Khoa học cơ bản hoàn toàn được coi trọng, bình đẳng như các lĩnh vực KHCN khác
Nếu dựa trên các khái niệm về KHCN mà giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Tổng thư ký, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước đưa ra thì nghiên cứu cơ bản khám phá quy luật và tạo ra lý thuyết mới. Trên cơ sở các kết quả của nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng có vai trò sáng tạo các nguyên lý và giải pháp ứng dụng trong công nghệ. Những kiến thức cơ bản sẽ giúp ích rất lớn cho nghiên cứu ứng dụng, làm tiền đề cho những nghiên cứu phát triển công nghệ mới tiên tiến hơn. Kết quả là: nghiên cứu khoa học nói chung (trong đó có nghiên cứu cơ bản) làm giảm chi phí, giảm nhân công; giảm tiêu thụ năng lượng; tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và cuối cùng là hạ giá thành sản phẩm. Có thể nói, nghiên cứu khoa học nói chung (trong đó có khoa học cơ bản) đã tạo ra toàn bộ công nghệ hiện có, làm thay đổi bộ mặt xã hội loài người.
Đứng từ góc nhìn của một nhà khoa học đeo đuổi lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đặt ra so sánh giữa khoa học và âm nhạc: “Khoa học cơ bản giống như nhạc giao hưởng vậy. Một quốc gia có thể thành công ở nhiều lĩnh vực như pop, rock..., nhưng để đạt đỉnh cao thế giới thì không thể không có thành tựu ở lĩnh vực âm nhạc bác học”.
Đồng ý quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng khẳng định, Nghị quyết của Đảng và Luật KHCN đã quy định rất rõ, ta không thiên vị bất kỳ một lĩnh vực KHCN nào. Thực tế cũng cho thấy, khoa học cơ bản của Việt Nam là một lĩnh vực có thế mạnh trong khu vực và trên thế giới. Khoa học cơ bản chúng ta còn có ưu thế hơn cả những lĩnh vực khoa học khác. Vì thế, Chính phủ cũng như Bộ KH và CN đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư cho khoa học cơ bản.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có chương trình quốc gia về nghiên cứu Toán, và đã thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Chính phủ cũng đang giao nhiệm vụ cho Bộ KH và CN chương trình quốc gia phát triển ngành vật lý trong giai đoạn từ nay đến 2020. Bộ KH và CN cũng đang cùng với các nhà khoa học xây dựng đề án trình với Chính phủ. Đồng thời các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khác trong khoa học tự nhiên và các lĩnh vực do Quỹ Phát triển KHCN quốc gia tài trợ cũng đã được tăng cường trong thời gian vừa qua. Quỹ Phát triển KHCN quốc gia theo Nghị định 52 của Chính phủ chủ yếu tài trợ cho khoa học cơ bản với số vốn điều lệ hàng năm là 200 tỷ đồng. Gần đây do nhu cầu tăng lên rất nhanh, nghiên cứu cơ bản cũng có những thành tựu đáng kể nên Bộ KH và CN đang xin Thủ tướng nâng vốn điều lệ của quỹ lên 500 tỷ đồng.
Bộ trưởng cũng khẳng định, ngay cả trong các chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước, Chính phủ và Bộ KH và CN vẫn duy trì các chương trình nghiên cứu cơ bản cho khoa học tự nhiên. Đồng thời, Bộ luôn khuyến khích các viện nghiên cứu, các trường đại học tăng cường đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích các công bố quốc tế từ kết quả của nghiên cứu cơ bản. Ngoài ra, hàng năm, Bộ KH và CN cũng căn cứ vào nhu cầu phát triển của các viện, các trường đều có kế hoạch đầu tư thiết bị, hạ tầng, thông tin cho các phòng thí nghiệm của các viện, các trường liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Tuy chưa đáp ứng được hết nhu cầu, nguyện vọng đầu tư của các viện, các trường nhưng các thiết bị đầu tư hàng năm cũng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn trong ngân sách đầu tư phát triển KHCN.
Bộ KH và CN cũng có hệ thống giải thưởng dành cho nghiên cứu cơ bản, như giải thưởng Tạ Quang Bửu là một ví dụ. Giải thưởng Tạ Quang Bửu tuy là giải thưởng cấp bộ nhưng có giá trị giải thưởng không hề thua kém giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng cấp Nhà nước. Như vậy để thấy rằng Bộ KH và CN không hề coi nhẹ bất kỳ lĩnh vực nào.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ngành Vật lý, Bộ KH và CN sẽ căn cứ vào hiệu quả hai chương trình quốc gia về Toán và Vật lý đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm một vài chương trình quốc gia về nghiên cứu cơ bản khác như hóa học hay công nghệ sinh học. Đó là những lĩnh vực đang có nhu cầu rất lớn của sản xuất và đời sống, cần phải có đầu tư nghiên cứu cơ bản để tạo nền móng, tạo tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng sau này.
Có thể nói, nghiên cứu cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng không những tạo ra kiến thức nền tảng cho sự phát triển mà còn có vai trò quan trọng duy trì môi trường nghiên cứu, môi trường đào tạo đỉnh cao - yếu tố sống còn để đào tạo lực lượng nhà nghiên cứu, những chuyên gia xuất sắc cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.