Hội thảo khoa học “Đền thờ công chúa Nhổi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình – biểu trưng của tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Lào”
Ngày 23/12/2020, Tổng hội Xây dựng Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã phối hợp với Quỹ Văn hiến Việt Nam, Sở Văn hoá Thể thao, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo “ Đền thờ công chúa Nhồi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình – Biểu trưng của tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt-Lào”tại khách sạn Bái Đính, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Toàn cảnh hội thảo
Chủ trì hội thảo là TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hoá thể thao tỉnh Ninh Bình; và ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình. Tham dự hội thảo có ngài Sẻng Phết Hung Bun Nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, lịch sử, đại diện doanh nghiệp và cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình, ngôi Đền Thượng Thái Sơn thuộc xã Sơn Lai, huyện Nho Quan là nơi để mộ và thờ Công chúa Nhồi Hoa, nước Lào - người có công giúp nhà Lê huấn luyện voi chiến, bảo vệ biên cương Đại Việt vào đầu thế kỷ XV. Đây không chỉ là di tích tâm linh, thể hiện nét đẹp văn hóa và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, mà còn là biểu tượng đẹp cho tình hữu nghị sâu đậm và lâu đời giữa hai nước Việt - Lào.
Đền thờ công chúa Nhồi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình
Theo sử sách cũ ghi lại vào thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông, có một vị công chúa nước Lào phiên âm tiếng Việt là Nhồi Hoa đã theo lệnh vua cha đem vài trăm con voi sang và giúp huấn luyện đàn voi cho Đại Việt đánh giặc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may công chúa Nhồi Hoa đã lâm bệnh và qua đời tại khu vực đồi Đền. Ghi nhận công lao to lớn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho quân về xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê, tuy nhiên, hàng trăm năm qua, di tích có nhiều phần mai một và đã được trùng tu nhiều lần. Hiện tại đền còn lưu giữ khá nhiều các hiện vật, các sắc phong, đồ thờ, thời Nguyễn.
Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của công chúa Nhồi Hoa, người dân đã tổ chưc lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch. Ngoài phần rước kiệu quanh làng, tổ chức tế còn nhiều trò chơi dân gian như: Chọi gà, đấu vật, kéo co, cờ người,.. Đặc biệt có múa hát theo điệu Chăm Pa (điệu múa hát cổ truyền của nước Lào). Năm 2007, Đền Thượng Thái Sơn được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh.
Với gần 20 bài báo cáo, tham luận được trình bày trong hội thảo là những kết quả nghiên cứu đầu tiên của các nhà khoa học đã được trình bày, góp phần làm sáng tỏ những đóng góp quý báu của công chúa Nhồi Hoa nước Lào đối với Việt Nam; thời đại lịch sử, tình hữu nghị Việt – Lào; ý nghĩa và những ảnh hưởng của Đền thờ công chúa Nhồi Hoa tới cuộc sống văn hóa, tâm linh và phong tục tập quán của cư dân địa phương,.. Theo đó, đền thờ Công chúa Nhồi Hoa là công trình kiến trúc mang đậm tính Việt Nam, không chỉ thể hiện được nét đẹp văn hóa Việt Nam mà còn thể hiện cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Lào từ thế kỷ XV. Đền thờ mang nhiều ý nghĩa tâm linh và có nhiều tiềm năng, thuận lợi cho công tác phát triển ngoại giao, cũng như phát triển du lịch trong tương lai.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng cần đi sâu làm rõ văn hóa, lịch sử, niên đại các triều vua nước Ai - Lao, danh xưng của công chúa Nhồi Hoa (bằng tiếng Lào) cũng như sự kiện trao tặng đàn voi chiến năm xưa, giúp Đại Việt chống giặc ngoại xâm. Đồng thời, sử dụng các thiết bị hiện đại đo niên đại của các vật liệu xây dựng, đồ thờ cúng, văn tự còn lại ở di tích. Nhiều ý kiến, trao đổi về Đề án xây dựng "Làng văn hóa, du lịch Việt - Lào tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan". Việc thực hiện đề án sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ hiện tại và tương lai về tình hữu nghị lâu đời, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào.
Đoàn chủ trì hội thảo
Theo TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Di tích đền thờ công chúa Nhồi Hoa đã được xây dựng lâu đời, có sức ảnh hưởng lớn và thấm đẫm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào. Tổng hội Xây dựng nhận thấy cần có những nghiên cứu sâu, rộng hơn nữa, đặc biệt có kế hoạch tôn tạo di tích này trở thành biểu tượng tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào. Do thời gian xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp, rất cần các nhà nghiên cứu, kỹ thuật tổ chức sâu hơn về mặt kết cấu, quy hoạch để đảm bảo được tính bền vững của công trình này”.
GS. TS Đặng Cảnh Khanh trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
GS Đặng Cảnh Khanh - Chủ tịch HĐKH Quỹ Văn Hiến Việt Nam đã nhấn mạnh giá trị nhiều mặt của công trình Đền thờ công chúa Nhồi Hoa trên đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Các nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ về thời đại lịch sử đặc biệt và những đóng góp quý báu của công chúa Nhồi Hoa nước Lào đối với đất nước Việt Nam khi đó. Đồng thời Quỹ cũng đã tiến hành các nghiên cứu về ảnh hưởng của Đền thờ công chúa Nhồi Hoa tới cuộc sống văn hóa, tâm linh và phong tục tập quán của cư dân địa phương nơi có đền thờ công chúa. Việc nghiên cứu và phục dựng đền thờ công chúa nước Lào tại Ninh Bình sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ hai nước về tình hữu nghị lâu đời gắn bó thủy chung giũa hai dân tộc anh em Việt Lào.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự có mặt của ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông và sự đóng góp của các nhà khoa học. Đồng thời thông qua Hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn, các học giả, nhà khoa học sẽ có nhiều đóng góp, xây dựng, làm rõ, sâu đậm hơn giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư và mối tình bằng hữu bang giao năm xưa. Đồng thời, đánh giá Hội thảo thành công là cơ hội để Ninh Bình có thêm một điểm di tích lịch sử quốc gia, quốc tế, thể hiện tình bằng hữu giữa 2 dân tộc Việt Nam và Lào. Đây cũng là luận cứ khoa học để 2 Đảng, 2 nhà nước và nhân dân đã vun đắp thêm tình cảm “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
GS.TS Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam
Kết thúc hội thảo, GS.TS Lê Thị Quý – Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam đã bày tỏ quyết tâm sẽ nghiên cứu, xây dựng một “Bảo tàng sinh thái Lào”. Đồng thời tiếp tục mời các nhà khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội khác cùng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng tham gia hành trình nghiên cứu, giúp đền thờ công chúa Lào cùng với quần thể danh thắng Tràng An trở thành một điểm văn hóa, góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương tham gia xây dựng phát triển du lịch.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng ngài Sẻng Phết Hung Bun Nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHCDND Lào
Xuân Nguyên, Bùi Ngân