‘Hai Lúa’ Tây Ninh lại sắp trình làng chiếc trực thăng thứ hai
Nhưng mặc, bỏ qua những lời đàm tiếu, “Hai Lúa” vẫn miệt mài theo đuổi giấc mơ của mình và chiếc trực thăng thứ hai lại sắp được xuất xưởng...
So với chiếc đầu, chiếc trực thăng thứ hai này đẹp hơn, “hiện đại” hơn và được chế tạo trong thời gian ngắn hơn chiếc trước đến sáu năm rưỡi (chiếc trực thăng đầu được anh Hải và anh Danh mày mò chế tạo trong bảy năm ròng).
“Hiện nay thế giới mới chỉ có hai hãng sản xuất máy bay có thể chế tạo được kiểu trực thăng máy đứng: Hãng Lycominr (Mỹ) và Hãng Kawasaki (Nhật). Tính luôn tôi thì thế giới chỉ có ba nước chế tạo thành công kiểu máy bay có động cơ “ngược” thôi!” - “Hai Lúa” Trần Quốc Hải tự hào giới thiệu về chiếc trực thăng thứ hai của mình như thế (!?).
Trở nên “nổi tiếng” sau khi chế tạo chiếc trực thăng đầu, anh Hải có cơ hội tiếp xúc nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến quan sát, góp ý về chiếc trực thăng đang bị bỏ phế ngay tại “xưởng sản xuất” của mình.
Từ những mối quan hệ này, anh Hải đã được cung cấp nhiều tài liệu rất có giá trị về kỹ thuật chế tạo máy bay. Anh Hải bộc bạch: “Tâm nguyện của tôi là muốn làm một điều gì đó có ích cho nền khoa học Việt Nam, muốn chứng minh với thế giới rằng những gì các nước có nền khoa học tiên tiến làm được thì người Việt Nam cũng làm được. Tôi tin rằng người Việt Nam sẽ làm được rất nhiều điều nếu chúng ta dám làm!”.
Với sự hỗ trợ của anh Lê Văn Danh, của vợ, cậu con trai đang học lớp 11 và những “học trò” của mình, anh Hải lại mày mò chế tạo chiếc trực thăng thứ hai. Theo anh, chiếc trực thăng mới này có những ưu điểm vượt trội hơn so với chiếc trước về nhiều mặt.
Trước hết, khung sườn trực thăng được thiết kế tinh xảo, gọn nhẹ với kiểu dáng khá đẹp. Cơ cấu vận hành được hỗ trợ bằng hệ thống điều khiển thủy lực. “Đây là kỹ thuật tiên tiến bậc nhất được áp dụng trong các loại trực thăng hiện đại của thế giới!”, anh Hải giải thích.
Đặc biệt, anh Hải còn khoe anh đã cải tiến thành công cỗ máy nguyên thủy hiệu Kawasaki vốn là máy “nằm” trở thành máy “đứng” với khá nhiều thời gian và công sức. Từ cỗ máy chạy dầu diesel, anh Hải đã cải tiến thành máy chạy dầu trắng (dầu hôi) để giảm được độ rung khi máy vận hành (?).
“Động cơ của máy là 250 mã lực và tốn nhiên liệu là 60 lít dầu/8 giờ, ít hao nhiên liệu hơn chiếc trước rất nhiều. Những máy bay hiện đại của thế giới cũng đốt chừng ấy nhiên liệu trong cùng số giờ bay”, anh Hải giảng giải (!?).
Trọng lượng chiếc trực thăng thứ hai này là 680kg (chiếc trước 900kg). Theo tính toán kỹ thuật của anh Hải, chiếc trực thăng thứ hai sẽ bay cao tối đa 3km với tốc độ nhanh nhất là 140km/giờ và có khả năng bay liên tục 12 giờ liền. Đến nay, động cơ trực thăng đã được chạy “rô đa” gần 300 giờ.
“Tôi muốn chiếc trực thăng của mình có thể bay một mạch từ TP.HCM ra Hà Nội chứ không phải dừng ghé nơi nào. Mình đi sau phải có những phát minh tiến bộ, độc đáo hơn những người đi trước”, anh Hải tỏ vẻ lạc quan.
Không còn cơ quan chức năng nào cản trở anh Hải và anh Danh chế tạo chiếc trực thăng thứ hai này. “Điều đó khiến chúng tôi yên tâm hơn trong việc nghiên cứu và chế tạo trực thăng. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận được sự hoài nghi của nhiều người về kết quả nghiên cứu, chế tạo của chúng tôi, có người còn nói thẳng ra rằng chúng tôi đang làm một chuyện điên rồ, viển vông.
Mặc họ! Tại sao họ cứ phải cho rằng chế tạo máy bay là một điều gì đó ghê gớm lắm và bất khả thành? Tôi sẽ dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu và chế tạo máy bay, rồi con của tôi sẽ tiếp tục như thế”.
“Bà xã” anh Hải cũng không giấu vẻ tự hào khi nói về chồng và con trai mình, điều đó làm tôi hiểu thêm rằng tại sao người đàn ông có thú đam mê “kỳ lạ” kia lại có thể nhẫn nại đối mặt với rất nhiều khó khăn để mày mò nghiên cứu trong nhiều năm trời, và gần như bỏ cả sự nghiệp để chuyên tâm vào việc chế tạo máy bay.
Trao đổi với chúng tôi, một nhà chuyên môn cho biết máy bay muốn bay được phải tuân thủ các qui định hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt. Ví dụ như điều lệ bay, điều lệ an toàn bay, các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo khí cụ bay...
Trong khi đó, máy bay do “Hai Lúa” tự thiết kế và sản xuất chưa có những căn cứ pháp lý, chứng chỉ về chất lượng trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo; vật liệu chế tạo; vật tư, thiết bị... Máy bay của “Hai Lúa” lại không tuân thủ theo bất cứ tiêu chuẩn bắt buộc nào của hàng không; nếu có sản xuất ra cũng không đủ điều kiện đăng kiểm.
Vâng, có thể chiếc máy bay thứ hai này cũng cùng chung số phận với chiếc thứ nhất. Nhưng những gì mà “Hai Lúa” đang đeo đuổi rất đáng được trân trọng và không phải ai cũng có: khát vọng sáng tạo vô bờ của một nông dân chân đất!
Nguồn: tuoitre.com.vn 10/12/2005