khoa học tự nhiên đã làm được.