Hoạt động kiểm tra trong tổ chức hội
Trong khoảng 20 năm gần đây ở nước ta có hàng nghìn tổ chức hội ra đời. Nhiều hội hoạt động phong phú, năng động, đưa lại những hiệu quả thực sự đối với xã hội. Riêng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam ) đã có 102 hội thành viên và có nhiều đơn vị trực thuộc. Hình thức tập hợp hội rất đa dạng: Liên hiệp hội, Tổng hội, Hội (hội ngành, hội chuyên ngành). Tính chất của hội cũng khác nhau: chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, xã hội….và đan xen lẫn nhau. Điều đó thể hiện tính tự do, dân chủ trong xã hội ta đang phát triển và cũng thể hiện nhu cầu phát triển của xã hội trong cơ chế thị trường.
Hội đã hình thành thì phải hoạt động; có hoạt động thì mới phát triển và tồn tại. Nhưng đã hoạt động thành một tổ chức thì phải có kiểm tra. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra ở tổ chức hội không thể áp dụng “nguyên xi” như ở các tổ chức công quyền.
CÔNG TÁC KIỂM TRA KHÔNG THỂ THIẾU TRONG HOẠT ĐỘNG HỘI
Nhà nước pháp quyền lãnh đạo xã hội bằng luật pháp. Mọi công dân trong một nước phải tuân thủ luật pháp của nước đó. Để kiểm tra việc thi hành pháp luật của công dân, của các cơ quan Nhà nước đã phải hình thành nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, toà án, kiểm sát, thanh tra, kiểm tra…). Tổ chức hội hoạt động, ngoài việc tuân thủ pháp luật, còn phải thực hiện Điều lệ của tổ chức mình. Điều lệ đóng vai trò như văn bản “pháp luật” trong nội bộ Hội, cho nên công tác kiểm tra là một hoạt động không thể thiếu của Hội nhằm thúc đẩy Hội hoạt động và hoạt động đúng Điều lệ, đúng pháp luật. Điều đó chỉ giúp cho Hội hoạt động tốt và phát triển tốt.
Uỷ ban (Ban) kiểm tra hoạt động thường xuyên thì chỉ có lợi cho Lãnh đạo Hội, vì sớm phát hiện dấu hiệu vi phạm Điều lệ hoặc vi phạm pháp luật để ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực xảy ra. Qua hoạt động thường xuyên, Uỷ ban (Ban) kiểm tra có thể tư vấn cho Lãnh đạo hội trong hoạt động. Qua thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, với thái độ chân thành, xây dựng của Uỷ ban (Ban) kiểm tra thì sự phối hợp, tạo điều kiện của Lãnh đạo Hội đối với hoạt động của Uỷ ban (Ban) chỉ có lợi cho công tác chung của Hội.
Hoạt động kiểm tra là một phần không thể thiếu đối với việc tăng cường đoàn kết nội bộ, giải toả những tồn tại, thắc mắc trong hội viên, hoặc sớm giải quyết những tố cáo, khiếu nại, giúp cho Hội hoạt động lành mạnh, có hiệu quả.
SỰ GIỐNG NHAU VÀ KHÁC NHAU VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA CỦA HỘI VÀ CỦA CÁC TỔ CHỨC KHÁC
Ở đây chúng tôi nêu lên sự so sánh công tác kiểm tra của Đảng, Nhà nước và Hội.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, cho nên công tác kiểm tra của Đảng đóng vai trò quan trọng. Công tác kiểm tra của Đảng phải dựa vào Điều lệ Đảng và kiểm tra Đảng là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra của Đảng phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất quan trọng của Đảng là nguyên tắc dân chủ – tập trung. Điều đó thể hiện tính dân chủ, chiến đấu, giáo dục và tính tổ chức cao trong Đảng. Tổ chức Đảng cấp trên, sau khi đã xem xét, nghiên cứu ý kiến của cấp dưới, có thể có những kết luận khác với cấp dưới (nhất là trong tình hình hiện nay). Công tác kiểm tra trong Đảng không sử dụng các phương pháp như ở cơ quan bảo vệ pháp luật (nghiệp vụ điều tra, trinh sát, tạm giữ, tạm giam…)
Công tác thanh tra của Nhà nước cũng giống như công tác kiểm tra của Đảng là làm rõ những vi phạm của đối tượng. Đối tượng của kiểm tra Đảng là đảng viên và tổ chức đảng, còn của thanh tra Nhà nước là công dân và tổ chức chính quyền. Phương pháp tiến hành kiểm tra Đảng dựa vào các quy định của Đảng, còn của thanh tra Nhà nước dưa vào các quy định của pháp luật.
Công tác kiểm tra của Hội cũng có trách nhiệm làm rõ những vi phạm của đối tượng. Nhưng đối tượng kiểm tra của hội có khác vì hệ thống tổ chức hội rất đa dạng. Mỗi hội đều có Điều lệ riêng, có Ban kiểm tra riêng. Hội ngành địa phương vừa là thành viên trực tiếp của Liên hiệp hội địa phương, vừa là thành viên của Hội ngành Trung ương. Liên hiệp hội Việt Nam không có hội viên, nhưng có hội thành viên và các đơn vị trực thuộc. Một điều khác cũng cần chú ý, Hội là một tổ chức tập hợp rộng rãi, tự nguyện những người có cùng chung mục đích, nguyện vọng nào đó, không phải là tổ chức chặt chẽ như tổ chức đảng. Do đó, công tác kiểm tra hội cần có những phương pháp thích hợp. Chúng ta cần phát huy tính tự kiểm tra của các hội thành viên làm phương châm chủ đạo. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không tăng cường tự kiểm tra thì dễ xảy ra tình trạng Hội không hoạt động gì, hoặc dễ mắc sai phạm tiêu cực vì Hội tự chủ, tự trang trải kinh phí. Sự can thiệp của các tổ chức khác nhiều khi chậm và không sát với thực tiễn đầy khó khăn của các hội. Nói như vậy, không có nghĩa không có sự kiểm tra của tổ chức Hội cấp trên, của có quan Nhà nước, của tổ chức đảng. Đó là những sự bổ trợ quan trọng cho công tác kiểm tra hội.
Trong công tác kiểm tra hội, ngoài việc kiểm tra thực hiện Điều lệ, rất cần chú ý tới việc kiểm tra thi hành pháp luật Nhà nước. Đây cũng là điểm quan trọng cần kiểm tra để bảo đảm Hội hoạt động đúng pháp luật, có uy tín và phát triển bền vững.
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA HỘI
Thông thường, Điều lệ của các hội quy định nhiệm vụ của Uỷ ban (Ban) kiểm tra như sau:
Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ và quy chế hoạt động của hội, của hội thành viên và các tổ chức trực thuộc.
Xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo
Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ban kiểm tra các hội thành viên.
Trong các nội dung này thì nội dung 1 là quan trọng nhất. Khó khăn của việc thực hiện Điều lệ là bảo đảm các quy định về mặt nguyên tắc hoạt động và mặt tổ chức:
Hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số (khác với nguyên tắc của Đảng)
Bảo đảm sinh hoạt định kỳ có nội dung; bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ theo đúng quy định, tránh các tiêu cực.
Hội có hoạt động và hoạt động có hiệu quả, không vi phạm pháp luật
Một vấn đề nhạy cảm mà công tác kiểm tra cần lưu tâm, đó là lĩnh vực tài chính của hội. Ở những đơn vị trực thuộc hội, nguồn thu nhập còn khó khăn, thì vấn đề này chưa nổi lên. Nhưng ở các tổ chức hội có nguồn tài chính dồi dào, chúng ta cần chú ý tới quy chế hoạt động tài chính, nhất là những khoản mục liên quan tới ngân sách nhà nước, tới kinh phí hỗ trợ từ nước ngoài.
Trong công tác kiểm tra, chúng ta cần chú ý tới việc xây dựng qui chế để thực hiện Điều lệ hội. Qui chế thiếu chặt chẽ là những kẽ hở cho sự vi phạm Điều lệ, nhất là những điểm liên quan tới tính dân chủ, công bằng và chi tiêu tài chính.
Ở các hội cũng có một số đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhưng không nhiều. Do đó, Uỷ ban (Ban) kiểm tra cần có kế hoạch giải quyết dứt điểm. Qui trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cần được tiến hành như các qui định chung.
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA TRONG CÁC TỔ CHỨC HỘI
Phương thức hoạt động kiểm tra là hệ thống các phương pháp, hình thức, biện pháp để công tác kiểm tra phù hợp với đối tượng cần kiểm tra, nhằm đạt hiệu quả.
Đối với các tổ chức hội, chúng ta cần quan tâm tới các vấn đề sau:
Về phương pháp:
Hoạt động kiểm tra ở các tổ chức hội chỉ đóng vai trò như một mặt công tác của Ban chấp hành, của Hội đồng Trung ương. Hội không có bộ máy làm công tác kiểm tra, mà chỉ có một Uỷ ban (Ban) kiểm tra thực hiện công việc này khi có vấn đề nảy sinh. Do đó, Uỷ ban (Ban) kiểm tra cần dựa vào 1 số nguyên tắc sau:
Bám sát Điều lệ để đối chiếu với hoạt động đang diễn ra của Hội
Cần dựa vào hội viên để phát hiện các dấu hiệu vi phạm Điều lệ
Cần gắn hoạt động kiểm tra với các hoạt động của Ban Thường vụ, Đoàn Chủ tịch thì mới phát hiện được những điều cần kiểm tra.
Lấy phương châm ngừa là chính, nên công tác này phải hoạt động thường xuyên. Người làm công tác kiểm tra cần nhanh nhạy, có tâm và biết vận động, thuyết phục (có như vậy, hội mới thực hiện được nhiệm vụ tập hợp)
Khi giải quyết sự việc, Uỷ ban (Ban) kiểm tra cần làm việc tập thể để đưa ra kết luận
Về hình thức
Hoạt động kiểm tra hội không nên cứng nhắc vào một, hai hình thức duy nhất. Chúng ta cần chọn những hình thức đúng mực phù hợp với đối tượng (cá nhân, tập thể). Không thể có khuôn mẫu trong công tác kiểm tra hội
Về biện pháp
Lấy biện pháp tự kiểm tra làm biện pháp chủ đạo. Điều đó phù hợp với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Hội
Ngoài biện pháp tự kiểm tra, cần kết hợp các biện pháp kiểm tra chéo giữa các hội và kiểm tra của cấp Liên hiệp hội đối với các hội thành viên.
Những trường hợp đặc biệt cần có sự kết hợp kiểm tra của cơ quan pháp luật, của chính quyền và của tổ chức Đảng
Tất cả các biện pháp này không thể tách rời với việc đóng góp của hội viên đối với công tác kiểm tra
Về hình thức kỷ luật
Công tác kiểm tra thường gắn với việc xem xét kỷ luật. Tuy nhiên, công việc này cần được tiếp tục trao đổi để trong thời gian ngắn nhất có thể trình Hội đồng Trung ưong Liên hiệp hội Việt Nam xem xét.
* Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp hội ViệtNam